Hồ Quang Lợi: Con đường báo chí, con đường văn hóa - Bài 2: Tích tụ và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Trang báo và dòng văn của Hồ Quang Lợi trong những năm qua, theo tôi, đã góp phần làm mới Hà Nội theo hướng hào hoa và hiện đại. Ngược lại, Hà Nội cũng góp phần nâng bước Hồ Quang Lợi - một trí thức tài năng điển hình xứ Nghệ...

Nghệ An xưa là một tỉnh nghèo, nay vẫn chưa phải là một tỉnh giàu có. Trong những năm chiến tranh, khó mà diễn tả hết những gian nan, khổ cực của người dân xứ Nghệ. Đến bây giờ, tôi, tác giả bài báo này, luôn tự đặt câu hỏi: Ai là người lãnh đạo có tầm nhìn rất xa để từ những năm giặc giã, gian khổ ấy mà đã quyết định thành lập trường chuyên văn, chuyên toán để bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh nhà? Đã nghèo còn dám bớt hạt gạo của dân để nuôi trò giỏi và thành lập trường chuyên cấp 3 đầu tiên của miền Bắc (nay là trường chuyên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An) thì quả là một quyết định có tầm nhìn chiến lược.

Nhà báo Hồ Quang Lợi và các đồng nghiệp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam tháng 8/2015. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Hồ Quang Lợi và các đồng nghiệp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam tháng 8/2015. Ảnh: Tư liệu

Đó phải chăng là xuất phát từ truyền thống hiếu học, ham hiểu biết của xứ Nghệ, truyền thống “ông Đồ Nghệ” từng lan truyền trong cả nước? Quyết sách ấy, quyết tâm ấy mạnh đến mức, nếu chưa có trường chuyên thì thành lập lớp chuyên! Chiến tranh, chết chóc, hi sinh nơi tuyến lửa khốc liệt dù như thế nào, nhưng sẽ đến ngày chiến thắng, đến ngày hòa bình thì phải có người giỏi để dựng xây quê hương, đất nước. Vì thế mà sau này vào năm 1974, tỉnh Nghệ An cho thành lập trường chuyên cấp 3 mang tên nhà chí sỹ Phan Bội Châu. Phải nói tư duy kiểu như thế của lãnh đạo tỉnh Nghệ An thời đó là vượt trước thời đại!

Khóa học Lớp chuyên văn của Hồ Quang Lợi 1970 - 1973 “được tỉnh nuôi”, do chiến tranh ác liệt, phải gửi học nhờ ở các trường cấp 3 huyện Nghi Lộc, rồi huyện Thanh Chương khi chưa thành lập trường chuyên riêng là vì thế. Cùng lớp chuyên văn này với anh còn có những người bạn sau này khá thành danh, trong đó có Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng... Ba năm học ở trường quả là những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ của thời học sinh. Đói, tất nhiên rồi, nhưng kiến thức là cả một trời bể mà các thầy cô giỏi nhất tỉnh truyền thụ lại cho Hồ Quang Lợi và các bạn. Ngôi trường với ân nghĩa của tỉnh nhà mở ra cho phép những học trò giỏi như Hồ Quang Lợi mơ ước đi tới những chân trời xa. Dường như bắt đầu từ những trang sách, những thầy cô lớp chuyên Nghệ An này đã dần thắp sáng ý thức công dân và trách nhiệm xã hội trong con người Hồ Quang Lợi. Từ biển xứ Nghệ ra đến đại dương của năm châu sẽ không còn bao xa.

Đúng như ao ước của Hồ Quang Lợi và kỳ vọng của thầy cô, trong kỳ thi đại học năm 1973 ấy, anh và và 12 bạn cùng lớp đạt điểm cao, được cử đi học ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Mẹ anh không hề biết đất nước Rumani ấy ở đâu, chỉ biết đó là phe ta, phe xã hội chủ nghĩa nhưng hẳn bà là người vui nhất. Trong cuộc đời anh, có nhiều niềm vui lớn nhưng có lẽ đây là thành quả đầu tiên của người con trai hiếu nghĩa dâng lên mẹ hiền tần tảo có ý nghĩa nhất, hạnh phúc hơn cả!

