Hoàng Trung Thông - thi sĩ mang cốt cách ‘đồ Nghệ’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Cố nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993), người con của quê hương Nghệ An vừa được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Niềm vinh dự này không chỉ của gia đình, dòng họ mà còn của quê hương ông.

“Ươm mầm” từ Thổ Đôi trang

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), xưa gọi là Thổ Đôi trang, một vùng “đất học” của xứ Nghệ nổi danh cả nước. Nơi đây đã “ươm mầm” biết bao nhân tài trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nổi bật là lĩnh vực văn chương nghệ thuật.

Có người đã không ngần ngại khẳng định có một “mạch văn” làng Quỳnh, với ý là đất này có nguồn mạch văn chương chảy từ đời này qua đời khác. Như được tiếp nhận năng lượng từ mạch nguồn truyền thống ấy, thi sĩ Hoàng Trung Thông đã sớm bộc lộ và khẳng định vị trí của mình trên văn đàn nước Việt. Ông từng học Trường Quốc học Vinh, rồi đi làm cách mạng và trở thành nhà thơ nổi tiếng...

Cố nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ảnh tư liệu

Cố nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ảnh tư liệu

Giới nghiên cứu, phê bình văn học khẳng định ở thời nào và mảng đề tài nào Hoàng Trung Thông cũng có những bài thơ hay, in đậm dấu ấn của cuộc sống. Chẳng hạn, trong kháng chiến kiến quốc, “Bài ca vỡ đất” của thi sĩ đã góp phần tạo nên sức mạnh ý chí, quyết tâm của toàn thể nhân dân trong lao động, sản xuất: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Hay bài thơ “Bao giờ trở lại” diễn tả tình cảm quân-dân một cách thắm thiết, cảm động: “Các anh về tưng bừng trước ngõ/Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau/Mẹ già bịn rịn áo nâu/Vui đàn con ở rừng sâu mới về…”.

Còn đây là hình ảnh trong bài “Anh chủ nhiệm”, ca ngợi công cuộc phát triển kinh tế hợp tác xã những năm 60 của thế kỷ trước: “Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/Vẽ cả ngày mai thành bức tranh”.

Đặc biệt, khi tìm hiểu, học tập về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ “Đọc thơ Bác” của Hoàng Trung Thông được xem như “kim chỉ Nam”, có ý nghĩa định hướng trong việc khám phá chủ đề, tư tưởng và giá trị nghệ thuật: “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác, vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.

Bài thơ ngắn gọn nhưng đã khái quát được phần nào phong cách thơ của Bác Hồ là sáng ngời “chất thép” - ý chí chiến đấu nhưng cũng dào dạt chất thơ - thắm đượm ân tình.

Thơ Hoàng Trung Thông được đánh giá vừa mộc mạc, giản dị, vừa giàu chất suy tưởng và triết lý. Điều này bắt nguồn từ niềm cảm xúc chân thành, sự rung cảm chân thật và quan niệm thẩm mỹ gần gũi với đa số công chúng yêu văn chương, nghệ thuật.

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - quê hương của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ảnh: Đình Tuyên

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - quê hương của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ảnh: Đình Tuyên

Những sáng tạo của thi nhân thường gắn bó mật thiết với cuộc đời nhưng không dễ dãi; song hành cùng hơi thở của cuộc sống và được đón nhận một cách nồng hậu. Cho nên, thơ Hoàng Trung Thông mang một vẻ đẹp bình dị được chắt lọc từ cuộc sống đời thường.

Nét “ông đồ Nghệ”

Bên cạnh sáng tác thơ, Hoàng Trung Thông còn viết nghiên cứu, phê bình văn học và dịch các tác phẩm văn học nước ngoài. Ông có công lớn trong việc dịch, giới thiệu nhiều tác phẩm thơ Đỗ Phủ, Lục Du, Pushkin, Mayakovsky, Simonov và thơ ca Trung Quốc hiện đại, cũng như tham gia dịch thơ thời Lý - Trần của Việt Nam…

Qua đó, thể hiện ông là người đa tài và uyên bác, vừa tinh thông Hán học và văn hóa phương Đông, vừa am tường và tiếp biến tinh hoa văn hóa phương Tây để làm nên vốn quý cho riêng mình.

