Họa sỹ Phan Ngọc và ô cửa cô đơn

(Baonghean) - Trông trẻ hơn so với tuổi họa sỹ Phan Ngọc mở cửa đón tôi tại nhà riêng của gia đình anh trong một con ngõ thành Vinh. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy trong nhà họa sỹ không treo bức tranh nào. Tò mò hỏi, mới biết những bức tranh được “cất giấu” ở một nơi an toàn nhất trong nhà, trên một chiếc xép nhỏ, nơi hơi ẩm không thể làm mốc hay biến màu từng mảng sơn dầu...

Phan Ngọc nói, phần lớn “gia tài tranh” của anh được gửi chỗ nọ chỗ kia, những bức mới vẽ cũng không dám để ở nhà vì sợ bị ẩm mốc. Trên xép chỉ có một số bức, hầu hết là những tác phẩm vẽ cách đây hàng chục năm. Rồi anh cho tôi xem những bức tranh cũ kỹ ám bụi ấy. Những bức tranh có gam màu trầm. 
Họa sỹ Phan Ngọc bên bức chân dung tự họa.
Họa sỹ Phan Ngọc bên bức chân dung tự họa.
Đó là bức tĩnh vật hoa cúc được vẽ với gam màu xanh xám như trong khung cảnh một chiều cuối thu buồn. Là bức vẽ chân dung các cô gái dân tộc thiểu số ở một bản làng xa xôi trên Sa Pa. Là những nét buồn thiếu nữ vùng cao sau một phiên chợ chiều… Các tác phẩm được thể hiện trên toan vải khổ lớn, tất cả đều sống động, bình yên và tràn cảm xúc. Phan Ngọc nói, mỗi bức tranh là một nỗi đam mê, cả cuộc đời anh cũng là một nỗi đắm say với hội họa.
Họa sỹ Phan Ngọc (Phan Hồng Ngọc) sinh năm 1969 tại Vinh. Anh kể, từ nhỏ anh đã vô cùng thích vẽ. Ba mẹ anh rất ủng hộ, thường xuyên mua màu, mua giấy bút cho con trai. Từ những bức vẽ tuổi học trò, anh quyết đi theo con đường hội họa, đến năm 1988 anh thi vào Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, học Khoa Sư phạm Mỹ thuật. Năm 1991 tốt nghiệp, anh trở về Vinh và đến năm 1994 làm công tác giảng dạy mỹ thuật tại Khoa Giáo dục thể chất – Nhạc – Họa, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Từ năm 2009 đến 2011 anh tiếp tục học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Thời gian này anh sáng tác nhiều, trên các loại chất liệu được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu ở trường mỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam như sơn dầu, lụa, khắc gỗ và các loại tranh đồ họa khác. Trong quá trình học tập và giảng dạy, Phan Ngọc tham gia nhiều cuộc triển lãm khu vực, triển lãm nhóm và các hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học -Nghệ thuật địa phương mà anh là hội viên. Hiện anh là Trưởng bộ môn Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An.
“Con gái tôi”.
“Con gái tôi”.
Chất liệu hội họa mà Phan Ngọc ưu tiên là sơn dầu. Anh vẽ tĩnh vật, phong cảnh và chân dung rất tốt bằng chất liệu này. Những bức như Chân dung tự họa, Con gái tôi… khi vẽ bằng gam màu thanh nhẹ, trong sáng, lúc được hòa sắc hết sức ấn tượng bằng gam màu nóng với bố cục và nét vẽ táo bạo, tài hoa. Mấy năm gần đây, bên cạnh sơn dầu, Phan Ngọc vẽ nhiều trên các chất liệu khác như lụa, khắc gỗ, acrylic, bên cạnh vẽ chân dung, tĩnh vật theo lối hiện thực pha lẫn chút ấn tượng, anh còn thử mình ở thể loại tranh trừu tượng (Trưa hè) và cả Pop-Art (Màu và đen trắng, Ký ức…). Anh vẽ bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Và luôn luôn với một niềm đam mê không thể nguội tắt. Đôi khi anh vẽ sau một cuộc vui với bạn, trong một cơn say… Các tác phẩm của anh luôn được bạn bè trong giới đánh giá cao.