Nhà báo Hồ Quang Lợi và nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại lễ ra mắt cuốn sách “Những chân trời cuộn sóng”. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Hồ Quang Lợi và nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại lễ ra mắt cuốn sách “Những chân trời cuộn sóng”. Ảnh: Tư liệu

Những ngày ở Khoa lưu học sinh tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, phải học đồng thời tiếng Pháp và tiếng Rumani - hai thứ tiếng mà lúc đó một chữ bẻ đôi anh cũng chưa biết - là những ngày đầu gay cấn nhất. Chàng trai con nông dân từ một làng quê nghèo xứ Nghệ đã rất vất vả để đuổi kịp các bạn cùng lớp, trong đó có nhiều bạn đã từng học chuyên tiếng Pháp Đại học Sư phạm Hà Nội. Sự thông minh và bấm chí của trò Nghệ đã phát huy hiệu quả. Sau một năm học ngoại ngữ, Hồ Quang Lợi được sang đất nước Rumani xinh đẹp, yên bình và thơ mộng để học tại Trường Đại học Tổng hợp Bucharest, khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài.

Về những ngày đầu trên giảng đường đại học ở đất nước xa xôi đó, Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Các giáo sư, trong đó có giáo sư Paul Miclău rất nổi tiếng, người vẫn thường được mời dạy ở trường Đại học Sorbone của Pháp, giảng theo một cách thức mới, thầy cứ nói thao thao bất tuyệt, trò ghi được gì thì tùy. Thấy mình ngồi nghe chăm chú mà không ghi chép gì, người bạn gái người Rumani tên là Violeta ngồi cạnh thấy lạ, hỏi vì sao. Mình trả lời là chẳng hiểu gì cả và mặt nóng bừng lên vì ngượng ngùng. Hôm sau, cô bạn Violeta mang đi một tập giấy than, cứ mỗi trang ghi bài giảng lại lót một tờ. Cuối giờ, Violeta rút bản chính đưa cho mình, bạn ấy chỉ giữ bản lót giấy than. Mình ngỡ ngàng và xúc động. Người Rumani rất chân thật, tốt bụng, luôn quan tâm đến người khác. Cứ thế, bạn ấy giúp đỡ mình từng ngày. Cộng với tự ái của chí làm trai, của người Việt Nam nên mình học ngày học đêm và một thời gian sau thì nghe giảng tốt dần lên...”. 5 năm học ấy ở nước bạn, ngoài kiến thức thì anh thu lượm được điều gì quý nhất? Có lần nghe tôi hỏi vậy, Hồ Quang Lợi không ngại ngần chia sẻ “Đó là phương pháp tư duy độc lập, tự do đề xuất ý tưởng. Dường như không có đáp án chung duy nhất cho một vấn đề. Đáp án ấy là sự sáng tạo cá nhân phù hợp với bản chất sự kiện và thực tiễn. 10 năm học phổ thông ở ta, một năm học tại Khoa lưu học sinh là 11, tôi thấy đất nước bạn tuy cũng là một nước xã hội chủ nghĩa như ta nhưng có cách học khác, tư duy khác. Điều đó làm tôi thích thú”. Có lúc tôi nghĩ nếu không có những ngày được học tập và hình thành nên tư duy cá nhân, tư duy độc lập ấy, liệu có xuất hiện nhà báo Hồ Quang Lợi như sau này hay không?

