Hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiệu quả ở Diễn Châu

(Baonghean.vn) - Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao… huyện Diễn Châu đã có nhiều chính sách phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, từ đó tạo điều kiện cho người dân phát triển, sản xuất, nâng cao đời sống.

Từ Bê Đầu hoang hóa nay trở thành vùng trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/héc ta
Vùng đất Bê Đầu hoang hóa ở xã Diễn Liên nay trở thành vùng trang trại của nhiều hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Với xã Diễn Liên, để thu hút nhân dân nhận  50 ha vùng đất Bê Đầu 50 ha bỏ hoang lâu nay xã đã chuyển đổi, quy hoạch lại thành vùng tập trung, đầu tư 1 tỷ đồng mở  2 km đường ra đồng; cải tạo lại toàn bộ hệ thống kênh mương thuận lợi cho việc lấy và tiêu nước. Để có vốn cho người dân đầu tư phát triển trang trại, lãnh đạo xã đã mời ngân hàng đến và đứng ra cam kết để các hộ vay vốn. Nhờ đó, đến nay vùng đất này đã trở  thành trang trại của 20 hộ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm.

Ở xã Diễn Mỹ, với chính sách hỗ trợ 30% giá giống lúa thuần chất lượng cao, mô hình cánh đồng lớn và 1 triệu đồng/ha chuyển đổi cây trồng trên vùng đất có nguy cơ hạn hán đã tác động trực tiếp một cách rõ nét trên đồng ruộng. Vụ xuân 2016, Diễn Mỹ là địa phương duy nhất trong huyện xây dựng được cánh đồng mẫu cả trên cây lúa và lạc với gần 70 ha. Cùng với cơ chế của huyện, xã Diễn Mỹ tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho bà con tiếp cận với cách sản xuất mới,  liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, Diễn Châu đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, theo đó  nhiều cơ chế hỗ trợ cho nông nghiệp được ban hành kịp thời.

Thu hoạch lạc ở Diễn Châu.
Thu hoạch lạc ở Diễn Châu.

Với chính sách hỗ trợ của huyện, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Cao Minh Long ở xóm 20, xã Diễn Lộc quyết định áp dụng kiến thức của mình học được trên chính mảnh đất quê hương bằng nghề trồng nấm giống. Khi ý tưởng của anh đưa ra đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía chính quyền địa phương, bởi bà con trồng nấm lâu nay phải nhập giống từ nơi khác về giá cả đắt đỏ mà chất lượng còn hạn chế.

Không chỉ ủng hộ anh Long về mặt chủ trương, chính quyền Diễn Lộc và huyện Diễn Châu vào cuộc một cách thực sự, tạo điều kiện cho anh nhận thầu 8.000m2 đất để làm xưởng sản xuất, UBND huyện hỗ trợ cho mô hình 50 triệu đồng đầu tư máy đóng bịch, hội nông dân huyện cho vay 70 triệu đồng với lãi suất thấp,  đồng thời quảng bá rộng rãi sản phẩm trong và ngoài huyện. Nhờ đó mới chỉ qua nửa năm đi vào hoạt động, mô hình nấm giống đã thu lãi tới 40 triệu đồng/tháng.

Trong số 32 chính sách hỗ trợ năm 2016 thì riêng nông nghiệp nhiều nhất với 8 cơ chế ở nhiều lĩnh vực  như: hỗ trợ 30% giá giống lúa thuần chất lượng cao mô hình cánh đồng lớn; 20 triệu đồng/trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại và bò lai sinh sản; 50 triệu đồng cho mô hình sản xuất nấm giống; 50.000 đồng/sào cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình mượn hoặc thuê đất để sản xuất rau, củ quả... trên đất 2 lúa vụ đông có diện tích 5,0 ha trở lên trong vụ đông; 50.000 đồng/sào cho diện tích đất lúa chuyển đổi sang cây trồng khác do hạn; 30% giá ngô trồng trên đất 2 lúa vụ đông năm 2015... Hiện huyện đang tiến hành khảo sát để hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho trên 10 mô hình. Đi kèm với đó là những hỗ trợ rất tích cực về kỹ thuật, đất đai, cơ sở hạ tầng…

 Với các chính sách hỗ trợ đã tạo được phong trào đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở Diễn Châu.
Với các chính sách hỗ trợ đã tạo được phong trào đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở Diễn Châu.

Ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Để triển khai các chính sách  hỗ trợ  nông dân phát triển sản xuất, ngay từ đầu chúng tôi đã có những cuộc hội ý, phân công các tổ công tác ban hành xuống tận các HTX triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt trong các chính sách về trồng trọt, chăn nuôi thì hướng dẫn cho cán bộ nông nghiệp bám sát cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả nhất.

Những chính sách ban hành phù hợp của Diễn Châu đã dần thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp truyền thống của người dân, hướng tới nền sản xuất hàng hóa thu nhập cao. Hiện huyện đã xây dựng được 500 ha cánh đồng mẫu lớn, 8 mô hình liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp, 2 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trên 200 trang trại quy mô lớn. Đây là nền tảng quan trọng để Diễn Châu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách có hiệu quả.

Mai Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới