Hòa cùng thế giới tuổi thơ trong Tết Trung thu

P.V: Thưa nhà thơ Tùng Bách, dường như trong mỗi một người đều có một cái Tết Trung thu của riêng mình. Cá nhân ông, Tết Trung thu trong hồi ức của mình là như thế nào?

Nhà thơ Tùng Bách: Đúng thế, mỗi một người chúng ta ai cũng có không phải một mà là nhiều cái Tết Trung thu cho riêng mình, qua từng giai đoạn của đời người.

Mùa Thu được coi là tiết trời lý tưởng nhất trong năm. Một năm có bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Trong bốn mùa lại có 8 ngày tiết quan trọng, nói lên những diễn biến của khí hậu (lập xuân – xuân phân – lập hạ – hạ chí – lập thu – thu phân – lập đông – đông chí). Thu phân là điểm giữa của mùa Thu – đồng nghĩa với Trung Thu.

Hơn nửa thế kỷ trước tôi cũng đã từng là thiếu nhi như muôn ngàn thiếu nhi khác ở nông thôn, ngoài các dịp lễ Tết được ăn ngon, mặc đẹp như dịp Tết Nguyên đán, ngày khai trường, tiếp đến là Tết Trung thu. Nhưng có lẽ đêm Rằm Trung thu là niềm mong đợi háo hức nhất. Những chiếc đèn ông sao năm cánh, những con cá hóa rồng một nửa, những hình trăng tròn có chú Cuội, cây đa… được thắp sáng bởi những ngọn bấc đèn dầu lạc cũng lung linh, rạo rực khắp các đường quê ngõ xóm. Ở nông thôn, cỗ Trung Thu chỉ có bưởi bòng, còn kẹo bánh không phải nhà nào cũng có. Đơn giản vậy thôi nhưng năm nào trẻ con cũng mong ngóng.

P.V: Khi nói tới Tết Trung thu, người Việt Nam vẫn thường nghĩ đây là ngày Tết có nguồn gốc từ Trung Hoa. Điều này theo nhà thơ có đúng không? Vì sao?

Nhà thơ Tùng Bách: Cũng theo tôi biết thì Tết Trung thu là lễ hội hàng năm vào dịp Rằm tháng Tám Âm lịch tại các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore. Ngày nay nghe đâu còn có cả Đài Loan, Triều Tiên và Hàn Quốc cũng tổ chức đón ngày Tết Trung thu theo cách riêng của họ. Quan niệm về Tết Trung thu mỗi quốc gia mỗi khác.

Ở Việt Nam, Tết Trung thu có từ xa xưa, nghe đâu trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có khắc chạm những hình ảnh về lễ Tết Trung thu. Nhiều phỏng đoán cho rằng Trung Thu là dịp mở hội mừng mùa vụ bội thu của nông dân sau một vụ mùa cần lao vất vả. Hình ảnh mặt trăng mang nhiều ý nghĩa văn hóa tinh thần. và tâm linh. Tháng Tám – đêm Rằm, mặt trăng thường là tròn đầy và rõ nhất trong năm. Người xưa coi sự tròn đầy là biểu tượng của sum họp, nên Rằm Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.

Thường thì trong ngày vui này, tất cả các thành viên trong gia đình người Việt sẽ quây quần bên nhau, chờ khi đêm xuống, trăng lên – trẻ già trai gái chòm xóm tụ họp cùng nhau chuyện trò, có bánh ăn bánh, có kẹo ăn kẹo, mâm cỗ chính vẫn là trái cây… uống nước chè xanh ngắm trăng. Cũng là dịp trẻ nít được vui chơi, múa hát, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ… Ngoài ra, đêm Rằm tháng Tám còn là dịp để người người ngắm trăng đoán vận mệnh quốc gia, mùa vụ. Tỷ như trăng thu này có màu vàng thì năm đó ắt trúng mùa tằm tơ. Nếu trăng có màu xanh hay diệp lục thì năm đó sẽ có nhiều thiên tai mưa bão lũ lụt, hạn hán… và nếu trăng có màu vàng cam là điềm lành đất nước sẽ yên bình, thịnh vượng…

So với Tết Trung thu ở Trung Quốc thì Tết Trung thu ở Việt Nam ta bắt nguồn từ Sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa, có chút gì đấy hơi hoang đường nhưng thơ mộng và hồn nhiên hơn Sự tích Vua Đường Minh Hoàng được các tiên nữ thương tình đưa lên trời gặp người đẹp Dương Quý Phi. Còn truyền thuyết Hậu Nghệ bắn rụng chín mặt trời nghe như Thần thoại Hy Lạp. Có chăng sự giống nhau giữa Tết Trung thu Việt Nam và Trung Quốc là trẻ nhỏ thắp rước đèn ông sao, đèn lồng vui chơi múa hát và phá cỗ.