Có lẽ số phận con người ta có chuyện may mắn và rủi ro. Có mấy lần tôi định hỏi vì sao Hồ Quang Lợi về báo Quân đội nhân dân, quãng thời gian gần 30 năm ấy đã hun đúc nên nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà văn Hồ Quang Lợi như thế nào? Có là sự may mắn hay sự tình cờ của số phận? Và tôi biết với bản tính nói thật, nói đúng bản chất của mình, anh sẽ trả lời tôi một cách đúng nhất, diễn đạt hay nhất. Nhưng thôi, tôi thử tìm một lối cắt nghĩa khác.

Nhà báo Hồ Quang Lợi tiếp Đại sứ Phần Lan. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Hồ Quang Lợi tiếp Đại sứ Phần Lan. Ảnh: Tư liệu

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp đại học từ Rumani, chàng trai làng Quỳnh xứ Nghệ về nước với bản luận văn tốt nghiệp xuất sắc, viết bằng tiếng Pháp về một trong những điển hình văn học lãng mạn Châu Âu là nhà văn Pháp - Stendhal, tác giả bộ tiểu thuyết Đỏ và Đen nổi tiếng. Hồ Quang Lợi được điều về báo Quân đội nhân dân khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta diễn ra rất quyết liệt. Anh được phân công lên biên giới phía Bắc, cùng sống với những người lính để viết về họ, phản ánh một cách chân thực cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thời gian này, ngòi bút của chàng trai Tây học Hồ Quang Lợi đượm chất máu lửa của chiến sự, chan chứa tình yêu Tổ quốc. Sống với những người lính biên cương còn quá trẻ, anh bỗng nhớ tới người em trai liệt sĩ Hồ Quang Lộc của mình hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam năm 1978, càng thấy yêu hơn thế hệ lính trẻ này đang sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Bản chất của cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân ta từ chiến hào những năm tháng bi hùng đó đã hình thành vững chắc trong ngòi bút của anh tình yêu và trách nhiệm với đất nước và nhân dân, với quân đội mình. Đó là điều bất di bất dịch theo suốt cuộc đời của Hồ Quang Lợi.

Phải chăng bản chất cách mạng, quyết liệt của người Nghệ, lòng nhân nghĩa của dòng tộc họ Hồ, lại được hòa quyện với văn minh châu Âu thời trẻ, cộng với truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ và văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã kết tinh trong con người tài hoa Hồ Quang Lợi? Tôi nghĩ hàm số này có phần đúng, chí ít là với con đường mà Hồ Quang Lợi từng đi. Gần 30 năm làm báo Quân đội nhân dân, môi trường kỷ luật nghiêm ngặt trong cuộc sống và nghề báo, nhưng Hồ Quang Lợi coi đây là môi trường tốt nhất để anh rèn nghề. Từ Phòng biên tập công tác Đảng - công tác Chính trị, anh được điều động sang Phòng Thời sự Quốc tế đúng vào thời kỳ “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc” của thập niên đầy biến động 1980-1990, rồi của buổi giao thời dông bão giữa hai thiên niên kỷ, rất cần một cái nhìn đa chiều và đúng bản chất trong dòng sông lớn của thế giới đang sục sôi cuộn chảy.

Các tác phẩm báo chí xuất sắc của Hồ Quang Lợi xuất hiện liên tục, chiếm trọn tình cảm, niềm tin yêu của bạn đọc như: chùm bài bình luận về hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991, 2003); cải tổ, các biến động dữ dội dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu (1989 - 1991); cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á (1997-1998); cuộc chiến tranh Nam Tư - cuộc chiến tranh cuối cùng trong thế kỷ 20 - (1999); cuộc khủng bố kinh hoàng (11/9/2001); cuộc chiến tranh Afghanistan - cuộc chiến tranh đầu tiên trong thế kỷ 21 (7/10/2001); cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu (2008-2009)...; các sự kiện đối ngoại liên quan trực tiếp đến nước ta như: Việt Nam rút quân khỏi Campuchia (1989), bình thường hoá quan hệ Việt - Trung (1991); ký Hiệp định hoà bình về Campuchia (1993); Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam (1994); ba sự kiện đối ngoại nổi bật trong tháng 7/1995: bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu; cuộc đấu tranh bền bỉ và quyết liệt trên mặt trận tư tưởng - văn hoá liên quan đến các vấn đề: thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... Thậm chí, mỗi buổi sáng sớm, nhiều bạn đọc đã xếp hàng mua báo Quân đội nhân dân cốt để xem bài bình luận sắc sảo và hấp dẫn của Hồ Quang Lợi.

