Hoa nở trên đá – Kỳ 2: Gian nan tìm con chữ

Lô Thị Kim Phượng là học sinh có điểm thi cao nhất của Trường THPT DTNT số 1 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 28 điểm khối C, trong đó, Ngữ văn 8,5, Lịch sử 10 và Địa lý 9,5. Điểm số này cộng với điểm ưu tiên, Phượng sẽ có điểm xét tuyển là 30,75 điểm và em có cơ hội trúng tuyển vào bất cứ trường đại học tốp đầu nào của cả nước.

Nhận được kết quả này, thầy cô và Phượng không giấu được niềm vui, bởi đó là nỗ lực của em sau 12 năm đèn sách. Là phần thưởng cho 3 năm sống xa nhà, trọ học ở ký túc xá của trường. 3 năm trước, Phượng là 1 trong 2 học sinh của xã tái định cư Ngọc Lâm trúng tuyển vào Trường THPT DTNT tỉnh. Ở vùng núi này, không chỉ nổi tiếng vì học giỏi, Phượng còn được biết đến như một “bông hoa rừng” bởi nhan sắc của mình. Phượng đi học xa nhà mang theo ước vọng không chỉ cho riêng mình mà cho cả bản làng kể từ khi rời vùng lòng hồ thủy điện xuống tái định cư ở vùng đất mới.

Xuống TP. Vinh trọ học, mỗi tháng Phượng được mẹ cho từ 100.000 – 200.000 đồng để chi tiêu. Nhưng đó cũng là khoản tiền mà mẹ em phải chắt bóp sau mỗi gánh củi đưa từ rừng về đi bán. Cách đây hơn 1 tháng, khi Phượng vừa hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì bố của em cũng vừa được ra tù sau gần 2 năm vì tội “Tàng trữ ma túy”. Phượng kể, từ khi em còn học lớp 7, em đã biết bố nghiện ma túy. Từ đó đến nay là một chuỗi ngày vật lộn khó khăn của gia đình bởi không biết bao lần bố phải vào trại cải tạo. Tài sản trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi” sau những lần lên cơn nghiện của bố.

Phượng nói rằng, em đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ học đi làm thuê, bởi em không biết tương lai mình sẽ ra sao và liệu hoàn cảnh của gia đình có cho phép Phượng được tiếp tục học lên. Điều Phượng buồn hơn cả là ước mơ vào ngôi trường Học viện Kiểm sát của mình sẽ không thể thực hiện được vì lý lịch có bố từng đi tù.

Cũng nhiều lần bố Phượng đã hứa với chị em, với gia đình nhưng rồi sự cám dỗ đã không cưỡng lại được. Tuy vậy, dù trong những khi tăm tối nhất, ông vẫn luôn động viên Phượng gắng học để có thể có tương lai, để thoát khỏi hoàn cảnh cơ cực này. Vượt lên bản thân, Phượng đã gắng học và không phụ lòng thầy cô, gia đình. Chỉ có điều, khi cơ hội đang đến rất gần, giảng đường đại học đang ở trước mắt thì đường đến trường của Phượng lại càng xa xôi hơn bởi gia đình em quá nghèo. Ước mơ vào Học viện Kiểm sát không thành, Phượng cho biết sắp tới em sẽ đăng ký vào ngành Giáo dục tiểu học – Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) bởi học sinh sư phạm sẽ được miễn học phí. Tuy nhiên, còn chi phí ăn ở, một khoản tiền rất lớn nữa nhà em chưa biết xoay xở ra làm sao.

Cho đến thời điểm này, dù ngày nhập học sẽ không còn xa nhưng gia đình Phượng thì vẫn còn luẩn quẩn chưa tìm ra câu trả lời. Trong ngôi nhà Phượng ở bản Tân Lâm, xã Ngọc Lâm dù mẹ của Phượng đã cố gắng dọn dẹp, chăm chút cho căn nhà cũ nhưng vẫn không giấu được sự nghèo khó, xập xệ. Điều quý giá nhất trong ngôi nhà này có lẽ chỉ có những tấm Giấy khen của chị em Phượng trong những năm phổ thông. Chị Quang Thị Dần – mẹ của Phượng nói rằng, nếu con đi học, dù có phải nai lưng, bán mặt ngoài đường cả ngày chị vẫn có thể cố gắng. “Nhưng công việc làm thuê, làm mướn của tôi bấp bênh, ngày có, ngày không. Chỉ kiếm ăn qua bữa chứ làm sao mà tích cóp đủ để cho con đi học…”, chị Dần nói.

Thương hoàn cảnh của Phượng, những ngày qua, Ban Giám hiệu Trường THPT DTNT tỉnh cũng đã xoay xở tìm mọi nguồn tài trợ để có thể hỗ trợ Phượng nhập học đại học. Cô giáo hiệu trưởng cũng đã trích gần một nửa tháng lương để dành tặng riêng cho cô học trò nghị lực này. Thế nhưng, để có đủ tiền đi học thì vẫn đang cần phải tính toán nhiều và Phượng vẫn chưa biết bấu víu vào đâu bởi mọi cánh cửa xung quanh em dường như vẫn đang còn khép kín, chưa tìm được lối ra…

Được sự giới thiệu của một số giáo viên, chúng tôi có mặt tại nhà em Ngân Văn Thiện, ở xóm Giang, xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ). Thiện là một trong những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua, nhưng đang có nguy cơ phải từ bỏ ước mơ của chính mình vì gia đình quá nghèo. “Thấy em điểm cao, nhiều bạn chúc mừng nhưng họ không biết là em cũng đang buồn lắm. Biết điểm xong thì bố nói không được học, vì chẳng có tiền”, Thiện nói, ánh mắt đỏ hoe. Căn nhà của Thiện nằm ở cuối làng, bên cạnh là một cánh đồng với những lò ngói bỏ hoang. Trong căn nhà dột nát, tài sản đáng giá nhất đó là chiếc đầu đĩa và tivi đời cũ được một người bác cho từ gần 20 năm trước!

