Hiệu quả từ chính sách tín dụng

(Baonghean) - Thời gian qua, nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ cơ giới hoá nông nghiệp của Chính phủ và của tỉnh Nghệ An, hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh đã được vay vốn qua Ngân hàng Nông nghiệp để mua máy móc thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng năng suất cây trồng, mở rộng vùng chuyên canh hàng hoá.
 
Vào cuối những năm 1990, Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An đã bắt đầu cho bà con nông dân vay để mua các loại máy móc nhằm từng bước cơ giới hoá nông nghiệp. Nhưng việc cho vay chỉ thực sự được đẩy mạnh khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5005/QĐ-UB.NN ngày 12/12/1998 về chính sách hỗ trợ cho vay vốn mua máy cày nhỏ đa chức năng. Theo đó, nông dân được vay 2/3 giá trị máy cày nhỏ đa chức năng và được hỗ trợ lãi suất trong 3 năm... Và các quyết định sau này về chính sách hỗ trợ cho nông dân mua cơ giới, cũng như đến năm 2009, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 497/QĐ- TTg "về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn". Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An đã triển khai thực hiện đầu tư vốn theo các quyết định trên, chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng cơ sở ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng đối với các đối tượng nông nghiệp nông thôn theo quyết định của tỉnh và Chính phủ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc, bảo đảm cho vay đúng quy trình nghiệp vụ, bảo đảm đúng đối tượng được hưởng chính sách vay hỗ trợ lãi suất...
 
Ông Phan Đức Tiến- Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, cho biết: Những năm đầu thực hiện cho vay tín chấp theo chính sách hỗ trợ máy nông nghiệp  mức 10 triệu đồng là đã cho vay một phần không có bảo đảm bằng tài sản, do đó ngân hàng không khỏi lo lắng. Hơn nữa, tại thời điểm đó ruộng đồng còn quá nhiều khoảnh nhỏ, manh mún, hạn chế việc đầu tư đưa máy móc vào sản xuất. Tâm lý một bộ phận nông dân vẫn muốn tự làm đất để giảm tiền thuê cày bừa đất, nếu mua máy sử dụng không có hiệu quả sẽ phát sinh nợ quá hạn, khó thu... Song, với niềm tin vào ý chí của người vay vốn mua máy muốn vươn lên làm giàu và ý thức trả nợ của người nông dân chất phác nên ngân hàng đã mạnh dạn cho dân vay tín chấp.

Nông dân Hưng Nguyên đưa máy gặt vào thu hoạch lúa

Hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An đã cho hộ nông dân vay 190,2 tỷ đồng để mua các loại máy nông nghiệp, trong đó cho vay theo quyết định của UBND tỉnh với doanh số cho vay 90,2 tỷ đồng. Trong đó cho vay mua máy cày 78,8 tỷ đồng với 6.986 chiếc; máy gặt 3,2 tỷ đồng/144 chiếc; máy hái chè 9,2 tỷ đồng/833 chiếc. Đến 30/9/2011 còn dư nợ 25,2 tỷ đồng (máy cày dư nợ 16,7 tỷ đồng, máy gặt dư nợ 3 tỷ đồng và máy hái chè 5,4 tỷ đồng). Hàng quý, Sở Tài chính Nghệ An đã thực hiện cấp bù tiền lãi kịp thời, với số tiền cấp bù từ năm 1999 đến 30/6/2011 là 15.070 triệu đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg và Quyết định 2213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 2 năm (2009- 2010) đã cho vay hỗ trợ lãi suất 100 tỷ đồng, trong đó cho vay mua máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến nông sản 84,6 tỷ đồng với 1.124 khách hàng được vay. Số tiền lãi được hỗ trợ 12,5 tỷ đồng. Đến 30/6/2011 còn dư nợ 65 tỷ đồng.
 
Một số địa phương vay mua nhiều máy cơ gới hoá nông nghiệp như: huyện Đô Lương 190 máy với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng; Nghi Lộc 173 máy với hơn 2,1 tỷ đồng; Nam Đàn 198 máy với số tiền trên 3,1 tỷ đồng; Yên Thành 188 máy gần 3 tỷ đồng; Hưng Nguyên 132 máy hơn 1,8 tỷ đồng; Thanh Chương 239 máy hái chè gần 2,5 tỷ đồng; Anh Sơn 253 máy hái chè hơn 2,6 tỷ đồng...
 
Nhờ được vay vốn rẻ đầu tư mua máy móc phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp đã đem lại nhiều hiệu quả to lớn cho bà con nông dân trong tỉnh. Trước đây, mỗi khi bước vào vụ sản xuất để làm hơn 4 sào ruộng của gia đình mình, chị Võ Thị Ngân- xóm 13, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc phải huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình cùng tham gia cày, cuốc trong mấy ngày ròng mới xong phần làm đất. Từ ngày có máy cày chỉ chạy trong mấy tiếng đồng hồ là xong khâu làm đất. Máy cày sâu, nhuyễn đất, vừa tăng chất lượng làm đất vừa giải quyết tốt tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp. Giá thành làm đất sử dụng cơ giới thấp hơn so với làm thủ công. Đồng thời đưa máy cơ giới vào làm đất và thu hoạch, giảm sức lao động, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Theo những chủ hộ vay vốn mua máy cày đa chức năng, máy gặt ở huyện Hưng Nguyên cho biết thì chỉ sau 2- 3 vụ đưa máy xuống đồng hoạt động liên tục họ đã thu hồi được vốn đầu tư mua máy. Ngoài phục vụ việc làm đất của gia đình, giờ đây những hộ có máy dùng để cày, gặt thuê cho nhiều hộ trong xã, cũng có thu nhập đáng kể nhờ máy móc đem lại.
 
Theo số liệu từ phía ngân hàng thì các hộ mua máy cày đa chức năng, máy gặt kể cả được cấp bù lãi suất hay không được cấp bù lãi suất, kể cả được hỗ trợ giá máy hay không hỗ trợ giá máy thì họ đều trả nợ gốc và lãi đúng hạn, không phát sinh nợ xấu. Và hiện nay nhiều hộ nông dân vẫn có nhu cầu vay vốn để mua các máy móc cơ giới nông nghiệp. Điều này cho thấy các hộ vay vốn đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân. Đồng thời, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, việc đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp được người dân ngày càng quan tâm đầu tư. Bởi đây được coi là yếu tố quan trọng để sản xuất hàng hoá lớn, nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - nông nghiệp hoá nông thôn.

Quỳnh Lan

Tin mới