Năm 1991, Giải báo chí Toàn quốc lần đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức, chỉ có 3 giải cá nhân ở ba loại hình là báo in, truyền hình và ảnh báo chí, trong đó giải dành cho báo in được trao cho loạt bài bình luận về chiến tranh Vùng Vịnh của nhà báo Hồ Quang Lợi. Đây là giải danh giá của làng báo Việt Nam dành cho một nhà báo lúc ấy mới 35 tuổi. Càng vinh dự hơn khi trong Hội đồng giám khảo gồm 18 người “cân đong” kỹ lưỡng từng tác phẩm có những nhà báo lừng danh như Hữu Thọ, Đỗ Phượng, Phan Quang, Trần Công Mân... Đến năm 2009, Hồ Quang Lợi đã đoạt 9 giải Báo chí Quốc gia và Toàn quốc, trong đó có 4 năm liền 2003, 2004, 2005, 2006, anh liên tục đoạt Giải A.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải A Giải báo chí Quốc gia lần thứ nhất (2006) cho nhà báo Hồ Quang Lợi. Ảnh tư liệu: VD
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải A Giải báo chí Quốc gia lần thứ nhất (2006) cho nhà báo Hồ Quang Lợi. Ảnh tư liệu: VD

Người ta nói đất lành chim đậu, 30 năm ở báo Quân đội nhân dân, Hồ Quang Lợi lên đến cấp bậc Đại tá, chức vụ Phó Tổng biên tập, thì đúng là “đất lành” rồi. Một ngày, bất ngờ tổ chức gợi ý anh về làm Tổng biên tập báo Hà Nội mới. Phải nói đây là một quyết định khó khăn. Suốt đời gắn bó với môi trường quân ngũ, anh đã trưởng thành, thành danh, nay chuyển ra môi trường dân sự quả là điều day dứt. Sau rồi được sự nhất trí của lãnh đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị động viên, khích lệ, Hồ Quang Lợi bịn rịn chia tay đồng đội, về nhậm chức Tổng Biên tập báo Hà Nội mới.

Số của anh dường như mở đầu nơi công tác mới thường hay gặp “tâm bão”. Năm 2008 là năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Tây về Thủ đô, đầu năm rét đậm rét hại chưa từng thấy, trâu bò chết như ngả rạ, cuối năm trận mưa lũ lịch sử kinh hoàng, biến phố thành sông, cả Hà Nội như chìm trong biển nước; rồi các vụ đòi đất có nguồn gốc tôn giáo ở Nhà Chung, Thái Hà, Núi Chẽ rất phức tạp mà báo Hà Nội mới phải liên tục ra trận. Và nữa, báo Hà Tây sáp nhập với báo Hà Nội mới, báo Tin chiều thuộc báo Hà Nội mới phải đóng cửa, trong nội bộ cũng còn bề bộn nhiều vấn đề phức tạp mà không thể giải quyết một sớm một chiều. Hồ Quang Lợi nói dí dỏm: “Xã viên của ba hợp tác xã nay về dồn nhau về canh tác chỉ trên một cánh đồng là Hà Nội mới, sắp xếp làm sao ổn thoả đây, từ tổ chức, vị trí, công ăn việc làm, đến thu nhập cho gần 300 con người”. Thử thách, thử thách và thử thách...

