Hồ, đập ở Nghệ An tích nước sẵn sàng cho sản xuất vụ hè thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nếu như các năm trước, nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An thường xảy ra tình trạng cạn khô trước vụ hè thu, ảnh hưởng đến sản xuất thì năm nay, hầu hết các hồ, đập đều đã dự trữ được nguồn nước nhất định, đảm bảo nước tưới cho mùa vụ.

Xã Nghi Văn là địa phương vùng cao của huyện Nghi Lộc, đồng đất thường xuyên khô hạn, nguồn nước sản xuất, đặc biệt là trong vụ hè thu thường thiếu nước khiến cây lúa sinh trưởng kém, năng suất thấp, một số diện tích lúa buộc phải chuyển sang trồng các cây màu chịu hạn như ngô, lạc, vừng...

Nghi Văn được xem là vùng khô hạn nhất huyện Nghi Lộc, các hồ, đập thường cạn trơ đáy trong những năm trước. Ảnh: Quang An

Nghi Văn được xem là vùng khô hạn nhất huyện Nghi Lộc, các hồ, đập thường cạn trơ đáy trong những năm trước. Ảnh: Quang An

Toàn xã Nghi Văn hiện có 19 hồ, đập lớn nhỏ, nhiều nhất trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Những năm trước đây, các hồ này thường xuyên cạn kiệt, trơ đáy khi bước vào vụ hè thu khiến tình hình hình sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên năm nay, lượng nước tại các hồ đều đạt xấp xỉ 60 – 70% dung tích, sẵn sàng phục vụ tưới cho cây trồng khiến người dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghi Văn, cho biết: Các năm trước lượng mưa ít, cùng với đó là nhiều hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, rò rỉ nước nên thường xuyên xảy ra khô hạn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng mưa nhiều hơn, có những trận mưa lớn, một số hồ cũng đã được sửa chữa, nâng cấp nên dung tích nước dự trữ ổn định hơn. Đơn cử như hồ Lách - Bưởi, có tổng dung tích 2,5 triệu mét khối, lớn nhất trên địa bàn xã hiện mực nước cũng đã đạt khoảng 70% dung tích, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Mặc dù vậy, trong đầu vụ hè thu năm nay, các hồ đập tại xã Nghi Văn đều đã dự trữ được lượng nước đáng kể. Trong ảnh: Hồ Lách - Bưởi đạt dung tích khoảng 70%. Ảnh: Quang An

Mặc dù vậy, trong đầu vụ hè thu năm nay, các hồ đập tại xã Nghi Văn đều đã dự trữ được lượng nước đáng kể. Trong ảnh: Hồ Lách - Bưởi đạt dung tích khoảng 70%. Ảnh: Quang An

Số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, toàn huyện có tổng cộng 40 hồ, đập lớn nhỏ, trong đó, có các hồ lớn như Khe Nu (Nghi Kiều), hồ Nghi Công (Nghi Công Bắc), hồ Lách Bưởi (Nghi Văn), Khe Thị (Nghi Công Nam)… Ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: So với các năm trước thì năm nay, các hồ, đập trên địa bàn huyện đều tích trữ được mực nước ổn định hơn, giảm thiểu nguy cơ hạn hán, đảm bảo cho sản xuất hè thu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chỉ đạo các địa phương điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, đề phòng nắng nóng gay gắt kéo dài trong thời gian tới.

Toàn huyện Diễn Châu có 11 hồ, đập lớn nhỏ tập trung tại các xã Diễn Lâm, Diễn Đoài, Diễn Phú, là những xã vùng cao của huyện, trong đó có 3 hồ lớn là: hồ Xuân Dương, hồ Đình Dù và hồ Bàu Da Mạt Tộ. 8 hồ đập nhỏ còn lại chủ yếu tưới tiêu cho diện tích 30 – 50 ha lúa và hoa màu các loại. Theo khảo sát của huyện thì hiện nay, mực nước tại các hồ đều đạt trên 60%, thậm chí một số hồ đã đầy nước. Đơn cử như Hồ Xuân Dương, xã Diễn Phú – hồ có trữ lượng lớn nhất huyện với dung tích gần 11 triệu mét khối lúc cao điểm, hiện nay dung tích cũng đạt xấp xỉ 8 – 9 triệu mét khối, sẵn sàng phục vụ tưới tiêu cho 500 ha lúa và hoa màu của các xã Diễn Phú, Diễn Lộc, Diễn Lợi, Diễn Thọ.

Hồ Xuân Dương, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu cũng có mực nước ổn định, sẵn sàng phục vụ nước tưới cho 4 xã lân cận. Ảnh: Quang An

Hồ Xuân Dương, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu cũng có mực nước ổn định, sẵn sàng phục vụ nước tưới cho 4 xã lân cận. Ảnh: Quang An

Theo Sở NN&PTNT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ. Trong đó, có 98 hồ do doanh nghiệp quản lý và 963 hồ do các địa phương quản lý.

Đối với 98 hồ, đập do doanh nghiệp quản lý hiện có 13 hồ đầy nước (cùng kỳ năm 2021 chỉ có 4 hồ đầy nước); 71 hồ có dung tích trên 70% (cùng kỳ năm ngoái có 62 hồ); 10 hồ có dung tích từ 50 – 70% và chỉ có 4 hồ có dung tích dưới 50%.

Đối với 963 hồ, đập do các địa phương quản lý hiện có 601 hồ đạt khoảng trên 70% dung tích thiết kế; các hồ còn lại đạt khoảng 50 - 70% dung tích thiết kế. Như vậy, có thể thấy, mực nước tại các hồ, đập năm nay đều tăng vượt trội so với năm trước, tình trạng hồ cạn trơ đáy như các năm trước rất ít.

Việc gia cố, nâng cấp các hồ, đập là phương án cần thiết để tăng khả năng dự trữ nước, đảm bảo sản xuất cho người dân. Ảnh: Quang An

Việc gia cố, nâng cấp các hồ, đập là phương án cần thiết để tăng khả năng dự trữ nước, đảm bảo sản xuất cho người dân. Ảnh: Quang An

Mặc dù vậy, theo dự báo tình hình nắng nóng gay gắt có thể kéo dài, nguồn nước phục vụ tưới tiêu sẽ phải được bổ sung liên tục, do đó, các địa phương có hồ, đập và các doanh nghiệp quản lý hồ cần phải lên phương án điều tiết nước trong hồ hợp lý, triển khai các biện pháp nâng cấp hồ, đập, tránh rò rỉ, thất thoát nước để đảm bảo nguồn nước sản xuất ổn định cho người dân.

Tin mới