Hồ Tùng Mậu: Người con ưu tú với quê hương Nghệ An

(Baonghean) - Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình giàu truyền thống khoa bảng và yêu nước. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước và thế giới có nhiều biến động to lớn, cộng với truyền thống quê hương, gia đình đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước cách mạng, căm thù đế quốc trong cậu bé Hồ Bá Cự. Để rồi, từ một người yêu nước, Hồ Tùng Mậu đã trở thành một chiến sỹ cộng sản, một cán bộ lão luyện của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Chân dung cụ Hồ Tùng Mậu
Chân dung cụ Hồ Tùng Mậu
Năm 1916, Hồ Tùng Mậu thoát ly gia đình, dạy học ở huyện Thanh Chương và huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An mong tìm được bạn cùng chí hướng. Cuối tháng 4/1920, được sự giúp đỡ của một số gia đình yêu nước ở quê, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn và Ngô Quốc Chính sang Thái Lan, rồi 3 tháng sau đó lại sang Trung Quốc tìm các nhà hoạt động cách mạng xứ Nghệ đang hoạt động cách mạng ở đây là Phan Bội Châu, Hồ Học Lãm… Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn thành lập ra Tâm Tâm xã, tập hợp số thanh niên hăng hái kiên quyết cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc, với mục đích giành độc lập cho Việt Nam khỏi chế độ đô hộ của thực dân Pháp. 
Mùa xuân năm 1924, Hồ Tùng Mậu về nước, trở lại Quỳnh Lưu, Yên Thành hoạt động với tên Phan Tái. Tháng 11/1924, nhóm Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ chuyển hướng hoạt động, xây dựng tổ chức cách mạng theo đường lối đúng đắn. Tháng 6/1925, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó, Cộng sản đoàn có 5 người, Hồ Tùng Mậu cùng tham gia...
Tháng 6/1931, Hồ Tùng Mậu lại bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai tại Thượng Hải. Chúng giải ông về giam ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội) và bị Tòa án Nghệ An kết án tử hình, song do ông kháng cáo, buộc chúng phải sửa xuống tù chung thân. Từ tháng 12/1931 đến tháng 3/1945, ông bị chuyển qua các nhà tù: Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột... Cuộc sống tù đày cơ cực đã tôi luyện cho Hồ Tùng Mậu thêm tinh thần lạc quan, hun đúc khí tiết, tình đồng chí, nghĩa đồng bào ở người Cộng sản chân chính. 
Tháng 3/1945, lợi dụng tình hình phát xít Nhật đảo chính Pháp, Hồ Tùng Mậu cùng một số tù chính trị trốn khỏi căng an trí Trà Khê, tỉnh Phú Yên và trở về quê hoạt động tại cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ. Khi Hồ Tùng Mậu vừa về đến xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Chính phủ Trần Trọng Kim liền mời ra làm cố vấn chính trị, nhưng đồng chí dứt khoát chối từ. Lúc bấy giờ, trong huyện Quỳnh Lưu, bọn phản động tuyên truyền treo cờ hô hào "Ủng hộ Việt Nam độc lập đoàn", tổ chức mít tinh tại thị trấn Cầu Giát nhưng đã bị Hồ Tùng Mậu và nhân dân tẩy chay. Hồ Tùng Mậu đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng, xã giúp đỡ nhau cứu đói, chỉ vẽ tận tình cho cán bộ đảng tổ chức phong trào Việt Minh thật chắc chắn, rộng rãi theo tinh thần không chủ quan, nôn nóng trong vấn đề khởi nghĩa. Đồng chí còn vận động anh em, con cháu trong dòng họ, đặc biệt động viên, tạo điều kiện cho người con trai mình là Hồ Mỹ Xuyên (sau này giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) - một cán bộ Việt Minh trong xã tích cực hoạt động để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Nhờ đó, làng Quỳnh Đôi đã có hàng trăm hội viên cứu quốc. Và tháng 7/1945, xã Quỳnh Đôi thành lập được Ủy ban dân tộc giải phóng. Hồ Mỹ Xuyên được chỉ định tham gia Ủy ban khởi nghĩa huyện Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu là huyện giành được chính quyền sớm nhất của tỉnh Nghệ An vào ngày 18/8/1945.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đồng chí Hồ Tùng Mậu được giao nhiều trọng trách quan trọng: Hiệu trưởng Trường Quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, Tổng Thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị… Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng xứng đáng là “người lãnh đạo tận tụy”, “người cán bộ tận tụy”, “người đồng chí trung thành”. Đồng chí đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đồng chí là hiện thân sinh động của một người vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đồng chí không ngừng chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. 