Câu chuyện Đại tá quân đội Hồ Quang Lợi chuyển ra công tác ở môi trường dân sự, làm Tổng biên tập tờ báo của Thủ đô Anh hùng, ngàn năm văn hiến, tờ báo do chính Bác Hồ đặt tên, tờ báo của “thành phố vì hòa bình” trong lòng bạn bè quốc tế, được mọi người quan tâm theo dõi. Còn một thách thức khác nữa, ấy là hi vọng, là mong chờ của lãnh đạo Thành ủy, của đồng nghiệp thân thiết của anh trong nước và nước ngoài, của công chúng khi Hà Nội đang trong những năm tháng ngổn ngang công việc chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 1000 năm tuổi.

Những cái mới mẻ ấy đã tạo nên áp lực và thách thức gay gắt đối với anh. Muốn làm tốt công việc này không chỉ là thay đổi thói quen, tác phong mà là sâu sắc hơn, đó là câu chuyện của bản lĩnh, trí tuệ và tầm văn hóa.

Dân làm báo Thủ đô ai cũng biết, chọn được một Tổng biên tập viết hay, sắc sảo, có uy tín về nghề như Hồ Quang Lợi là điều tuyệt vời. Có thể nói, buổi đầu về làm Tổng biên tập báo Hà Nội mới, Hồ Quang Lợi đã tích tụ kinh nghiệm của gần 30 năm làm báo Quân đội nhân dân, nhưng như thế là chưa đủ, anh đã huy động toàn bộ vốn tri thức học hành và kinh nghiệm sống để cống hiến hết mình cho tờ báo của Thủ đô. Và rồi, Báo Hà Nội mới bên Hồ Hoàn Kiếm những năm dưới bàn tay tài hoa, năng động, quyết liệt của Hồ Quang Lợi, người ta thấy rõ diện mạo của một tờ báo đổi mới, tinh tươm, sang trọng về hình thức, đặc biệt là nội dung đã tiệm cận với đòi hỏi khó tính của bạn đọc. Niềm tin của bạn đọc Thủ đô mỗi buổi sáng dần tăng lên theo nhịp độ tính chiến đấu, nhanh nhạy, sắc bén của báo Hà Nội mới. Niềm tin sẽ là gì nếu không phải là tài sản đáng giá nhất của một tờ báo thời đổi mới, thời của cạnh tranh thông tin quyết liệt của một loại “hàng hóa đặc biệt”? Một tờ báo Đảng bộ Thủ đô vừa đúng lại vừa hay thì dĩ nhiên tiếng nói của Thành ủy sẽ về với nhân dân tự nhiên, hiệu quả nhất. Hồi đó, đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá Tổng biên tập Hồ Quang Lợi đã thổi vào toà soạn Hà Nội mới một sinh khí làm báo mới - đoàn kết, háo hức, sáng tạo, say mê, cống hiến. Có thể nói, Hồ Quang Lợi đã mang lại cho tờ báo những hào quang đích thực.

Nhà báo Hồ Quang Lợi và nhà báo Thái Duy. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Hồ Quang Lợi và nhà báo Thái Duy. Ảnh: Tư liệu

Bằng sự quyết liệt và dân chủ, bằng sự gương mẫu và uy tín cá nhân, anh cùng các đồng nghiệp báo đã xắn tay làm, đổi mới toàn diện tòa soạn, đưa tờ báo của Đảng bộ Hà Nội mang dáng dấp hiện đại và văn hóa, được Thành ủy đánh giá cao, được đảng viên và bạn đọc Thủ đô mến yêu, đón nhận. Đặc biệt Hồ Quang Lợi đã chỉ đạo, trực tiếp tổ chức và viết một loạt bài đấu tranh với những vụ việc coi thường kỷ cương phép nước, các vụ tiêu cực, tham nhũng, trì trệ của một số cán bộ, công chức đang làm “xấu mặt” Thủ đô. Những vụ việc ấy đã đi tới tận cùng, đúng sai rõ ràng, giúp lãnh đạo Thành phố xử lý quyết liệt, dân Thủ đô hoan nghênh nhiệt liệt. Cái hay của những cuộc đấu tranh ấy là tinh thần nhân văn, đấu tranh để xây dựng, đấu tranh để phát triển. Hoàn toàn không có chuyện cá nhân hay phe phái ở những vụ việc mà báo Hà Nội mới theo đuổi. Phải nói dân Hà Nội, bạn đọc Hà Nội tinh lắm, họ phân biệt được ngay động cơ của Tổng biên tập Hồ Quang Lợi ở khía cạnh đạo đức trong sáng, cái tâm của người làm báo trước những vấn đề có tính “hàn thử biểu” của niềm tin. Có thể nói, làm phóng viên, làm Phó Tổng biên tập, có những bài báo hay, có những loạt bài báo xuất sắc được giải cao nhất, đã là khó lắm. Nhưng dù sao tác phẩm lúc này còn mang tính cá nhân, dấu ấn cá nhân. Còn ở vị trí Tổng biên tập thì làm báo lại ở tầm mức khác, tầm văn hóa khác, tầm tư duy khác. Tôi biết Tổng biên tập Hồ Quang Lợi đã huy động tổng lực tài năng, tâm huyết, và nghị lực của một lãnh đạo báo chí thời kinh tế thị trường để đưa tờ báo của Đảng bộ Thủ đô lên vị thế mới. Anh chân thành thổ lộ, làm được như thế, bên cạnh nỗ lực của anh em toà soạn thì thật may mắn, báo Hà Nội mới luôn được sự giúp đỡ của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, người rất am hiểu lao động báo chí, vừa chỉ đạo, vừa cổ vũ động viên khích lệ, đồng thời là chỗ dựa cho Ban biên tập và các phóng viên khi bước vào những trận chiến khó khăn chống những hành vi sai trái, tiêu cực. Dạo đó gặp tôi, có lần anh tâm sự, cặp mắt nhìn tươi vui: Hãy tưởng tượng, sáng sớm tinh sương, trước Hồ Gươm linh thiêng, một mình cầm tờ báo Hà Nội mới vừa in xong, giở từng trang thấy rạo rực niềm cảm xúc trào dâng như máu thịt. Mình yêu tờ báo và có lẽ sống hết lòng với nó...

Thế nhưng chỉ mới làm Tổng Biên tập báo Hà Nội mới chưa tới hai năm rưỡi, Hồ Quang Lợi bất ngờ được điều động lên làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Phải nói đây là điều bất ngờ, vì thường là dân làm báo chuyên nghiệp, say nghề như Hồ Quang Lợi, ít ai muốn lên làm tuyên giáo, dù biết là được cất nhắc. Vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội sẽ tham gia Ban thường vụ Thành ủy, một chức vụ tương đương Thứ trưởng. Hồ Quang Lợi nhiều lần trình bày “xin chiếu cố nguyện vọng được làm báo của tôi”. Lần này Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lại ra tay, ông khuyên Hồ Quang Lợi cứ sang làm tuyên giáo, nhưng không phải bỏ nghề báo mà là lãnh đạo, định hướng báo chí, tiếp tục làm báo ở cách tiếp cận khác, rộng hơn. Hơn nữa Hà Nội bây giờ đang chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm, đang bộn bề trăm việc, rất cần một Trưởng ban Tuyên giáo có tầm gánh vác công việc với lãnh đạo Thành phố. Đồng chí Bí thư Thành ủy tâm sự, ngày ông làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương (nay là Tuyên giáo Trung ương), chỉ đọc báo biết tên tuổi, tài năng của Hồ Quang Lợi mà đâu đã biết mặt. Sau này, ông đã đề xuất đưa anh về tham gia lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương. Chẳng may cơ hội ấy trôi qua. Bây giờ đã làm việc cùng nhau ở thành phố, biết được tài năng, mảng miếng của Hồ Quang Lợi, Thành ủy muốn anh đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn cho Thủ đô đang rất cần cán bộ có trí tuệ, có tầm văn hóa... Một lần nữa, với giọng rủ rỉ, chân thành, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị đã thuyết phục thành công, “bứng” Hồ Quang Lợi từ báo Hà Nội mới về Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.

