Hoàn cảnh chiến sỹ nghĩa vụ sống thực vật đã 5 năm

(Baonghean) - Đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong lần trả phép về đơn vị, anh Lương Văn Khăm (SN 1990) ở bản Kèo Lộc 1, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) bị tai nạn giao thông. Bố mẹ phải bỏ nhà cửa, nương rẫy để thay nhau chăm sóc Khăm hơn 5 năm nay ở Bệnh viện Quân y 4.

Khăm đi nghĩa vụ quân sự vào năm 2011. Hơn một năm sau anh được về phép. Hết phép, chào bố mẹ trở về đơn vị, đi xe ôm đến gần thị trấn Mường Xén thì Khăm bị xe chở gỗ tông phải hất ngã ra đường và bị thương nặng, sau khi đến bệnh viện cấp cứu qua cơn nguy kịch, Khăm được chuyển điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh rồi Bệnh viện Quân y 103.

Bố và mẹ Lương Văn Khăm chăm sóc anh tại Bệnh viện Quân y 4. Ảnh: Hà Linh
Bố và mẹ Lương Văn Khăm chăm sóc anh tại Bệnh viện Quân y 4. Ảnh: Hà Linh

Gần 4 tháng ròng rã ở Bệnh viện Quân y 103, vợ chồng ông Lương Văn Mằn phải ngồi ngủ gật ở hành lang, ăn bánh mỳ và uống nước cầm hơi, trông từng phút, từng giây mong con trai tỉnh lại. Nhưng, một tuần rồi hai tuần, một tháng rồi hai tháng, con trai vẫn nằm im bất động. Số tiền được đền bù và vay mượn anh em, họ hàng rồi cũng hết, không còn tiền trả chi phí, vợ chồng ông Mằn gạt nước mắt đưa con về xin được điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 để đi lại thuận tiện và đỡ tốn kém hơn. Từ đó đến nay, gần 5 năm ròng rã, vợ chồng ông đã phải dựa vào những tấm lòng hảo tâm mới có cơm ăn cầm cự để chạy chữa cho con ở Bệnh viện Quân y 4.

Bác sỹ Hoàng Lê Nguyễn - Phó phụ trách Khoa A7, Bệnh viện Quân y 4 cho biết: Khi vào viện Khăm đã bị liệt tứ chi, cứng khớp, chấn thương sọ não, phải sống thực vật. Hướng điều trị của bệnh viện là hàng ngày truyền dịch nuôi dưỡng, dùng thuốc tăng cường tuần hoàn não, chống động kinh và chăm sóc phòng, chống bội nhiễm. Tiên lượng có thể Lương Văn Khăm sẽ phải sống thực vật suốt đời.

Con trai không thể tỉnh lại, nhưng bố mẹ vẫn phải thay nhau túc trực để chăm sóc. Mẹ Khăm cũng đã 5 năm qua chưa một lần về nhà, đến cưới các con trai con gái cũng không có mặt, mà nhờ vào anh em, họ hàng và người dân trong bản. Nay, cháu nội, cháu ngoại đã biết đi, biết nói nhưng bà vẫn chưa một lần được gặp cháu… Hàng ngày, bà phải nấu cơm, mua thức ăn và nhai nhuyễn bón cho Khăm ăn, ông Mằn phải lo việc vệ sinh và xoay trở cho Khăm vì để nằm lâu một chỗ cơ thể Khăm sẽ bị hoại tử.

Ông Mằn có 4 người con, Khăm là con thứ hai, từ khi Khăm bị tai nạn đến nay, em trai, em gái đã thành lập gia đình đều không có mặt mẹ và anh. Kèo Lộc 1 là bản đặc biệt khó khăn của xã Phà Đánh, gia đình ông Mằn đã thành 4 gia đình riêng biệt, đều nằm trong danh sách 62/82 gia đình hộ nghèo của bản, vì vậy các anh, em của Khăm cũng không có gì để hỗ trợ cho bố mẹ. 

5 năm, mỗi mùa nương rẫy, các con và bà con dân bản cùng chung tay làm giúp, cũng có khi ông Mằn về cùng làm. Nhưng thu nhập mỗi năm một mùa thuận thời tiết cũng chỉ được khoảng 5 tạ thóc, không thuận lại mất mùa, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ ăn được 6 tháng, thời gian còn lại phải vào rừng đào củ, đi làm thuê kiếm thêm.

Hàng ngày, Khăm được truyền dịch nuôi dưỡng, dùng  thuốc tăng cường tuần hoàn não và thuốc chống động kinh. Ảnh: Hà Linh
Hàng ngày, Khăm được truyền dịch nuôi dưỡng, dùng thuốc tăng cường tuần hoàn não và thuốc chống động kinh. Ảnh: Hà Linh

 Trực tiếp điều trị cho Lương Văn Khăm 5 năm nay, nên các y, bác sỹ Khoa A7 và Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 đều biết rất rõ hoàn cảnh của gia đình ông Mằn. Hàng năm, đến ngày lễ, Tết, ngày 22/12 bệnh viện đều dành quà tặng động viên gia đình ông. Mỗi năm một đến hai lần, tổ chức họp Hội đồng Bệnh nhân kêu gọi sự chung tay góp sức ủng hộ, trong đó Ban Giám đốc và y, bác sỹ đều tiên phong đóng góp. Bà Vi Thị Tóm - mẹ Khăm rơm rớm nước mắt biết ơn: Nếu không có Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 và Khoa A7 cùng những gia đình bệnh nhân và cộng đồng thì chúng tôi không thể sống đến ngày hôm nay để chăm sóc cho con… Mỗi tháng, Khăm được hưởng chế độ phụ cấp 649.000 đồng, mọi chi phí thuốc men, điều trị đều do bệnh viện chi trả, nhưng 2 lao động chính trong nhà đều phải túc trực ở bệnh viện để chăm sóc nên không thể có nguồn thu khác để chi phí. 

Bà Vi Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Phà Đánh cho biết: Hoàn cảnh gia đình nhà cháu Khăm rất khó khăn, mỗi năm xã đều hỗ trợ gạo, tiền. Năm nay, xã đang có kế hoạch phát động nhân dân trong xã chung tay góp sức để hỗ trợ gia đình. Vì vậy, rất mong qua Báo Nghệ An những tấm lòng hảo tâm chia sẻ giúp đỡ cho gia đình Khăm. 

Mọi hỗ trợ xin gửi về ông Lương Văn Mằn ở bản Kèo Lộc 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, số điện thoại: 01665542162.

Nếu ủng hộ trực tiếp có thể liên hệ lãnh đạo Khoa A7 hoặc Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 (xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An).

Hà Linh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới