Hỗ trợ 300.000 đồng/người trong chương trình 'Tết Sum vầy - Xuân Bình an' năm 2022

(Baonghean.vn) - Ngày 17/12, LĐLĐ tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động; Tổ chức “Tết Sum vầy - Xuân Bình an” nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, với chủ đề: “Tết Sum vầy - Xuân Bình an” và phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”.

Chương trình nhằm mục đích chỉ đạo và huy động các cấp công đoàn tập trung tổ chức các hoạt động cụ thể chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động (ĐV&NLĐ) nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, nhất là ĐV&NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai, hỏa hoạn, đảm bảo ĐV&NLĐ đón Tết vui tươi, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là người sử dụng lao động ủng hộ các nguồn lực để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm lo thiết thực cho ĐV&NLĐ nhân dịp tết Nguyên đán.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh họp bàn về chương trình "Tết Sum vầy - Xuân Bình an" 2022. Ảnh: D.T
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh họp bàn về chương trình "Tết Sum vầy - Xuân Bình an" 2022. Ảnh: D.T

Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung nguồn lực để chăm lo cho ĐV&NLĐ nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần – 2022; tổ chức thăm, tặng quà, động viên chúc Tết ĐV&NLĐ, đặc biệt quan tâm ĐV&NLĐ phải ở trong các khu cách ly, phong tỏa, mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế, ĐV&NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo...  Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân Bình an” phải được tổ chức rộng khắp ở các khu công nghiệp, ở nơi có đông công nhân, tạo điểm nhấn đặc biệt để các cấp chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng tham gia các hoạt động chăm lo Tết cho ĐV&NLĐ.

Theo kế hoạch, đối tượng được chăm lo, thăm hỏi trong chương trình này là đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập, đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Với khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập: Đoàn viên công đoàn, người lao động có đóng BHXH, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn giai đoạn 2019-2021. Những đơn vị thành lập Công đoàn trong năm 2021 có đóng kinh phí Công đoàn trước 15 ngày, kể từ ngày ban hành Kế hoạch này cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Với khu vực hành chính, sự nghiệp công lập: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (có đóng BHXH) có hoàn cảnh khó khăn, thuộc một trong các trường hợp:

+ Bản thân (hoặc vợ, chồng, con) bị mắc bệnh phải chữa trị dài ngày theo Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế.

+ Có vợ (hoặc, chồng, con) chết trong năm 2021.

+ Bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

+ Có tỷ lệ suy giảm từ 31% trở lên.

+ Năm 2021, gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, hỏa hoạn… làm hư hỏng một phần hoặc toàn bộ nhà cửa.

Mức chăm lo, thăm hỏi là 300.000 đồng/người, thực hiện từ nguồn tài chính công đoàn các cấp.

Trào quà Tết cho đoàn viên, người lao động trong chương trình Tết Sum vầy 2021. Ảnh: D.T
Trào quà Tết cho đoàn viên, người lao động trong chương trình Tết Sum vầy 2021. Ảnh: D.T

Quy định cụ thể về nguồn kinh phí thực hiện chương trình như sau:

- Với công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập: Cần chủ động cân đối nguồn thu chi tài chính trong năm và nguồn tích lũy của đơn vị, hạn chế chi các hoạt động không cần thiết, phối hợp với doanh nghiệp và huy động nguồn xã hội hóa để chi hỗ trợ cho ĐV&NLĐ.

Theo đó, công đoàn cơ sở được để lại hoạt động tối đa 30% tài chính công đoàn tích lũy, tính đến thời điểm 31/12/2021, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng. Trường hợp thiếu nguồn kinh phí, công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ.

- Với các đơn vị khối hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, công đoàn cơ sở: Chủ động nguồn tài chính để chăm lo cho đoàn viên và người lao động theo quy định.

- LĐLĐ huyện, thành, thị và công đoàn ngành: Tự cân đối ngân sách để thực hiện chương trình. Kế hoạch cũng ghi rõ, những đơn vị này được phép sử dụng nguồn kinh phí hoạt động trong năm 2021 và sử dụng 60% tài chính công đoàn tích lũy (tính đến thời điểm 31/12/2021), để tổ chức các hoạt động. Trường hợp thiếu nguồn kinh phí đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ.

Trong trường hợp LĐLĐ huyện, thành, thị, công đoàn ngành không cân đối được nguồn ngân sách (đơn vị cấp bù) thì được phép sử dụng nguồn kinh phí hoạt động trong năm 2021 và nguồn kinh phí LĐLĐ tỉnh hỗ trợ để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết.

- Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh: Sử dụng nguồn kinh phí hoạt động trong năm 2021 và một phần tài chính tích lũy để tổ chức hoạt động Tết Sum vầy tại 7 đơn vị và hỗ trợ kinh phí cho các LĐLĐ huyện, thành, thị, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trực thuộc không cân đối được nguồn kinh phí khi có đề xuất.

Mặc dù giá trị vật chất không nhiều nhưng chương trình là sự chia sẻ của các cấp công đoàn tỉnh Nghệ An, động viên đoàn viên, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong kế hoạch, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh cũng đã có những chỉ đạo, phần công nhiệm vụ cụ thể cho các ban chuyên đề, các cấp công đoàn nhằm đảm bảo một cái Tết thật sự sum vầy, bình an cho người lao động.

Tin mới