Tôi không đủ hiểu biết để đánh giá đúng về những đóng góp của Hồ Quang Lợi đối với Hà Nội trong gần 6 năm anh đảm nhiệm chức Trưởng ban Tuyên giáo. Chỉ biết đây là lĩnh vực rộng, như Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu nói: “Hồ Quang Lợi là Trưởng Ban Tuyên giáo, quán xuyến hoạt động và phát triển của văn hoá Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tuyên giáo chính là từ gọi tắt của tuyên, văn, huấn, giáo, bốn lĩnh vực hoạt động văn hoá của Đảng: Tuyên truyền, văn nghệ, huấn học và giáo dục…”. Những năm ấy, tôi chỉ biết Hồ Quang Lợi đã làm việc với tốc độ, cường độ như người bị vắt kiệt sức, còn kết quả ra sao thì thật khó biết một cách toàn diện. Nhưng tôi xin trích dẫn lời của giáo sư Vũ Khiêu, một Nhà văn hóa có uy tín lớn, Công dân ưu tú của Thủ đô, nhận xét về Hồ Quang Lợi như thế này: “Trước nhiệm vụ nặng nề ấy, anh liên tục ý thức cập nhật trong học, đọc, nghiên cứu, nắm vững lý luận văn hoá và bám sát thực tiễn văn hoá Thủ đô. Từ đó, anh đã trở thành một con người uyên bác trên lĩnh vực văn hoá. Là một nhà báo sống và hoạt động nơi Thủ đô ngàn năm văn hiến, nhà báo Hồ Quang Lợi đã cùng lãnh đạo thành phố đổ nhiều công sức cho việc chuẩn bị Đại lễ ngàn năm và vẫn đang nỗ lực mỗi ngày cho công tác văn hoá đa diện của Hà Nội rộng lớn đương đại. Anh đang tiếp tục sáng tạo các tác phẩm bằng cảm xúc mãnh liệt, lắng đọng trước buổi giao thừa giữa ngàn năm đang qua và ngàn năm đang tới”. Đó là nhận xét của GS Vũ Khiêu về cuốn sách “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc” của Hồ Quang Lợi do NXB Hà Nội xuất bản năm 2012). Cũng trong bài viết này, lần đầu tiên Giáo sư Vũ Khiêu đã không ngần ngại dùng cụm từ “Hồ Quang Lợi là nhà báo và nhà văn, nhà chính trị vững vàng, nhà văn hóa uyên bác”. Tôi biết Giáo sư Vũ Khiêu từng làm việc liên tục, nhiều thời gian với Hồ Quang Lợi và lãnh đạo thành phố nghiên cứu các công trình văn hóa lớn trong dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và để lại những dấu ấn đặc biệt đối với Thủ đô. Hẳn là vị giáo sư đáng kính, nổi tiếng này đã rất cân nhắc khi nhận xét về một nhà báo thuộc thế hệ con cháu kém mình đến 40 tuổi như vậy.

Trưởng Ban Tuyên giáo Hồ Quang Lợi trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 19-5 cho đảng viên lão thành quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Tư liệu
Trưởng Ban Tuyên giáo Hồ Quang Lợi trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 19-5 cho đảng viên lão thành quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Tư liệu

