Hiệu quả từ liên kết của các HTX ở Yên Thành

(Baonghean.vn) - Hầu hết hoạt động có lợi nhuận, mô hình tổ chức, hoạt động ngày càng phù hợp với thị trường - những kết quả đó giúp nâng cao vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) trên địa bàn huyện Yên Thành.
Hiệu quả liên kết
Không chỉ liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm đem lại giá trị cao hơn cho người nông dân, mà khác với nhiều HTX khác, HTX nông nghiệp Quyết Tiến (xã Công Thành, huyện Yên Thành) có hẳn một hệ thống kho chứa, sấy, chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản. 
Sau thất bại của HTX cũ, năm 2019, ngay khi được thành lập, trăn trở tìm một hướng đi, ông Bùi Văn Hồ - Giám đốc HTX đã nhận định: Điều quan trọng nhất, đó là phải có cơ sở vật chất ổn định, từ đó mới tạo được niềm tin, thu hút doanh nghiệp vào liên kết bền vững.
Bằng nỗ lực tự thân cùng sự phối hợp của đối tác, hệ thống 3 lò sấy công suất 60 tấn/ngày đêm, kho chứa có sức chứa tối đa 1.000 tấn được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. “Không chỉ giúp thu hút doanh nghiệp vào liên kết, mà sản phẩm nông sản cũng có thể bảo quản lâu hơn trong những thời điểm chưa tiêu thụ được. Hiện một số đối tác đã đến đặt vấn đề sấy gỗ, măng khô. Vào vụ thu hoạch hè thu, nếu người dân trong vùng có nhu cầu, HTX cũng có thể nhận sấy lúa cho bà con” - ông Bùi Văn Hồ chia sẻ.
Liên kết giữa nông dân và HTX ở xã Liên Thành (Yên Thành). Ảnh: Thái Dương
Liên kết giữa nông dân và HTX ở xã Liên Thành (Yên Thành). Ảnh: Thái Dương

Tham gia sản xuất liên kết thông qua HTX, ông Lê Minh Luân - xóm 9 xã Công Thành được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt HTX mua sắm máy bơm chuyền để bơm từ nguồn về cung cấp nước tưới cho lúa. “Gia đình có 8 sào ruộng, chỉ có 1 sào ở vùng khác là không thể tham gia liên kết, 7 sào còn lại được bao tiêu sản phẩm cao hơn 20% giá thị trường cùng thời điểm, lợi nhuận cũng tăng khoảng 20% so với trước đây”- ông Luân phấn khởi.

Với 90 thành viên, không chỉ liên kết sản xuất, sấy và đóng gói 100 ha lúa giống, mà HTX nông nghiệp Quyết Tiến còn liên kết với 6 xã khác cả trong và ngoài huyện sản xuất 7.000 - 8.000 tấn thóc thương phẩm/năm để chế biến, đóng gói, liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Thành Đô. 

Đó chỉ là một ví dụ trong thành công từ đổi mới mô hình và nâng cao hiệu quả hoạt động HTX tại huyện Yên Thành trong những năm qua.
Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ phát triển HTX, trong đó năm 2016 tập trung định hướng, chuyển đổi các HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012; các năm tiếp theo tiếp tục hỗ trợ HTX nông nghiệp mở rộng các loại hình dịch vụ, chuyển giao khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư liên doanh liên kết theo chuỗi sản phẩm, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế của địa phương như gạo Yên Thành, cam Vinh, mật ong Tràng Kè, gà vườn rừng Yên Thành... Nhờ vậy, nhiều HTX đã tăng về quy mô, lĩnh vực và nâng cao hiệu quả hoạt động. 
Đầu tư cơ giới hóa thu hoạch lúa ở xã Nhân Thành (Yên Thành). Ảnh: Thái Dương
Đầu tư cơ giới hóa thu hoạch lúa ở xã Nhân Thành (Yên Thành). Ảnh: Thái Dương

Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thành có 48 HTX nông nghiệp, tăng 15 HTX so với năm 2015, toàn bộ 38/38 xã có HTX nông nghiệp; gần 15.000 thành viên tham gia, vốn điều lệ đạt trên 24 tỷ đồng. Điểm đáng ghi nhận, ngoài các dịch vụ nông nghiệp, cung cấp vật tư đầu vào, các HTX đã mở rộng, chú trọng phát triển nhiều ngành nghề mới, hiệu quả cao như dịch vụ thức ăn chăn nuôi, môi trường, quản lý chợ, cung cấp nước sạch, tín dụng nội bộ...

Đặc biệt nhiều HTX như HTX NN Bảo Thành, HTX NN Quyết Tiến đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như trồng rau trong nhà lưới; HTX DVNN&XD Minh Thành tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả của các thành viên HTX, một số HTX áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như lò sấy nông sản, đặc biệt là HTX NNDVTH Thọ Thành đã dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ từ khâu bắc mạ khay, làm đất, máy cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch đến thu mua lúa tươi cho bà con nông dân. “Nhìn chung, số HTX hoạt động hiệu quả tăng lên, hầu hết có lợi nhuận” - ông Nguyễn Văn Dương cho biết. 

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng hợp tác xã 
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng các HTX vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Phần lớn thiếu vốn hoạt động, quy mô dịch vụ nhỏ, thiếu ổn định, năng lực cạnh tranh thấp. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ, số lượng thành viên còn ít, mức vốn góp khiêm tốn... gây khó khăn trong hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tạo tiềm lực để liên doanh liên kết.
Trong khi đó, nhiều HTX mới chỉ tập trung cung ứng dịch vụ đầu vào chứ chưa quan tâm đầu tư mở rộng lĩnh vực hoạt động như làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, liên kết tiêu thụ các loại sản phẩm nông sản, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
HTX Tân Thành xây dựng sản phẩm dứa đạt tiêu chuẩn VietGAP.  Ảnh:  Thái Dương
HTX Tân Thành xây dựng sản phẩm dứa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thái Dương

Những năm tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và xây dựng NTM, Yên Thành đã đề ra nhiều giải pháp với các mục tiêu cụ thể.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vai trò của các HTX; nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quá trình đồng hành, hỗ trợ các HTX hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, định hướng, tạo hành lang pháp lý để HTX hoạt động; hỗ trợ giúp đỡ theo hướng lấy HTX làm cầu nối giữa nhà nước với hộ nông dân và doanh nghiệp; nâng cao trình độ năng lực HTX. 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các HTX, tháo gỡ những “nút thắt” khó khăn, ngoài các cơ chế chính sách của cấp trên, UBND huyện, UBND các xã cũng chủ trương tổ chức lồng ghép thực hiện các cơ chế chính sách hiện hành của nhà nước như vay vốn phát triển sản xuất; chính sách về giao đất cho thuê đất làm trụ sở, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ máy vi tính, hệ thống thông tin...

Tin mới