Hiệu quả tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách ở huyện Quỳ Hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trải qua 20 năm phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp với nhiệm vụ thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; hàng ngàn hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Sự đồng hành của địa phương và những “cánh tay nối dài”

Đến nay, trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp đã có 16 tổ tiết kiệm và vay vốn tín dụng chính sách; đây là “cánh tay nối dài”, cầu nối quan trọng giữa NHCSXH với người vay vốn, góp phần giúp các nguồn vốn vay đến đúng đối tượng kịp thời, thuận lợi, công khai và dân chủ.

Ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND thị trấn, đồng thời cũng là thành viên Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết: Tổng dư nợ 6 chương trình tín dụng đã đạt 18,45 tỷ đồng, với 340 hộ vay, đặc biệt, không có nợ quá hạn. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn 9,57% thì sau 10 năm, con số đó đã giảm xuống còn 3,06%.

Để có được kết quả đó, theo ông Sửu, có vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương. UBND thị trấn đã phối hợp tốt với NHCSXH, gắn tín dụng chính sách với chương trình, chính sách xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; xác định chính xác các hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách; chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn để từ đó cùng tìm ra phương cách giải quyết hiệu quả, nhất là đối với công tác thu hồi, xử lý nợ quá hạn.

Cán bộ NHCSXH huyện Quỳ Hợp tư vấn người dân về phương cách phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả vốn vay. Ảnh tư liệu Thu Huyền

Cán bộ NHCSXH huyện Quỳ Hợp tư vấn người dân về phương cách phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả vốn vay. Ảnh tư liệu Thu Huyền

“Chúng tôi cũng chỉ đạo ban giảm nghèo, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, khối trưởng, thường xuyên nắm bắt, tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng hàng năm để xây dựng kế hoạch tín dụng gửi lên NHCSXH huyện. Căn cứ nguồn vốn được giao, thực hiện phân bổ vốn đến từng khối, quản lý chặt chẽ nguồn vốn và triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời theo dõi, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả gốc, trả lãi đầy đủ, đúng hạn”, ông Nguyễn Văn Sửu cho hay.

Đặc biệt, để giúp hộ dân sử dụng hiệu quả vốn vay, UBND thị trấn đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ vay vốn. Từ đó, tạo sự lan tỏa, cuốn hút các hộ vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Phát triển kinh tế trang trại từ nguồn vốn vay NHCSXH. Ảnh tư liệu Thu Huyền

Phát triển kinh tế trang trại từ nguồn vốn vay NHCSXH. Ảnh tư liệu Thu Huyền

Được thành lập năm 2003, trải qua 20 năm phát triển, NHCSXH huyện Quỳ Hợp đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, đã xây dựng được 21 điểm giao dịch cố định tại 21 xã, thị trấn; từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.

Các tổ chức hội nhận ủy thác là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên đã sát cánh với NHCSXH để quản lý vốn vay ưu đãi trên địa bàn. Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác đạt 610,615 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ toàn huyện. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, nhiều tổ chức hội đã phát huy rất tốt thế mạnh trong tập hợp lực lượng, hướng dẫn bình xét cho vay, quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành đúng quy định trả nợ, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm, như Hội Nông dân các xã Châu Đình, Nghĩa Xuân, Đồng Hợp; Hội Phụ nữ các xã Châu Thành, Minh Hợp và thị trấn…

Vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Ảnh Thu Huyền
Vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Ảnh Thu Huyền

Đặc biệt, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn trên địa bàn, ngay sau khi thành lập, đơn vị đã tích cực huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân và từ ngân sách địa phương. Nhờ đó, đã tạo lập được nguồn lực đáng kể đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Quỳ Hợp quản lý đạt 618 tỷ đồng, tăng hơn 612 tỷ đồng và gấp 105,6 lần so với ngày đầu thành lập, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân hàng năm đạt 19,6%.

Thoát nghèo, làm giàu từ tín dụng chính sách

Thực hiện hiệu quả cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động của đơn vị đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn.

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu là cho vay hộ nghèo và cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm với tổng dư nợ 5,775 tỷ đồng, sau 20 năm hoạt động, đến nay đã triển khai 19 chương trình tín dụng được Chính phủ giao và một số chương trình từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương; theo dõi và quản lý trên 12.438 hộ vay, chiếm hơn 37% tổng số hộ dân toàn huyện. Tổng doanh số cho vay 20 năm qua đạt 1.830 tỷ đồng, với 72.662 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; mức đầu tư cho người vay tăng từ 3 triệu đồng/hộ năm 2003 lên 100 triệu đồng/hộ năm 2022.

Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái (Quỳ Hợp) xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã. Ảnh: Thu Huyền
Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái (Quỳ Hợp) xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã. Ảnh: Thu Huyền

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã góp phần giúp gần 10.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hàng ngàn lao động được tạo việc làm ổn định, được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hàng ngàn hộ gia đình có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, làm mới hoặc sửa chữa lại nhà ở. Đặc biệt, hơn 6.600 em học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn để học tập; hơn 2.800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có vốn phát triển sản xuất, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là “bà đỡ” hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát khỏi nghèo đói, hòa nhập cộng đồng và từng bước vươn lên làm giàu.

Người dân xã Châu Đình (Quỳ Hợp) vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ phát triển chăn nuôi. Ảnh tư liệu Thu Huyền

Người dân xã Châu Đình (Quỳ Hợp) vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ phát triển chăn nuôi. Ảnh tư liệu Thu Huyền

Cùng với cho vay, công tác thu hồi vốn cũng được thực hiện rất tốt, góp phần quan trọng tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, đồng thời giảm áp lực đáng kể trong việc cấp vốn từ Trung ương. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã thành lập Tổ thu nợ tại những xã có nợ quá hạn cao so với mặt bằng chung để tập trung đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng. Đến nay, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH huyện là 212 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,034% trên tổng dư nợ tín dụng, giảm mạnh so với thời điểm nhận bàn giao và trên địa bàn hiện có 19 xã không có nợ quá hạn; đặc biệt, nguồn vốn được triển khai đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, không có hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng vốn, vay hộ, vay ké.

Công tác cho vay vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả về nguồn vốn, mức vay tối đa một số hạng mục, tuy nhiên, qua 20 năm hoạt động, chúng tôi đã đúc rút ra các bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, với phương châm hoạt động là “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc NHCSXH huyện Quỳ Hợp

Theo đó, tới đây sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội, gắn với chủ trương, định hướng của từng địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với tập trung giúp các hộ thoát nghèo, chúng tôi cũng sẽ quan tâm đầu tư cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn…

Tin mới