Tôi bảo, vậy là anh đã thực hiện được niềm mơ ước từ thuở nhỏ của mình. Phan Ngọc mỉm cười gật đầu nhưng trong nụ cười của anh thoảng một nỗi buồn cùng chút gì đó e ngại. “Chỉ có điều, hội họa ở các tỉnh lẻ như Nghệ An vẫn chưa phát triển. Mặc dù vẫn là một bộ môn không thể thiếu trong các ngành đào tạo của địa phương, song với các họa sỹ như thế là chưa đủ”, anh nói. Rồi anh kể cho tôi nghe những câu chuyện vui mà bạn bè trong giới nghệ sỹ các anh thường ngồi kháo nhau, về những người quyết định đến học mỹ thuật sau khi không xin được làm bất cứ công việc nào khác, kể cả chữa xe đạp. Họ là những kẻ coi mỹ thuật như điều cuối cùng trong các công việc cần phải làm trên đời. Tôi hiểu đây là câu chuyện đùa vui, nhưng không phải nó không phảng phất sự thật, rằng hội họa và các ngành mỹ thuật đang bị làm ngơ hay không được nhìn nhận đúng mức ở hầu hết các tỉnh lẻ. Người ta sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ để mua các loại trang sức nhưng không thể bỏ ra vài triệu để trang trí cho căn nhà sang trọng một bức tranh. Nếu có mua tranh, thay vì tìm đến nghệ thuật đích thực họ lại chăm chắm tìm mua những bức được vẽ bởi một nỗi ve vuốt ám ảnh thương mại hóa, những tác phẩm mỹ nghệ, những tranh chép, tranh thêu. Còn người nghệ sỹ thì cứ mãi cô đơn trong cái thế giới mà anh ta phải hy sinh nhiều thứ khác để chìm đắm.
“Màu và đen trắng - Pop-Art”.
“Màu và đen trắng - Pop-Art”.
Phan Ngọc cũng vậy, anh cô đơn đến tận cùng trong ô cửa nhỏ của riêng mình, nơi anh từng hăm hở khao khát, từng nỗ lực phấn đấu, học tập, từng mở một phòng tranh và ước mơ mang đến hơi thở mới cho môi trường nghệ thuật tại thành Vinh. Ô cửa của anh, nó vẫn dào dạt các sắc màu, nhưng anh biết nó nhỏ bé, riêng tư đến mức đôi khi anh e ngại khi nói về nó. Tuy vậy, từng giờ khắc của cuộc đời mình, anh vẫn đứng ở ô cửa nhỏ nhoi đó để nhìn ra thế giới. Cô đơn nhưng không chán nản. Anh luôn khát vọng và tin tưởng vào một ngày nào đó, mình có điều kiện tốt hơn để thực sự dấn thân vào công việc sáng tác. “Tôi ước mơ mình có một không gian riêng biệt để vẽ, và hy vọng sớm đến ngày thị hiếu và môi trường nghệ thuật ở đây phát triển hơn”, Phan Ngọc nói.
Nỗi lòng của anh cũng là nỗi niềm chung của bao họa sỹ, những người đam mê cháy bỏng môn nghệ thuật gam màu, mảng khối nhưng nhiều khi bị tổn thương bởi chính niềm đam mê ấy. Đó không đơn giản là một trận chiến phân định sai đúng, trắng đen mà người nghệ sỹ phải đương đầu, bởi nếu vậy dẫu có khắc nghiệt đến mấy họ vẫn có thể hiên ngang bảo vệ cho lý tưởng của mình. Đây còn là cuộc chiến của họ với chính mình, mà đôi khi những tổn thương nho nhỏ cũng có thể khiến họ gục ngã. Vấn đề không chỉ là nỗi lo cơm áo, khi công việc sáng tạo đến thời điểm này chưa thể làm gì hơn ngoài việc thỏa niềm đam mê riêng tư, mà còn là nỗi hối thúc ẩn giấu bên trong người nghệ sỹ, nó cần được động viên và cần cộng đồng trân trọng.
Nỗi hối thúc ấy vẫn luôn tồn tại trong Phan Ngọc, từ ngày còn là một cậu bé mơ giấc mơ những gam màu. Và giờ đây, dẫu cuộc sống hội họa xung quanh anh chỉ là một bức tranh với gam màu trầm, thì hàng ngày bên những tấm toan trắng, anh vẫn quay cuồng trong ô cửa nhỏ mà ồn ã sắc màu của mình. Tất cả, kể cả nỗi cô đơn, không đủ làm tắt đi niềm đam mê với hội họa. “Tôi vẽ, hy vọng và chờ đợi”, Phan Ngọc nói với một nụ cười thật dễ mến.
Quỳnh Lâm

Tin mới