Trong những chuyến công tác về Nghệ An, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã để lại trong cán bộ và nhân dân tỉnh nhà những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp về vốn hiểu biết, tính quần chúng thân thuộc của một người lãnh đạo tận tụy, gương mẫu. Mỗi lần đồng chí về thăm làng Quỳnh Đôi, căn nhà tranh ba gian luôn chặt ních bà con đến thăm hỏi và nghe đồng chí nói chuyện tình hình kháng chiến. Đồng chí kiểm tra dân quân luyện tập, dự và nói chuyện tại các cuộc họp của thanh niên, phụ nữ. Những lần đi công tác xuống cơ sở, đồng chí đến từng xã, gặp từng cán bộ, lắng nghe tình hình công tác, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và góp ý kiến tỉ mỉ mọi công việc cũng như cách lãnh đạo của cán bộ xã. Đồng chí thường nhắc nhở: Đảng phải sát quần chúng, tránh quan liêu, mệnh lệnh. Đảng viên phải gương mẫu, đầu tàu trong mọi công việc. Đồng chí cũng thường nhắc cán bộ bốn chữ: "tinh binh, giản chính" (Nước nhà muốn mạnh thì đội quân phải tinh nhuệ, bộ máy hành chính phải gọn nhẹ). Nhiều cán bộ xã chưa hiểu hết ý nghĩa của hai chữ "cách mạng" nên đã phạm những sai lầm "ấu trĩ tả khuynh" nhưng đều được đồng chí nhắc nhở thấu tình đạt lý. Đồng chí nói, dịch tả làm chết một số người, tả khuynh giết cả sự nghiệp cách mạng. 
Về với quê hương, đi đến đâu, đồng chí cũng kêu gọi cho cán bộ không được phá đền, chùa, chặt phá cây cổ thụ. Đến một làng ở huyện Đô Lương, thấy nhân dân đang phá ngôi chùa Phật Kệ (được xây dựng vào khoảng thời nhà Lý), đồng chí giải thích: Cách mạng không phải thế. Không phải cái gì cũ, cách mạng cũng phá đi để làm cái mới. Cách mạng phải bảo vệ các công trình kiến trúc, điêu khắc của cha ông. Cách mạng phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân. Thấy cây gạo cổ thụ ở chùa Đồng Tương (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) bị chặt, đồng chí phê bình: Cây gạo, cây đa là dấu tích ra đời của làng ta. Ai đi xa về làng, cách làng 10 cây số đã thấy cây gạo, cây đa. Những kỷ niệm về quê hương, lòng yêu quê hương, tình gắn bó với quê hương tha thiết bắt đầu từ đó, sao các anh lại đốn đi? Cây cổ thụ đem bóng mát cho làng, tô điểm thêm vẻ đẹp cho thôn xóm, sao nỡ lại phá đi. Các anh phải chấm dứt ngay những việc làm bậy bạ. 