Với khuôn mặt hiền từ, nét mặt đậm suy tư, vầng trán cao và mái tóc, chòm râu dài trắng như cước, thi sĩ Hoàng Trung Thông toát lên vóc dáng của một hiền sĩ. Như câu thơ của Hàn Mạc Tử “Người thơ phong vận như thơ ấy”, con người của thi sĩ họ Hoàng cũng luôn mộc mạc, giản dị và rất đỗi chân tình.

Những người từng công tác tại Viện Văn học thời ông làm Viện trưởng đều có chung nhận xét, ông làm lãnh đạo nhưng rất bình dị, xuề xòa, xa lạ với lối quan chức kiểu cách. Vì thế, thi sĩ của chúng ta khá quảng giao, có nhiều bạn bè thân thiết là văn nghệ sĩ có tên tuổi, những nhà văn hóa lớn như các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Mộng Tuyết; các họa sĩ nổi tiếng như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu...

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (ngồi giữa) cùng nhà thơ Bảo Định Giang (ngoài cùng, bên trái) và họa sĩ Mai Văn Hiến. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (ngồi giữa) cùng nhà thơ Bảo Định Giang (ngoài cùng, bên trái) và họa sĩ Mai Văn Hiến. Ảnh tư liệu

Được “ươm mầm” từ Thổ Đôi trang, thi sĩ Hoàng Trung Thông vừa có nét tài hoa, uyên bác, lại vừa có nét “gàn” của một “ông đồ Nghệ”. PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học từng làm nghiên cứu viên dưới thời Viện trưởng Hoàng Trung Thông kể rằng: Năm 1980, tổ chức gợi ý ông làm hồ sơ phong học hàm Giáo sư và được hầu hết mọi người ủng hộ.

Nhưng ông bảo: “Tôi là nhà thơ. Thế đủ rồi. Còn giáo sư gì nữa”. Khi có chủ trương giảm biên chế, ông bảo: “Giảm tôi trước hết. Anh chị em lương thấp thế, họ biết đi đâu”...

Phu nhân của thi sĩ Hoàng Trung Thông là bà Hồ Thị Hoa, người con gái nết na và con nhà gia thế ở làng Quỳnh. Hai người bén duyên với nhau nhờ gia đình mai mối, nhưng chung sống hòa thuận và yêu thương nhau hết lòng.

Dù chồng yêu thơ, yêu rượu và “say” bạn bè, nhưng bà Hoa vẫn một lòng yêu chiều, cung phụng. Phần lớn thời gian gia đình sống ở Hà Nội, ông bà có 5 người con đặt tên theo 5 loài hoa, tất cả đều thành đạt: Bích Hồng, Bích Liên, Bích Hà, Hướng Dương và Phượng Vỹ.

Có thể nói, Hoàng Trung Thông đã sống hết mình với đời, với thơ, với gia đình và bè bạn. Hậu thế sẽ nhớ mãi đến những gì ông để lại cho đời bằng tất cả niềm biết ơn và lòng tôn kính. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật dành cho ông đã nói lên tất cả! Và trước đó, thành phố Vinh đã có một con đường mang tên ông!

Năm 2001, nhà thơ Hoàng Trung Thông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, và cuối năm 2022 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tập thơ: “Đường chúng ta đi”, “Những cánh buồm”, “Đầu sóng”, “Tiếng thơ không dứt”.

Sinh thời, ông được giao nhiều trọng trách như: Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Viện trưởng Viện Văn học và Tổng Biên tập Tạp chí Văn học. Nhưng điều ông tự hào nhất không gì khác hơn khi mình là một thi sĩ, đây cũng là điều khiến công chúng thêm yêu mến và biết đến ông nhiều hơn.

Tin mới