P.V: Cuộc sống đang biến động từng ngày và điều đó dường như cũng tác động khá lớn Tết Trung thu ngày nay. Sự khác nhau giữa Tết Trung thu xưa và nay là gì? Ông có luyến tiếc không một khi những giá trị truyền thống đã dần mất đi?

Nhà thơ Tùng Bách: Cuộc sống không những biến động từng ngày mà từng giờ từng phút từng giây. Và Tết Trung thu xưa và nay có khá nhiều khác biệt. Riêng cái thú ngắm trăng, hầu như ở thành phố và các đô thị quen với ánh điện mà dần quên mất còn có “ông Trăng bà Nguyệt” ở trên trời – trừ sự cố những đêm mất điện! Chỉ thế thôi cũng đủ kéo theo nhiều thứ khác biệt so với cộng đồng những người sống ở nông thôn.

Cũng có thể, trẻ em ngày nay có cuộc sống đủ đầy hơn ông bà cha mẹ ngày xưa nhiều, được học hành, tiếp xúc với đủ thứ công nghệ cao, nên rất dễ quên hoặc không biết đến nhiều trò chơi dân gian thú vị khác.

P.V: Tết Trung thu còn gọi là Tết Thiếu nhi, là ngày mà chúng ta dành những sự yêu thương cho con trẻ. Vậy nhà thơ, đã ở tuổi không còn trẻ nữa, nhưng vì sao ông vẫn dành rất nhiều sáng tác của mình cho lứa tuổi này?

Nhà thơ Tùng Bách: Trẻ thơ được coi là lứa tuổi thần tiên – thần tiên ở sự trong suốt hồn nhiên, nhưng chưa thật hoàn thiện, bởi trẻ thơ chưa được dung nạp mọi hiểu biết nên còn khó tránh khỏi bản năng lấn át tư duy. Trẻ thơ cần được dạy dỗ học hành. Ở nhà có cha mẹ anh chị bày dạy, hướng dẫn mọi điều hay lẽ phải. Đến trường được thầy cô dạy dỗ kiến thức… Giống như ta cài đặt phần mềm cho cỗ máy vi tính hay một chiếc điện thoại di động thông minh, cài đặt xong, kích hoạt nó lên sao cho khả dụng. Sự biết bao la rộng lớn, con người ta kẻ biết ít người biết nhiều, mấy ai biết đủ.

Tôi cũng như nhiều người lớn, người già khác, cũng từng có những năm tháng tuổi thơ. Có những tuổi thơ êm đềm và cũng có những tuổi thơ dữ dội. Tôi tự thấy mình thuộc nhóm tuổi thơ thứ ba – nghĩa là chưa đến mức dữ dội nhưng cũng không mấy êm đềm.

Tôi tập tọe làm thơ từ năm 10 tuổi. Những bài thơ tôi viết ra hồi đó thật hồn nhiên trong sáng . Rồi khi đã thành người lớn, lại mong có ngày mình được hòa cùng thế giới tuổi thơ để có thể đồng thoại cùng cỏ cây hoa trái, với dế mèn, bọ gậy, cung quăng, cùng nòng nọc lượn lờ trong vũng nước… hồi hộp đợi chờ khoảnh khắc đứt đuôi nhảy bổ lên bờ thành nhái bén…

Nhiều chục năm cầm bút viết báo làm thơ, tôi tự thấy mình cũng có ít nhiều duyên nợ với mảng đề văn học thiếu nhi. Ở tuổi thiếu nhi làm thơ là viết cho chính mình (thiếu nhi) còn khi đã là “ông thiếu nhi, cụ thiếu nhi” viết cho thiếu nhi thật không dễ chút nào! Tôi đã bỏ ra không ít thời gian để học cách tự trẻ hóa mình. Giống như cây Tre không thể tự trẻ hóa mình thành măng được! Chỉ có mỗi cách, tre phải và nên hiểu búp măng nào cũng thích mọc thẳng, tự mình biết trút bỏ dần những lớp vỏ bọc để lớn dậy thành tre.

