Hoan nghênh đóng góp của tất cả các nước trong duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông

(Baonghean.vn) - Sáng 3/6, tại Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức buổi tọa đàm về chủ quyền biển và hải đảo nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2016.

Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Bùi Sỹ Hoa - Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Bí thư Thị ủy Cửa Lò; đại diện các  sở, ban, ngành liên quan và học sinh trên địa bàn Thị xã Cửa Lò. Tiến sỹ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trình bày nội dung tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm đem đến nhiều kiến thức, hiểu biết cơ bản về lịch sử các tranh chấp trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc; phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên lập trường chính trị của Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, qua đó củng cố lập trường, tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Biển Đông có vị trí rất quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược của khu vực và quốc tế. Chính từ vị trí chiến lược đó mà Biển Đông đã và đang tồn tại những tranh chấp liên quan đến những lĩnh vực khác nhau trong quan hệ xã hội của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Hiện nay Biển Đông đang tồn tại 2 loại tranh chấp chủ yếu: tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình đã tạo ra những vùng chồng lấn.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm.
Với những bằng chứng pháp lý, lịch sử, buổi tọa đàm chỉ rõ bản chất của các sự việc tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc đối với Việt Nam. Theo đó khẳng định: Trung Quốc đã và đang tìm cách viện dẫn cho cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. 
Tiến sỹ
Tiến sỹ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trình bày nội dung về bảo vệ biển đảo tại buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm cũng thông tin đến người nghe quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Từ trước đến nay, ngoài Trung Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á cũng có những tranh chấp về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tuy nhiên, dù cho có quốc gia nào thể hiện tranh chấp nhưng Việt Nam vẫn luôn giữ vững lập trường trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Đó là giải quyết thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước về Luật Biển năm 1982.
Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải là mối quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Trên tinh thần đó, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Còn về đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc, Việt Nam không phản đối. Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc là đường yêu sách để tạo thành vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế về thềm lục địa Việt Nam. Do vậy không thể “cùng phát triển” trong khu vực được tạo bởi “đường lưỡi bò” lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hoài Thu
TIN LIÊN QUAN

Tin mới