“Biết là cháu ham học, nó cũng học được, nhưng nhà không có tiền, biết làm sao được”, mẹ Thiện, chị Phạm Thị Thảo (45 tuổi), nói. Bố Thiện là người dân tộc Thái, còn mẹ là người Thổ. Thiện kể, bố vốn sức khỏe yếu, ít năm trước lại bị chấn thương sọ não ngã giàn giáo trong lúc đi làm thuê nên không thể làm được việc nặng. Vì thế, mọi gánh nặng dường như đặt trên vai người mẹ. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, để có tiền cho con ăn học, chị Thảo phải đi làm “thợ đụng”, tức đụng gì làm nấy, ai thuê gì cũng làm. Nhưng ở cái xứ này, kiếm được việc để làm là điều không dễ dàng. Biết mẹ vất vả, từ nhỏ anh em Thiện rất tiết kiệm trong chi tiêu và không ngừng nỗ lực học tập. 3 năm cấp 3 Thiện đều là học sinh giỏi toàn diện.

Cũng chính vì nhà quá nghèo mà 4 năm trước, anh trai Thiện chọn Học viện Lục quân để học với lý do gia đình sẽ không phải đóng học phí, không lo ăn, ở, quần áo… Lần này, đến lượt Thiện cũng dự định vào một trường quân đội với lý do tương tự. Tuy nhiên, khi xét tuyển, Thiện không đạt vì cơ thể gầy gò, chỉ nặng 47 kg, trong khi đó, yêu cầu của nhà trường phải tối thiểu 50 kg. Không thể vào trường quân đội, Thiện có ý định đăng ký vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Với 29,3 điểm, Thiện có lẽ thừa điểm để đỗ vào bất cứ ngành học nào. Nhưng khi biết thông tin học các trường này sẽ rất tốn kém, không như trường quân đội, bố Thiện đã đề nghị em ở nhà để đi làm thuê. “Bây giờ em cũng không biết phải làm sao nữa. Cha mẹ cũng rất thương em, nhưng vì hoàn cảnh, nhà lại đang nợ nần rất nhiều”, Thiện nói.

Không chỉ có những em vừa thi xong, nhiều người dù đã bước chân vào giảng đường nhưng vẫn có nguy cơ phải dang dở vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Con đường học tập của các em này sẽ phải dừng lại nếu không nhận được sự giúp đỡ. Và Bá Và (19 tuổi, xã Tri Lễ, Quế Phong), là một trong số đó. Hiện nay, Và đang là sinh viên Khoa Công nghệ ôtô của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Quê Và ở bản Mường Lống, một trong những bản xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Đến nay bản này vẫn chưa có điện. Phần lớn các hộ dân trong bản đều là hộ nghèo, trong đó gia đình của Và là một trong những hộ nghèo nhất bản. Bố mẹ Và sinh được 5 người con, Và là đứa thứ 4. Nhắc lại những ngày sống ở quê, trong ký ức của Và là những ngày bố mẹ phải chạy ăn từng bữa. Và cũng quá quen thuộc với những bữa cơm mà chẳng có thức ăn, thậm chí chỉ là nắm rau rừng. “Ở trên bản của em dường như chẳng biết làm gì ra tiền cả. Vừa không có tiền, vừa chợ cũng cách xa nên cuộc sống gần như tự cung, tự cấp. Thức ăn đều do nhà trồng được hoặc nuôi được”, Và kể.

Cũng vì quá nghèo, 3 người anh, chị của Và không được đi học, để ở nhà đi rẫy cùng bố mẹ. Và nói rằng, em may mắn hơn các anh, chị khi được đến trường. Nhưng không ít lần, bố Và cũng có ý bắt cậu bỏ học để đi rẫy. Chỉ khi thấy cậu con trai quá ham học, ông mới thôi ý định. “3 năm cấp 3 trọ học ở TP. Vinh, em nhiều lúc cũng rất tủi thân. Vì thấy hầu hết các bạn đều được bố mẹ thường xuyên xuống thăm. Còn em thì bố mẹ phải đi làm thuê tận Tây Nguyên, nên từ khi nhập học cho đến hết 3 năm, em đều phải một mình lầm lũi. Thậm chí họp phụ huynh cũng không có mặt, em phải nhờ một người họ hàng”, Và kể và cho hay, trong những năm trọ học, em phải chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Tiền ăn, ở được hỗ trợ, vì thế, mỗi tháng trung bình Và chỉ tiêu 10.000 đồng. Số tiền đó cũng là để mua thẻ điện thoại để gọi hỏi thăm bố mẹ.

Khó khăn là vậy, nhưng Và vẫn rất chăm chỉ học tập, gặt hái được nhiều thành tích. Kỳ thi năm ngoái, em đạt 26,5 điểm. Tuy nhiên, hành trình đi tìm con chữ của Và đang có nguy cơ phải dừng lại khi vừa hoàn thành năm thứ nhất đại học bởi hoàn cảnh quá nghèo. “Lúc đầu em dự định vào đây vừa học, vừa đi làm thêm trang trải. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch nên rất khó kiếm việc làm, trong khi sức của bố mẹ cũng có hạn. Làm thuê, làm mướn được bao nhiêu cũng gửi cho em ăn học hết, em cũng áy náy”, Và nói.