Trẻ con thích khám phá, tìm tòi, thích bắt chước, thích những điều gần gũi, gợi mở… không ưa mọi áp đặt.

P.V: Lâu nay, những tác phẩm văn, thơ dành cho thiếu nhi khá kén chọn tác giả và không phải ai cũng có thể thành công. Phải chăng, viết về thiếu nhi luôn khó hay còn vì lý do nào khác. Với nhà thơ, khi làm thơ về thiếu nhi, ông thường lấy cảm hứng từ đâu?

Nhà thơ Tùng Bách: Tôi tự thấy mình là một trong những kẻ chịu khó tìm đọc những tác phẩm văn thơ viết cho thiếu nhi, đặc biệt là thơ. Nhiều tập thơ thiếu nhi được bạn bè biếu tặng, hay những tập thơ thiếu nhi được bày bán đâu đó ở các hiệu sách, những tập thơ được khen, giới thiệu trên một số tờ báo. Nhưng xem ra chưa gặp được tập thơ thiếu nhi nào thật sự xuất sắc gây được ấn tượng, kể cả một số bài được chọn lựa vào sách giáo khoa. Sáng tạo văn thơ không thể lấy “cần cù bù hay” được. Bài thơ hay không chỉ thiếu nhi thích mà người lớn cũng thích. Nó giống như cái đẹp. Cái đẹp, cái hay khỏi cần phải giảng giải, thuyết minh.

Thập niên 60 – 70 của thế kỷ 20 từng xuất hiện một lứa những cây bút thơ nhí như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ, Vũ Hạnh Thắm, Hoàng Hiếu Nhân, Lê Ánh Dương, Khánh Chi, Chu Hồng Quý, Hoàng Dạ Thi… Những tưởng thế hệ nhữ nhàng thơ nhí này sẽ làm nên chuyện? Nhưng rồi cuộc maratông thơ của các cây viết nhí ngày một tỏ ra đuối sức, hụt hơi, chỉ còn mỗi “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đang Khoa là trụ vững đến ngày nay. Thế mới biết “Cơm áo, cả bim bim nữa, không thể đùa với khách thơ”.

Nhà báo hỏi tôi “khi làm thơ cho thiếu nhi, lấy cảm hứng từ đâu?”.

Xin thưa, nếu làm thơ mà cứ nhăm nhe chờ cảm hứng thì chả khác gì ôm cây đợi thỏ! Mà người làm thơ phải tự tạo lấy cảm hứng cho từng bài thơ. Muốn có cảm hứng tất phải tạo cho mình chút vốn liếng, chí ít là sự hiểu biết cơ bản, gọi nôm na là kiến văn.

Đành rằng thơ là ý tại ngôn ngoại, nhưng khi đặt bút viết thơ cho thiếu nhi, người làm thơ nên lưu ý để tâm “Ý tại – Ngôn ngoại”… sao cho các cháu có thể cảm được, hiểu được bài thơ nói lên điều gì.

P.V: Chúng ta vẫn thường nghĩ về Tết Trung thu và mong về sự đoàn viên. Nhưng điều đó, dường như thực sự khó khăn trong thời điểm hiện nay. Vậy, ông mong gì cho Tết Trung thu năm nay? Trong những ngày tháng đặc biệt này, ông nghĩ thế nào về sự “đoàn viên”, về tình cảm gia đình, về những điều bình thường trong cuộc sống?

Nhà thơ Tùng Bách: Những ngày qua chúng ta cũng đã trải qua những ngày khó khăn và tôi nghĩ rằng trong lúc này điều ý nghĩa nhất của cuộc sống chính là sự bình an cho mỗi thành viên trong gia đình, là mong ước được đoàn viên, sum vầy, sống cuộc sống bình thường.

Trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho cộng đồng thì chắc chắn Tết Trung thu năm nay không thể tổ chức được “Đêm hội trăng Rằm” cho các cháu như những Tết Trung thu trước. Có lẽ nên tùy thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, cộng đồng dân cư, lại sẽ có cách tổ chức khác, an toàn đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. Dù sao sức khỏe vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

P.V: Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện!