Hoa nở trên đá – Kỳ 1: Những mùa vui

Đã rất lâu rồi, Trường THPT Đặng Thai Mai – huyện Thanh Chương mới có một học sinh được vị trí á khoa toàn quốc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là em Phan Thị Kim Chi – Á khoa khối C với 29 điểm, trong đó, điểm Ngữ văn là 9,5, điểm Lịch sử và Địa lý là 9,75… Thành tích này cũng có thể xem là kỳ tích của ngôi trường đóng trên vùng đất khó và học sinh con em đa phần thuộc diện khó khăn.

Ngôi nhà của Chi nằm ở xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương), giáp với huyện Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh và không xa với đường mòn Hồ Chí Minh. Nhà Chi có 5 chị em và Chi là con thứ, phía sau còn ba em nhỏ, em út chỉ mới học lớp 2. Trước Chi, chị gái của em tốt nghiệp THPT nhưng không đi học đại học mà chỉ đi học nghề. Ra trường, là chị cả, em chọn vào Nam làm việc để lấy tiền đỡ đần bố mẹ nuôi các em ăn học.

Sống ở vùng bán sơn địa, thuần nông nên nhiều năm nay thu nhập chính của gia đình Chi đều trông vào 2 sào đất, một nửa để trồng chè, một nửa trồng lúa. Nhà đông con, cuộc sống bấp bênh nên ngoài làm ruộng hàng ngày bố Chi đi phụ hồ ở Dùng, cách xa nhà gần 30 cây số. Mẹ Chi thì xin đi bốc vác cho một xưởng gạch ở xã Thanh Ngọc. Hôm chúng tôi đến, Chi ở nhà với ba em vì bố Chi đang ở viện chăm mẹ. Cách đó 2 ngày, giữa trời nắng nóng gay gắt, bà bị tai nạn khi trên đường đi làm về.

Cuộc sống khó khăn, bố mẹ hàng ngày quần quật “cắm mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên nhiều năm nay, Chi đảm nhận hết công việc nhà và chăm em cho bố mẹ. Hàng ngày, vì nhà cách trường rất xa hơn 15km nên sáng sớm hơn 6h Chi đã rời nhà, lần lượt chở hai em út tới trường tiểu học rồi mới bắt đầu đến trường. Vì điều kiện gia đình, bố mẹ cũng chỉ làm nông nên cô bé không có ai dìu dắt, chỉ bảo và Chi học tốt chủ yếu là từ chính ý thức tự giác của bản thân.

Hoàn cảnh của Chi cũng giống như nhiều con em khác ở làng. Ba năm trước, sau khi tốt nghiệp THCS,  không ít bạn của Chi nghỉ học rồi vào Nam làm thuê, có người lại lấy vợ, lấy chồng sớm. Thời điểm đó, Chi chưa có xe đạp điện. Mỗi ngày, bằng chiếc xe đạp cũ, Chi đạp xe gần 60 cây số để vừa học thêm buổi chiều ở trường, vừa học chính khóa buổi sáng ở lớp. Nhiều hôm đạp xe cả ngày, về nhà còn trông em, làm lụng việc nhà, việc đồng áng, cô bé gần như kiệt sức. Điều đáng quý là dù có thời điểm rất khó khăn nhưng khác với các bạn, Chi chưa bao giờ nghĩ sẽ nghỉ học. Ngược lại, em sớm có mục tiêu và ước mơ lớn nhất là trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội, đi làm và có tiền để hỗ trợ bố mẹ và làm gương cho các em sau này.

Là giáo viên chủ nhiệm của Chi 3 năm ở lớp 12C, cô giáo Đặng Thị Thúy Hằng cho biết: Ngoài học ở trường, học sinh ở trường chúng tôi rất ít khi đi học thêm vì trường ở xa trung tâm và các em cũng không có điều kiện kinh tế. Chính vì thế, để có kết quả học tập tốt thì việc tự học là rất quan trọng. Ở Chi, tôi cảm phục bởi em là một học sinh rất có ý chí, có tinh thần cầu tiến và luôn kiên trì với mục tiêu của mình. Quá trình theo học ở Trường THPT Đặng Thai Mai, thành tích nổi bật nhất của Chi chỉ khiêm tốn ở giải Ba, môn Địa lý tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm lớp 12. Thế nhưng, bên cạnh những cuộc thi chính thức, Chi rất tích cực tham gia các cuộc thi trên các diễn đàn về học tập và không ít lần cô bé giành được vị trí dẫn đầu. Có lẽ cũng chính bởi tinh thần ham học này nên Chi tham dự cuộc thi nào, thầy cô cũng tin tưởng và “quả ngọt” thành công nhất chính là vị trí Á khoa toàn quốc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Từ ngày biết tin con gái chuẩn bị vào đại học, nỗi lo “cơm, áo gạo tiền” dường như lại đè nặng hơn lên mái nhà nhỏ của Chi. Thế nhưng, trong cái khốn khó, Chi và bố mẹ đã nhen nhóm lên niềm hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn bởi đại học chính là con đường ngắn nhất để Chi được thay đổi bản thân và thay đổi hoàn cảnh. Nữ sinh viên tương lai của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng là một cô bé lạc quan và em vẫn tin rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu có nỗ lực và cố gắng thì mọi khó khăn, gian khổ rồi sẽ vượt qua…

