Hỗ trợ đồng bào lưu giữ, phát triển Gen lợn đen đặc sản

(Baonghean) - Lợn đen là vật nuôi quen thuộc và có giá trị cao ở miền núi Nghệ An. Tại huyện Con Cuông, chính quyền đang có giải pháp nhân rộng đàn lợn quý này nhằm đảm bảo nguồn cung cho Tết Nguyên đán.
Từ tháng 3 năm 2019, trên cơ sở những hộ có đủ điều kiện chăn nuôi, huyện Con Cuông đã triển khai hỗ trợ 6 hộ tại 3 xã: Mậu Đức, Môn Sơn và Thạch Ngàn. Tùy theo điều kiện thực tế chuồng trại từng gia đình, mỗi hộ được nhận nuôi lợn giống với số lượng 16 con, 24 con, 32 con hoặc 64 con, mỗi con có trọng lượng 10,5 kg. Tổng cả 6 hộ là 192 con tương đương với trị giá 298 triệu đồng.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, 6 hộ chăn nuôi đã đầu tư thêm 84 triệu đồng tăng tổng đàn của mô hình là 240 con. Các hộ dân được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn lợn đen địa phương, xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, kiên cố, thoáng mát, sạch sẽ. 
Lãnh đạo huyện Con Cuông khảo sát mô hình chăn nuôi lợn đen của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long. Ảnh: Tường Vi
Lãnh đạo huyện Con Cuông khảo sát mô hình chăn nuôi lợn đen của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long ở thôn Thống Nhất, xã Mậu Đức. Ảnh: Tường Vi

Hộ ông Nguyễn Văn Long ở thôn Thống Nhất, xã Mậu Đức thực hiện mô hình chăn nuôi 40 con giống, trong đó ông được Nhà nước hỗ trợ 32 con giống. Là người có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, ông Long đầu tư mở rộng thêm chuồng trại, có hệ thống hầm biogas để giữ gìn vệ sinh môi trường và tận dụng khí đốt.

Qua 6 tháng, con giống đã phát triển tốt, thích nghi với khí hậu, ông Long cũng như các hộ chỉ tận dụng cho ăn thức sẵn như hèm rượu, bèo, mùng chuối, rau rừng, chăn nuôi trong chuồng kết hợp chăn thả rông trong nông trại...

Hiện nay mỗi con lợn đen trong trại nhà ông Long có trọng lượng 45 đến 50 kg. Lợn đen xuất bán thịt để lấy vốn quay vòng, với giá bán 45 nghìn đồng/kg hơi, trừ chi phí các hộ thu lãi ròng trung bình 1 triệu đồng/con...

Tập trung vào chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay, gia đình ông Vi Văn Hai ở bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn cũng có thu nhập ổn định, mỗi năm xuất 2-3 lứa, mỗi lứa khoảng 20 con, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi lợn gia đình ông Hai thu về khoảng 60-70 triệu đồng. 

Chăn nuôi lợn đen địa phương đang là hướng đi mới mang lại thu nhập ổn định cho nông dân miền núi Con Cuông. Ảnh: Tường Vi
Chăn nuôi lợn đen địa phương đang là hướng đi mới mang lại thu nhập ổn định cho nông dân miền núi Con Cuông. Ảnh: Tường Vi

Theo cam kết trong việc hỗ trợ chăn nuôi thì các hộ phải duy trì mô hình ít nhất trong vòng 2 năm, số con được để lại làm giống sau khi sinh lứa đầu tiên sẽ bàn giao lại 20% số lượng con giống được hỗ trợ ban đầu để xã hỗ trợ tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận nuôi để phát triển kinh tế gia đình. 

Lợn đen địa phương vốn là sản phẩm chăn nuôi rất được thị trường ưa chuộng, bởi thịt ngon thơm và sạch. Đây được coi là lợi thế để Con Cuông đẩy mạnh thương hiệu giống lợn đen địa phương. Thông qua việc thực hiện mô hình, người dân cũng đã chủ động được trong công tác phòng trừ dịch bệnh nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Không chỉ xây dựng mô hình trên mà hiện nay huyện Con Cuông cũng đã có hàng chục nông trại đã phát triển chăn nuôi lợn đen địa phương mang lại thu nhập cao, phục vụ nguồn cung cho tết. Đây được cho là hướng đi mới phát triển khá mạnh trong chăn nuôi lợn hàng hóa ở Con Cuông. 

Huyện Con Cuông tổ chức cấp giống lợn đen bản địa cho các hộ thực hiện mô hình tại 3 xã Môn Sơn, Thạch Ngàn, Mậu Đức. Ảnh: Bá Hậu
Huyện Con Cuông tổ chức cấp giống lợn đen bản địa cho các hộ thực hiện mô hình tại 3 xã Môn Sơn, Thạch Ngàn, Mậu Đức. Ảnh: Bá Hậu

Thông qua việc phát huy giống lợn đen địa phương của bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa, huyện cũng tạo điều kiện để phát triển mô hình kinh tếtừ tự phát, tự cung tự cấp sang chăn nuôi theo kiểu hàng hóa, chủ động được trong việc phòng trừ dịch bệnh. Hiện nay không chỉ các hộ được thụ hưởng chương trình, bà con nông dân  Con Cuông cũng đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen hàng hóa. 

Ông Trần Thanh Bình - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông

Tin mới