Hiệu quả từ chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn

(Baonghean) - Sau 4 năm triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, dòng chảy tín dụng về khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được khơi thông, tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn nông hộ được tiếp cận vốn vay đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Cũng như nhiều nông dân phát triển chăn nuôi trang trại ở huyện Diễn Châu, ông Phạm Văn Cần xóm 10, xã Diễn Trung trở thành khách hàng thân thiết của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Diễn Châu từ hơn 10 năm nay. 

Cán bộ Phòng Giao dịch Diễn Châu - Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An hướng dẫn thủ tục cho vay vốn. Ảnh: Hữu Nghĩa
Cán bộ Phòng Giao dịch Diễn Châu - Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An hướng dẫn thủ tục cho vay vốn. Ảnh: Hữu Nghĩa.
Năm 2002, ông Cần bắt đầu xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm, khi đó trong tay chỉ có lưng vốn ít ỏi, ông tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp huyện Diễn Châu đặt vấn đề vay vốn để đầu tư làm trang trại chăn nuôi. Sau khi thẩm định dự án, ngân hàng chấp thuận giải ngân vốn vay. Ông Cần mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi khép kín hết 1,5 tỷ đồng, và mua con giống khoảng 1 tỷ đồng. Đến nay trang trại chăn nuôi của gia đình ông có quy mô 13.000 con gà, có thời điểm lên tới 19.000 con, chủ yếu nuôi giống gà thịt thương phẩm và gà sao giống Ai Cập, bán trứng và bán thịt cung cấp cho thị trường các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình… Mỗi năm bán ra thị trường từ 120 - 150 tấn gà thịt thương phẩm. Những năm thuận lợi trang trại đạt tổng doanh thu từ 3 - 4 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí đầu vào còn lãi ròng khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ông Phạm Văn Cần cho biết: “Những năm đầu khi mới thành lập trang trại, tôi được Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho vay vốn 1 tỷ đồng, quá trình làm ăn hiệu quả, gia đình tôi đã trả nợ vay ngân hàng, nay chỉ còn dư nợ 300 triệu đồng. Nhờ sự sẻ chia đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp đã giúp gia đình tôi tăng nguồn đầu tư và tự tin làm ăn, thực hiện mọi nghĩa vụ đúng kỳ hạn cho ngân hàng”.
Nghị định 41 ra đời tạo điều kiện thông thoáng cho nhiều thành phần kinh tế ở khu vực nông thôn tiếp cận vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều giá trị vật chất cho xã hội. Anh Bùi Thành ở xóm Tân Thắng, xã An Hoà (Quỳnh Lưu) vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp huyện để đầu tư nuôi tôm. Xác định chọn con tôm để phát triển kinh tế cũng là quyết định táo bạo của anh Thành, bởi nuôi tôm chẳng khác nào đánh bạc, thuận lợi thì lãi to, rủi ro thì mất lớn. Được Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho vay vốn 600 triệu đồng, anh Thành mạnh dạn đầu tư 2 đầm tôm với diện tích 1 ha. Vừa qua, anh thả nuôi 65 vạn giống tôm thẻ chân trắng, đến nay tôm đã phát triển được 2 tháng, nuôi thêm khoảng 1 tháng nữa là xuất bán ra thị trường. Nếu thuận lợi sẽ cho thu hoạch 7 - 8 tấn tôm, giá trị 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí đầu vào còn lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Anh Thành chia sẻ với chúng tôi rằng, muốn được ngân hàng cho vay thêm 500 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất trong vụ tiếp theo.
