Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA

(Baonghean.vn) - Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ.

Sáng 5/6, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” tại đầu cầu Hà Nội và các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố. Hội nghị do đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đồng chủ trì.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và Phó giám đốc Sở Công Thương Cao Minh Tú chủ trì tại đầu cầu Nghệ An.

Tận dụng tối đa cơ hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chiến lược hội nhập  của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước. Ngày 30/3/2020, Hội đồng Châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào ngày 8/6/2020.

EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Với hiệp định này, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ hai trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU - cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới.

EVFTA là một trong những Hiệp định tham vọng nhất đối với cả Việt Nam và EU
EVFTA là một trong những Hiệp định tham vọng nhất đối với cả Việt Nam và EU. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tháng 6/2019. Ảnh tư liệu

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu). Việc tổ chức hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMEs) có điều kiện hiểu rõ hơn về các nội dung của Hiệp định EVFTA, những khía cạnh doanh nghiệp có thể khai thác và hưởng lợi từ hiệp định, cũng như những vấn đề cần lưu ý để có chiến lược, kế hoạch và hành trang sẵn sàng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường và bối cảnh thương mại mới với EVFTA.

“Các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc quán triệt và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hiệu quả việc thực thi Hiệp định, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - trái tim của nền kinh tế đất nước, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Sớm xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Có 5 chủ đề được Hội nghị tập trung trao đổi, đó là: Các lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với SMEs để thực thi hiệu quả EVFTA; Các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng, và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU; Vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA; Định hướng hoạt động XTTM nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA; Chia sẻ của các doanh nghiệp SMEs về việc tận dụng cơ hội và dự phòng thách thức từ EVFTA.

chủ trì tại đầu cầu nghệ an. Ảnh Thu Huyền
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và Phó giám đốc Sở Công Thương Cao Minh Tú chủ trì tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ. Trước mắt, với việc thực thi EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh Thu Huyền
Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Đối với Nghệ An, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp Nghệ An với thị trường Châu Âu có tăng trưởng nhưng không đáng kể, trung bình chỉ đạt khoảng 50 triệu USD/năm, chiếm 6 - 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng dệt may (chiếm khoảng 60%); hoa quả chế biến và nước hoa quả (30%); các mặt hàng khác như: chè, hạt tiêu, hạt phụ gia nhựa, tinh dầu thông, gạch ốp lát... chiếm khoảng 10% được xuất khẩu sang thị trường 26/27 nước thuộc khối các nước EU, trong đó chủ yếu là Anh, Đức, Pháp.

Kim ngạch nhập khẩu từ Châu Âu đạt 50 - 60 triệu USD/năm chủ yếu trên các mặt hàng: máy móc, thiết bị; tàu chở hàng; nguyên phụ liệu dệt may, da giày;...

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong ảnh: Sản xuất may mặc tại cụm công nghiệp ở Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Nghệ An mong muốn Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi khi Hiệp định có hiệu lực để giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin và xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA trong đó chú trọng việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, chủ động trong việc sản xuất hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thị trường liên minh EU; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU...

Tin mới