Tôi nghĩ, với 8 năm (2008-2016), Hồ Quang Lợi ra quân và làm việc ở Hà Nội trên hai cương vị Tổng biên tập báo Hà Nội mới và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, có thể nói anh đã huy động tài năng, trí tuệ, thời gian cho những công việc lớn lao, liên tục, mới mẻ. Sẽ không quá khi ai đó cho rằng, Hồ Quang Lợi đã tích tụ cả đời mình để một ngày trở về cống hiến cho Hà Nội. Quá trình học hỏi, tích hợp ấy diễn ra cả trên bình diện tri thức, bản lĩnh, tình cảm và phong cách. Hiệu quả của những công việc mà anh tận hiến với một tình yêu Hà Nội thiết tha, nơi người con xứ Nghệ được sống hơn 40 năm trong khí quyển văn hiến Thăng Long, có lẽ chỉ có lãnh đạo Hà Nội và những người cộng sự của anh đánh giá là chính xác hơn cả.

Nhưng tôi biết, nhiều đồng nghiệp báo chí, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng là đánh giá cao cống hiến của anh cho Hà Nội. Nhà thơ Bằng Việt, trong bài giới thiệu cuốn sách “Thời cuộc và văn hoá” xuất bản năm 2019 của Hồ Quang Lợi đã viết: “Văn hóa phải lấy con người làm trung tâm với mục tiêu là phát triển toàn diện và bền vững, điều ấy trong các Nghị quyết của Đảng đã nói rõ, nhưng có lẽ điểm nhấn mạnh sau đây mới thực sự là luận điểm chí cốt, như một phát hiện của tác giả Hồ Quang Lợi, mà anh thực sự tâm đắc: “Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa”. Cách nói triệt để và quyết liệt ấy mới nghe tưởng có phần cực đoan, nhưng nghĩ kỹ, đó chính là cứu cánh, là giải pháp tối ưu…Luận điểm này đẩy các cán bộ ngành văn hóa, các văn nghệ sĩ làm công tác “kỹ sư tâm hồn” trong tất cả các ngành văn học nghệ thuật lên một vị trí và trách nhiệm rất cao, trong sự nghiệp xây dựng con người mới của xã hội tương lai… Tác giả Hồ Quang Lợi, một cây bút bình luận quốc tế sắc sảo, uyên bác và thông minh, đã gặt hái nhiều thành công vang dội; lần này lại đã có đóng góp nổi bật thêm nữa cho việc hình thành một luận điểm hết sức quan trọng và cốt lõi về văn hóa và vai trò của văn hóa trong thời cuộc, cũng như ý nghĩa không gì thay thế được của nó đối với sự hoàn thiện con người, trong một xã hội đang phát triển, đổi mới và hội nhập như vũ bão của đất nước chúng ta hôm nay”.

Phần tôi thì nghĩ, Hồ Quang Lợi trong 8 năm ấy và cả những năm sau này, đã cống hiến cho Thủ đô tất cả những tri thức anh tích tụ suốt cuộc đời và dâng hiến với sự nhiệt thành, hồn hậu hiếm có. Ví như với tư cách là nhà báo, anh đã góp công sức cùng với bao người tài danh khác làm đẹp, làm sang Hà Nội theo cách riêng của mình. Mà thể hiện dễ nhìn thấy nhất là khoác vẻ đẹp sang trọng cho Hà Nội qua những trang văn lấp lánh và mê đắm, một số tác phẩm được chọn lọc in trong cuốn “Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” của anh xuất bản năm 2014 đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Trang báo và dòng văn của Hồ Quang Lợi trong những năm qua, theo tôi, đã góp phần làm mới Hà Nội theo hướng hào hoa và hiện đại. Ngược lại, Hà Nội cũng góp phần nâng bước Hồ Quang Lợi - một trí thức tài năng điển hình xứ Nghệ - trong những năm tháng có diễm phúc được cống hiến cho Thủ đô. Hồ Quang Lợi đã tích tụ để lan tỏa, rồi nạp thêm năng lượng để lại bất ngờ cất bước đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam.

(Còn nữa)

Hà Nội, tháng 8-2021


>> Kỳ 3: "Những người thầy, những người bạn"

Tin mới