Mỗi dịp về thăm quê, đồng chí thường nhấn mạnh khẩu hiệu đoàn kết. Tại Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu năm 1947 xảy ra việc tranh luận sôi nổi về một số hiện tượng tả khuynh của một số xã. Đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách Bí thư liên huyện Diễn, Yên, Quỳnh có ý kiến thiên về bênh vực những hiện tượng trên, cho là cứ phóng tay làm, không sợ... Đồng chí Hồ Tùng Mậu phê phán: Cách nghĩ đó là không đúng, sẽ không ngăn chặn được sai lầm mà sai lầm càng phát triển. Và nhấn mạnh: Cách mạng phải đoàn kết được các lực lượng, khởi động được lòng yêu nước của mọi người, phát huy được tài, lực của mọi người mới đưa kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi. 
Từ ngày bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi trở thành một cán bộ lãnh đạo, đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn là người cán bộ rất bình dị. Phong cách hoạt động của đồng chí là tập hợp, thuyết phục, tổ chức quần chúng nhân dân và bằng cách nêu gương trong suy nghĩ và hành động hàng ngày. Sự khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống cùng với lòng kính trọng nhân dân sâu sắc đã giúp đồng chí Hồ Tùng Mậu cảm nhận được một cách tài tình tâm trạng và nguyện vọng của quần chúng, nắm bắt được một cách nhạy bén những vấn đề mà cuộc sống thường nhật của đông đảo quần chúng nhân dân đặt ra. Nhờ đó, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã đề ra và giải quyết nhiều công việc hệ trọng có kết quả cao. Với cương vị là một đồng chí lãnh đạo đã nêu cao một tấm gương sáng rất cụ thể về sự kiên định trong nguyên tắc và sự năng động sáng tạo trong vận dụng thực tiễn. Phẩm chất tốt đẹp đó của đồng chí đã để lại trong cán bộ và nhân dân những tình cảm vô cùng sâu sắc...
Cụ Hồ Tùng Mậu và Bác Hồ
Cụ Hồ Tùng Mậu và Bác Hồ
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hồ Tùng Mậu nhiều lần bị kẻ thù bắt giữ, giam cầm dưới chế độ hà khắc, tàn bạo trong các nhà lao đế quốc. Nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất của người chiến sỹ Cộng sản, đồng chí vẫn luôn tin tưởng, lạc quan và thương yêu, chung thủy với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Với những người ruột thịt trong gia đình, đồng chí dành tình cảm yêu thương sâu lắng. Nhiều lần đồng chí nén nỗi đau riêng trong lòng để đứng vững, đi theo con đường mình đã chọn. Với quê hương, đồng chí gần gũi, sẻ chia đầy trách nhiệm. Với đồng sự, đồng chí sâu sát, ân cần. Với công việc, đồng chí tận tụy, hi sinh... Dù bất cứ nơi đâu hay trong hoàn cảnh nào, đồng chí đều thể hiện ý chí bất khuất, kiên cường, tận trung với nước, tận hiếu với dân; thể hiện năng lực xuất sắc toàn diện trên các mặt chính trị, quân sự, văn hoá. Đạo đức, nhân cách, tác phong của đồng chí Hồ Tùng Mậu mang nhiều giá trị văn hoá, mà cho đến nay, những giá trị đó vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với thế hệ của chúng ta hôm nay và mai sau. Tên tuổi của đồng chí là niềm tự hào của Đảng, của đất nước, của quê hương và của dân tộc Việt Nam.
Trên bước đường hoạt động của mình, dù ở đâu, cương vị nào, đồng chí Hồ Tùng Mậu cũng luôn dành cho quê hương Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu những tình cảm tốt đẹp, nồng hậu nhất. Đồng chí đã dành nhiều thời gian về thăm và có nhiều ý kiến đóng góp quý báu với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu là niềm tự hào của nhân dân Nghệ An, người con đã làm rạng danh quê hương và dòng họ Hồ. Tự hào là quê hương của đồng chí Hồ Tùng Mậu, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đổi mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà trước hết là thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lơi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, từng bước xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với vị thế của vùng địa linh nhân kiệt và cách mạng – quê hương của đồng chí Hồ Tùng Mậu và các tiền bối cách mạng tiêu biểu khác.
HỒ PHÚC HỢP 
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tin mới