Đối với các địa phương phát triển nghề khai thác biển, năm nay ngư dân tập trung vay vốn đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi khai thác ở ngư trường xa dài ngày, nâng hiệu quả đánh bắt. Anh Tô Hùng ở xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa đang đóng mới một con tàu công suất 800 CV, trị giá 6,5 tỷ đồng. Con tàu này do 8 anh em cùng chung vốn đóng. Anh Hùng chia sẻ: Nhờ được Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu chấp thuận cho vay 1,7 tỷ đồng giải ngân theo tiến độ đóng tàu, đã hỗ trợ nguồn vốn lớn, kịp thời để anh em chúng tôi đóng được con tàu mơ ước của mình. Trước đây, chúng tôi đi đánh cá bằng tàu 420 CV, chủ yếu khai thác ở ngư trường Vịnh Bắc bộ. Nay chúng tôi đã bán tàu cũ để đóng tàu công suất lớn nhằm mục đích vươn khơi khai thác xa bờ 300 - 400 hải lý, duy trì khai thác trên biển hàng tháng trời vẫn đảm bảo, vừa nâng được sản lượng, giá trị hải sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Phòng giao dịch Agribank Sơn Hải phục vụ cho vay 7 xã gồm: Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Ngọc, An Hoà, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, Quỳnh Yên. Đến nay, dư nợ trên 203 tỷ đồng, trong đó cho vay nghề biển chiếm 2/3 tổng dư nợ. 6 tháng đầu năm 2014, dư nợ cho vay tăng 23%. Riêng xóm giáo Tân An trong 6 tháng đầu năm cho vay đóng mới 6 tàu cá, công suất từ 500 CV - 800 CV, trung bình mỗi tàu được vay khoảng 2 tỷ đồng. 
Ông Hồ Công Đàm - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Xác định đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chính của chi nhánh, do vậy mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng đều tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được tiếp cận vốn, tăng mức đầu tư sản xuất, quay vòng vốn nhanh. Đến 30/6/2014, tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng Nông nghiệp Quỳnh Lưu đạt 796.408 triệu đồng, tăng 75.153 triệu đồng so với đầu năm; Dư nợ đạt 970.602 triệu đồng, tăng 118.694 triệu đồng so đầu năm, tốc độ tăng trưởng gần 14%. Với 12.304 khách hàng còn dư nợ, trong đó trên 90% dư nợ là đối tượng nông nghiệp, nông thôn. Riêng 4 xã vùng biển gồm Quỳnh Long, Sơn Hải, Tiến Thuỷ, Quỳnh Nghĩa dư nợ 238 tỷ đồng, chiếm 24,5 tổng dư nợ toàn huyện. 6 tháng đầu năm, cho vay đóng mới 88 tàu cá, công suất khoảng 800 CV/tàu. Vốn ngân hàng tham gia bình quân từ 1,2 - 2 tỷ đồng/tàu.
Theo ông Phan Đức Tiến - Giám đốc Agribank tỉnh Nghệ An cho biết: Từ khi triển khai Nghị định 41, dư nợ của hệ thống Agribank tỉnh tăng khá lớn, tính đến 30/6/2014, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 11.728 tỷ đồng, tăng 753 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay theo Nghị định 41 đạt 7.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60,1%. Với 105.990 khách hàng còn dư nợ. Khách hàng hấp thụ vốn tốt, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trả nợ gốc và lãi sòng phẳng cho ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm dưới 0,5%. Cơ cấu đầu tư tín dụng đã được tiếp cận tương đối toàn diện, bao gồm tất cả các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân. 
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 41 cũng gặp những vướng mắc như việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các địa phương trong tỉnh còn chậm; đối với mô hình trang trại, những trang trại đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận trang trại, nhưng vẫn làm chậm. Thực tế này ảnh hưởng đến nông hộ và chủ trang trại trong quá trình tiếp cận vốn vay. Đồng thời, theo Nghị định 41, mức cho vay tín chấp lớn, hộ sản xuất có thể vay tín chấp đến 50 triệu đồng. Nếu các cấp uỷ, chính quyền địa phương không phối hợp tốt với ngân hàng và khách hàng vay vốn thì khi xảy ra rủi ro rất khó thu hồi nợ. Ngoài ra, những mô hình sản xuất, các dự án có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, chưa có mô hình chung cho cả cộng đồng. Việc tiêu thụ hàng hoá nông sản còn khó khăn, phụ thuộc thị trường, được mùa rớt giá… khiến khách hàng khó khăn trong việc hoàn trả nợ vay… Thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp tiêu thụ nông sản thuận lợi cho nông dân để những khi được mùa vẫn không rớt giá. Như vậy sẽ tạo động lực cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn.
Quỳnh Lan

Tin mới