18 năm trước, Nguyễn Bá Lộc (học sinh lớp 12C1 – Trường THPT Tân Kỳ) được sinh ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt bởi khi đó mẹ em đã là gái lỡ thì. Bố em, nhà ở thị trấn Đô Lương, cách nơi ở của mẹ con Lộc gần 20 cây số và đã có gia đình riêng… Từ khi mới ra đời, đến khi vào THCS, Lộc chủ yếu chỉ sống với mẹ trong ngôi nhà nhỏ, đạm bạc tại xóm Tân Thịnh, xã Giang Sơn Đông. Mãi đến năm lớp 7, Lộc mới được ở nhiều hơn với bố nhưng niềm vui cũng chẳng kéo được dài bởi năm lớp 10, bố Lộc qua đời vì bạo bệnh. Những năm vừa qua, hai mẹ con Lộc thực sự “rau cháo” nuôi nhau bởi mẹ Lộc người chậm chạp, không bình thường nên chỉ ai thuê gì làm nấy. Trong nhà Lộc là con nhưng cũng chính là trụ cột của gia đình.

Hoàn cảnh cũng buộc Lộc phải mạnh mẽ và trưởng thành sớm. Bản thân Lộc dù không được sống nhiều với bố nhưng em vẫn rất kính trọng ông. Ba năm qua, dù bố đã đi xa nhưng những lời bố dạy, những điều bố gửi gắm em đều ghi nhớ trong lòng: Bố em là bộ đội, hơn mẹ em nhiều tuổi và cuộc sống cũng vất vả lắm vì đông con. Em là con trai duy nhất nên ước nguyện lớn nhất của bố là em sẽ thi đậu vào trường quân đội để vừa nối tiếp truyền thống của gia đình và cũng sẽ đỡ vất vả khi vào đại học – Lộc chia sẻ.

Với khát vọng được trúng tuyển vào trường quân sự nên từ khi học lớp 10 ở Trường THPT Tân Kỳ, Lộc đã xác định phải học thật tốt, điểm thi phải thật cao thì mới có cơ hội trúng tuyển. Thương cậu học trò nghèo nghị lực, trong những năm học THPT, dường như có chương trình hỗ trợ nào của trường, của các nhà hảo tâm, thầy cô cũng dành riêng cho Lộc một suất. Để chuẩn bị cho giảng đường đại học, Lộc còn đặt mục tiêu hè năm nào cũng sẽ đi làm thuê để dành dụm tiền. Nhưng rồi vì dịch Covid – 19, Lộc chỉ vào Vũng Tàu bưng bê cho một quán ăn vào năm lớp 10 và tiết kiệm được 5 triệu đồng. Số tiền đó, em đem về nhà, mua mấy con dê để chăn dắt, dự định khi nào thật cần thiết rồi mới bán… Đây cũng chính là tài sản để dành lớn nhất của gia đình.

Để hoàn thành chương trình 12, Lộc cũng đã trải qua những ngày chông chênh, nhất là thời điểm em biết mình không đủ chiều cao thì thi tuyển vào trường quân sự. Nhưng rồi bằng quyết tâm phải vào được trường đại học để vượt qua hoàn cảnh, Lộc đã hoàn thành 12 năm học với thành tích xuất sắc và phần thưởng là giải Ba môn Vật lý tại Kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh. Riêng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa rồi, Lộc thi khối A và được 27 điểm với Toán 9, Vật lý 8,25 và Hóa 9 và điểm cộng 0,75 điểm.

Hiện Lộc đã đăng ký 3 nguyện vọng vào Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và đã bắt đầu “tính toán” cho chặng đường tiếp theo của mình: Mẹ em không có thu nhập nên có lẽ sẽ không chu cấp được cho em trong những năm học đại học. Trước mắt, em đã nhẩm tính nếu bán trâu và mấy con dê thì có thể lo xong học kỳ I. Vào đó, em sẽ xin đi làm, ai thuê gì làm nấy. Em nghĩ, mình còn trẻ, có sức khỏe, có quyết tâm thì dù gian nan thế nào mình cũng sẽ tìm được hy vọng…

GS,TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo tổng hợp ban đầu, trong năm học này  tỉnh Nghệ An có 81 học sinh đạt giải Quốc gia, trong đó, có 7 giải Nhất. Ngoài ra, học sinh Nghệ An đã đạt 5 Huy chương quốc tế (1 Huy chương Vàng Olympic Tin học châu Á- Thái Bình Dương, 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á, 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế và 2 Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế). Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Nghệ An có 1 Thủ khoa toàn quốc khối C và nhiều thí sinh đạt Á khoa và thí sinh điểm cao nằm trong tốp đầu cả nước…