Hỗ trợ nguồn vốn cho kinh tế trang trại

(Baonghean) - Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, ngành ngân hàng (nhất là hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã giúp nhiều mô hình kinh tế trang trại có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm ăn có hiệu quả…

Thông qua nguồn vốn của ngành Ngân hàng, các chủ trạng trại ở Tân Kỳ đầu tư phát triển kinh tế rất hiệu quả. Gia đình ông Nguyễn Trọng Hương ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Hoàn làm trang trại rộng 29,4 ha, trong đó có 12,4 ha cao su, 5,2 ha cây lâm nghiệp, 2 ha cây ăn quả và 5,6 ha ao hồ nuôi cá, vịt. Trong quá trình đầu tư, ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ vốn kịp thời. Hay tại mô hình trang trại chăn nuôi của ông Lê Mạnh Hùng ở xã Nghĩa Dũng, cùng với nguồn vốn vay ngân hàng và vốn tự có, ông đã đầu tư  hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng trang trại. Trên diện tích rộng 4,1 ha, ông chăn nuôi lợn siêu nạc, mỗi năm cung cấp ra thị trường 250 tấn lợn thịt. Bà Trần Thị Nga ở xã Tân Phú đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng (trong đó vốn tự có là hơn 1,7 tỷ đồng) để xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung, hàng năm xuất chuồng 675 con lợn… Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tân Kỳ ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp (chiếm tỷ trọng 86%), nhất là đối với mô hình kinh tế trang trại trồng rừng, trồng cao su, mía tập trung theo vùng kinh tế trọng điểm của huyện như ở xã Tân Long, Tân Phú, Giai Xuân, Tân Xuân, Kỳ Sơn…
Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Ngụy Đình Hoài ở xóm 3A, xã Nam Cường (Nam Đàn).
Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Ngụy Đình Hoài ở xóm 3A, xã Nam Cường (Nam Đàn).
Mô hình kinh tế vườn, đồi, trang trại ở Thanh Chương phát triển khá mạnh và một trong những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến sự chuyển động đó là từ nguồn vốn hỗ trợ của ngành Ngân hàng. Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thanh Chương đóng vai trò tiên phong trong việc đầu tư vốn cho các mô hình làm kinh tế trang trại. Gia đình anh Phan Đình Lâm ở xóm 1, xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) làm kinh tế trang trại trên diện tích 72 ha. Quy mô lớn như vậy nhưng  nguồn vốn của gia đình chỉ có 300 triệu đồng. Vì thế, gia đình anh Lâm làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp Thanh Chương và được hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng để đầu tư trồng rừng, trồng chè và phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn này, gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, mỗi năm gia đình bán 76 - 100 tấn chè búp tươi, hàng trăm tấn keo… Nhờ làm ăn có hiệu quả, gia đình đã có tích lũy và tiến hành trả nợ cho ngân hàng. Anh Lâm cho hay: “Do làm kinh tế trang trại quy mô lớn, chi phí đầu tư cao, nên chúng tôi đang có nhu cầu được vay thêm khoảng 1 tỷ đồng với thời hạn vay dài hơn”. 
Ông Hoàng Thiện Thủy, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thanh Chương cho biết: “Các mô hình làm kinh tế vườn, trạng trại ở  Thanh Chương có nhu cầu vay vốn rất lớn. Dựa trên cơ sở đánh giá, khảo sát thực trạng của từng địa bàn cụ thể và những trang trại có quyết định phê duyệt của huyện… ngành Ngân hàng xác định nhu cầu vốn đầu tư cho từng mô hình. Với cách làm đó, Ngân hàng Nông nghiệp huyện đã giải quyết nguồn vốn cho 76 trang trại với dư nợ hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó có 7 trang trại trồng trọt dư nợ 200 triệu đồng, 69 trang trại chăn nuôi hỗn hợp dư nợ 7,3 tỷ đồng…”. Nhờ đáp ứng kịp thời nguồn vốn nên ở Thanh Chương có nhiều mô hình làm ăn rất hiệu quả như: Gia đình ông Nguyễn Văn Lợi ở xóm Phượng Đình, xã Đồng Văn được ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay 2,9 tỷ đồng đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi 5 con lợn đực, 103 con lợn nái, 850 con lợn thịt, xây dựng  3,5 ha ao, bể nuôi cá, lươn, hàng năm có tổng thu nhập từ 4 – 5 tỷ đồng. Hay gia đình ông Trần Hữu Tập ở xóm Sướn thuộc Xí nghiệp chè Hạnh Lâm vay vốn của ngân hàng đầu tư trồng 42,5 ha chè, cam cho thu hoạch mỗi năm hơn 1 tỷ đồng… 
Thông qua các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ tích cực nguồn vốn cho mô hình kinh tế trang trại phát triển, trong đó hệ thống Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Nghệ An rất quan tâm, ưu tiên kịp thời nguồn vốn cho kinh tế trang trại. Ông Phan Hậu Toàn, Phó trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết: “Thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Thông tư 10/2015-TT-NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng tôi đã nâng mức cho vay, mở rộng đối tượng cho vay, tín chấp tạo điều kiện cho các chủ trang trại dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời Agribank Việt Nam đã có Quyết định số 14 ngày 9/1/2015 về việc “Ban hành sản phẩm cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ liên kết, nên Chi nhánh đã kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp có hiệu quả để thực hiện cho vay kinh tế trang trại. Vì vậy, tổng dư nợ cho vay kinh tế trang trại đến 31/8/2015 là 36.221 triệu đồng, so với năm 2014 tăng 5.786 triệu đồng, tốc độ tăng 19%, trong đó, dư nợ ngắn hạn 23.274 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 64,3%/tổng dư nợ cho vay kinh tế trang trại”.
Tuy đạt kết quả khả quan trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho mô hình kinh tế trang trại, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa tiếp cận được nguồn vay của ngân hàng. Nguyên nhân là do số lượng trang trại hiện có trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng quy mô sản xuất lại nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ các tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/04/2011 của Bộ NN&PTNT. Riêng trang trại chăn nuôi mang tính tự phát chưa có một quy trình sản xuất cụ thể, chi phí đầu vào như con giống, thức ăn thường xuyên biến động, thị trường đầu ra thiếu ổn định, chưa có sự liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đối với các chủ trang trại đủ tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 thì việc phối hợp chuỗi giữa các bộ phận từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn mang tính tự phát, cá nhân. Có nhiều trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận, đất thuê ngắn hạn, thiếu tính ổn định gây khó khăn trong việc đầu tư vốn để trang trại hoạt động lâu dài. Nhiều trang trại chưa đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, không tận dụng được cơ chế bảo đảm tiền vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. 
Hiện nay trên địa bàn Nghệ An có hơn 4.274 trang trại, gia trại. Nguồn vốn đầu tư bình quân của 1 mô hình kinh tế trang trại là 875 triệu đồng, trong đó vốn tự có chiếm 59,6%, số còn lại là vốn vay. Tuy đã được hỗ trợ rất lớn về nguồn vốn cho các mô hình kinh tế trang trại phát triển, nhưng trên thực tế nguồn vốn vay của ngân hàng  chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của người dân, nên rất cần có những giải pháp đầu tư nguồn vốn vay phù hợp với mô hình này.
Hoàng Vĩnh

Tin mới