Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nghệ An

(Baonghean) - Sau thành công với 3 tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và Hoàng Thị Loan, nhà giáo - nhà văn Nguyễn Thế Quang bắt tay viết tiểu thuyết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau 4 năm lao động miệt mài, đến nay, “Đường về Thăng Long” đã chính thức ra mắt bạn đọc khắp cả nước - một cuốn sách hoành tráng, dày gần 600 trang khổ lớn.
Tác giả Nguyễn Thế Quang trao đổi cùng đồng nghiệp, độc giả về cuốn tiểu thuyết
Tác giả Nguyễn Thế Quang (thứ 2 từ trái qua) trao đổi cùng đồng nghiệp, độc giả về cuốn tiểu thuyết "Đường về Thăng Long". Ảnh: Phước Anh

Ngay từ tên tác phẩm, chúng ta đã phần nào thấy cách tiếp cận đề tài của Nguyễn Thế Quang là không chỉ miêu tả một danh tướng Võ Nguyên Giáp mà còn mở rộng diện phản ánh một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước, với nhiều nhân vật tên tuổi khác nữa. 

Đọc tác phẩm, chúng ta thấy tác giả đã chọn không gian, thời gian là những năm đầu thế kỷ XX, khi những ngọn cờ của phong trào Cần Vương đã ngã xuống, lớp lớp sĩ phu cũ, những trí thức mới cùng dân tộc tiếp bước đứng lên quyết giành lại non sông với nhiều cách nghĩ và hành động khác nhau. Do đó, đã phản ánh một giai đoạn có thể nói là dữ dội, phức tạp và bi tráng của dân tộc hơn nhiều những cuộc khởi nghĩa trước đây.

Bạn đọc bắt gặp ở đây nhiều nhân vật đủ các thế hệ, các tầng lớp, làm nên diện mạo lịch sử của một thời chưa xa mà công chúng tưởng như đã “quen thuộc”: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại...

Đưa vào tác phẩm rất nhiều nhân vật có tầm cỡ lớn trong sự phức tạp của lịch sử mà sách, báo đã viết khá nhiều là một thách thức lớn đối với tác giả. Làm thế nào để bạn đọc “gặp lại” một tên tuổi quen biết mà vẫn xúc động, ngỡ ngàng và cả thao thức như trước một vẻ đẹp, một kho báu mới lạ và bí ẩn?  
Tiểu thuyết
Tiểu thuyết "Đường về Thăng Long". Ảnh: NVCC

Với tư duy của một nhà tiểu thuyết đã từng có kinh nghiệm viết các tiểu thuyết lịch sử như “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống”, tác giả Nguyễn Thế Quang đã đi sâu khai thác đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người qua các xung đột dữ dội, những thành công và thất bại đau đớn, những bài học đắt giá, nhờ đó, thế giới nhân vật trở nên đa dạng, sinh động và chân thực. 

Trong “Đường về Thăng Long”, tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều “có thể có thật” - đó là những “khoảng mờ” trong lịch sử hoặc là những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có. Ví như những trang miêu tả những cuộc gặp gỡ giữa Võ Nguyên Giáp với các trí thức, nhân sĩ hàng đầu đất nước, với cả “vong linh” người vợ trẻ đã quá cố Nguyễn Thị Quang Thái, hoặc những thao thức của các nhân vật “phức tạp” như học giả Trần Trọng Kim, nhà văn Nguyễn Tường Tam trước những xoay chuyển của thời cuộc...

Nhờ vậy, đã mở rộng biên độ phản ánh của “Đường về Thăng Long”, tạo nên một thế giới nghệ thuật có sức hút độc giả - điều mà chỉ nhà tiểu thuyết mới làm được. 

Tác giả Nguyễn Thế Quang. Ảnh: Phước Anh
Tác giả Nguyễn Thế Quang. Ảnh: Phước Anh

Chỉ xin dẫn cách tác giả “mở rộng”, cũng là sự “hư cấu” dựa trên một chi tiết có thật. Đó là khi Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các vị lãnh đạo cùng nhân sĩ, trí thức ở Huế trong chuyến công cán các tỉnh miền Nam đầu năm 1946 theo chỉ thị của Bác Hồ; Võ Nguyên Giáp nhớ lại lần gặp cụ Phan Bội Châu buổi sáng Xuân Đinh Mão 1927. Qua ngòi bút nhà tiểu thuyết, bạn đọc hôm nay được “sống lại” không khí gần 1 thế kỷ trước cùng với các trí thức tên tuổi không chỉ của Huế.

Trong buổi gặp gỡ ấy, Võ Nguyên Giáp được nghe cụ Phan đọc bài thơ chúc Tết thanh niên, “tiếng Nghệ nặng mà vang như tiếng chuông đồng: “Trời đã mới người càng nên đổi mới/Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/ Ghé vai vào xốc vác cựu giang sơn...”. Có thể nói, người thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước ở cậu học sinh Võ Giáp là một con người xứ Nghệ - chí sĩ Phan Bội Châu, “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”, như nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã nói. 

Cũng trong chuyến công cán vào phía Nam Xuân 1946, tác giả đã dành một chương miêu tả cảnh Võ Nguyên Giáp sau khi vào tận mặt trận ác liệt Nam Trung bộ, trên đường trở lại Hà Nội, đã ghé về Vinh. Tôi dùng chữ “về”, vì ở Vinh, qua những trang Võ Nguyên Giáp “hồi cố”, tác giả cho chúng ta biết thời trẻ Võ Nguyên Giáp đã sống một quãng thời gian rất có ý nghĩa với thầy Đặng Thai Mai và gia đình nho sĩ họ Hồ, bao lần thân thiết trò chuyện với Nguyễn Thị Quang Thái như trong nhà mình. 

Đầu năm 1932, Võ Nguyên Giáp ra Vinh theo gợi ý của thầy Đặng Thai Mai. Ông được cụ cử Hồ Phi Huyền cho về ở trong nhà cùng con rể là Đặng Thai Mai; cả hai được cụ cử rộng lòng cưu mang, dù nhà Nho xứ Nghệ rất thanh bạch. Cụ đậu cử nhân lúc 21 tuổi cùng khóa với Phan Bội Châu, hoạt động cứu nước cùng cụ Đặng Nguyên Cẩn - thân phụ của Đặng Thai Mai. Bị tù. Ra tù. Dạy học, làm thuốc, nghiên cứu triết học. Năm 1933, cụ công bố cuốn “Nhân đạo quyền hành”. Đây là tác phẩm triết học lớn vừa kế thừa tư tưởng Nho giáo, vừa gửi gắm những suy nghĩ mới mẻ của riêng mình.

Vậy nên, được ở với cụ, Võ Nguyên Giáp đã thốt lên: "Mình lại gặp được một bậc thầy nữa rồi...". Như thế, đâu chỉ vì cuộc sống cơm áo, những năm tháng ở Vinh, Võ Nguyên Giáp đã học được bao điều bổ ích khi được ở cùng những con người uyên bác như cụ cử Huyền và Đặng Thai Mai. Và cũng chính tại thành Vinh, tình yêu chớm nở giữa Võ Nguyên Giáp và Quang Thái như một mầm non gặp đất phì nhiêu, đã thành cây xum xuê hoa lá...

Qua những trang tác giả tái hiện Võ Nguyên Giáp thời trẻ ở Huế và Vinh, bạn đọc hiểu thêm nhân cách, tài năng Võ Nguyên Giáp đã được hình thành như thế nào. Nói cách khác, Võ Nguyên Giáp là con người có khả năng đặc biệt, biết hấp thu những tinh hoa của dân tộc và của cả thế giới nữa.

“... Đêm hè tháng 7-1933, tại đây anh đọc cho Thái nghe bài thơ của Louil Aragon  “Tháng Bảy của tuổi xuân”:... Màu tháng Bảy là màu Pháp quốc/ Tháng cẩm chướng nở hoa/ Tháng dân chúng đã ghi/ Trên nhà ngục Bastile...”.

... Tiếng Giáp trong, thỉnh thoảng đọc nguyên văn tiếng Pháp, giọng đầy xúc động. Thái nghe, trong mắt như có lửa, như muốn nuốt từng chuỗi âm thanh ấm áp. Tim đập rộn ràng, lòng Thái như say. Cả hai người như say...”. 

Trở lại Vinh đầu năm 1946, Võ Nguyên Giáp đã xúc động nhớ lại tất cả... Lễ cưới Võ Nguyên Giáp - Quang Thái cũng được tổ chức tại thành phố này. Và từ Vinh, theo lời khuyên của cụ cử Huyền, cùng với thầy Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp đã ra Hà Nội, vừa học tiếp rồi đi dạy Trường Thăng Long, vừa tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng...   

Võ Nguyên Giáp đã trưởng thành lên từng ngày như thế, từ tuổi thơ nghe mẹ kể chuyện ông ngoại đánh Tây trong phong trào Cần Vương, nghe ông ngoại dạy dỗ rằng, con người muốn làm nên sự nghiệp phải có cả “võ” lẫn “văn”; và đặc biệt nhất là những năm tháng được sống, làm việc cạnh Bác Hồ cùng nhiều nhà cách mạng, trí thức tên tuổi trong thời đoạn đầy thử thách sau Cách mạng Tháng Tám mà tác giả dành phần lớn cuốn sách để tái hiện. Cũng có thể nói, đó là “con đường” đã đào luyện nên vị tướng có công đầu trong Chiến thắng Điện Biên, để có ngày 10/10/1954 trở lại Thăng Long - Hà Nội giữa cờ hoa rực rỡ...

Về nghệ thuật, mặc dù các đoạn trích ở trên được viết theo trí tưởng tượng của tác giả, nhưng vẫn là cách trần thuật theo bút pháp hiện thực. Như vậy, có thể nói, về cơ bản, “Đường về Thăng Long” vẫn theo cách viết truyền thống. Tuy vậy, tác giả đã có sự đổi mới mạnh mẽ về kết cấu, về sử dụng bút pháp dòng ý thức, điểm nhìn đa chiều so với các tiểu thuyết trước đây của mình. Điều nổi bật nhất là chất đối thoại, phản biện bao trùm toàn tác phẩm, xuyên suốt trong từng nhân vật, giữa các nhân vật, cuốn người đọc vào những cuộc đối thoại không ngừng. 

“Đường về Thăng Long” là một cuốn tiểu thuyết có sức nặng tư tưởng, thể hiện những điều tâm huyết, những suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá các sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước ta. 

Tin mới