Hoạt động nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Baonghean.vn) - Phân công Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế; Điều chỉnh Dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh; Lập 5 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu; Phạt tới 7 triệu đồng nếu vứt rác bừa bãi;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,

1 - Phân công Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phân công cho Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế.

Cụ thể, Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc trong quy trình điều ước quốc tế: Trình Chủ tịch nước quyết định việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc chấm dứt hiệu lực đối với các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê chuẩn.

Bên cạnh đó, tổ chức việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ trong trường hợp cần quyết định gấp nhằm bảo đảm yêu cầu đối ngoại; ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi với các nhà tài trợ nước ngoài; quyết định về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

2 - Điều chỉnh Dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự án sẽ góp phần phát triển mạng lưới thử nghiệm y tế từ xa thông qua việc nâng cao kiến thức chuyên môn cho các bác sỹ chuyên khoa tại các bệnh viện trong mạng lưới y tế từ xa góp phần cải thiện việc cung cấp dịch vụ y tế ở các tuyến khác nhau.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ hiện đại bằng hình thức đào tạo trực tuyến thông qua việc xây dựng và triển khai các chủ đề đào tạo chuyên biệt góp phần cải thiện việc trao đổi về kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế; đào tạo y khoa liên tục.

Thời gian thực hiện Dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện kéo dài thêm 1,5 năm (từ 1/1/2016 đến 30/6/2017). Về tổng kinh phí thực hiện Dự án, bổ sung 1.650.000 Euro, trong đó, tài trợ bổ sung vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức 1,5 triệu Euro; vốn đối ứng của Việt Nam bổ sung 150.000 Euro (do Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Phú Yên, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Yên Bái tự thu xếp).

3 - Lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu

5 Đoàn kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện đến trước ngày 30/12/2016. (Ảnh minh họa: KT)
5 Đoàn kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện đến trước ngày 30/12/2016. (Ảnh minh họa: KT)

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành Kế hoạch triển khai các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016. Thời gian triển khai từ nay đến trước ngày 30/12/2016. 

Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt tình hình, kết quả công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng, kinh phí, phương tiện nghiệp vụ,..

Đồng thời, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phương án điều chỉnh, kiểm soát đảm bảo phù hợp, chặt chẽ.

4 - Phạt tới 7 triệu đồng nếu vứt rác bừa bãi

Những hành vi vứt rác bừa bãi, đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hàng triệu đồng.
Những hành vi vứt rác bừa bãi, đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hàng triệu đồng.

Từ ngày 1/2/2017 tới, người dân vứt rác bừa bãi bị phạt tới 7 triệu đồng. Theo đó, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, các điểm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng.

Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng; phạt từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

5 - Hỗ trợ kinh phí bảo vệ cấp bách, phòng cháy, chữa cháy rừng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương ngân sách trung ương hỗ trợ 185 tỷ đồng cho 27 địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng cấp bách năm 2016.

Về nguồn hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ trong phương án sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 vào tháng 12/2016.

Do thời tiết nhiều ngày không mưa, khô hanh kéo dài, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 yêu cầu chính quyền các địa phương và chủ rừng thuộc các địa phương trên triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

6 - Nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, trường hợp doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Điều 118, Luật Đất đai năm 2013, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/02/2017.

Trong thời gian chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa tiếp tục áp dụng Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 và Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

7 -Tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Ban thanh tra nhân dân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị định 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Ban thanh tra nhân dân gồm:

1- Thành viên Ban thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban thanh tra nhân dân.

2- Thành viên Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước phải là người đang làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và không phải là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị này. Người được bầu làm thành viên Ban thanh tra nhân dân phải còn thời gian công tác ít nhất bằng thời gian của nhiệm kỳ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

3- Thành viên Ban thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn phải là người thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

8 - Giao vốn kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2016 hơn 2.270 tỷ đồng cho các dự án đủ điều kiện thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc giao chi tiết kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2016 phải  đảm bảo nguyên tắc: mức vốn vay tín dụng năm 2016 bổ sung không vượt quá dư nợ vốn vay theo khoản 3 Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước đối với từng địa phương; các dự án vay vốn được bố trí đủ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020 để hoàn trả số vốn vay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016 việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2017 để thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

9 - Xử lý hải sản tồn kho sau sự cố môi trường biển

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý chi phí kiểm nghiệm chất lượng các lô hàng hải sản thu mua, tạm trữ hiện đang tồn kho do Bộ Y tế thực hiện được lấy từ nguồn tiền bồi thường của Công ty Formosa. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán các chi phí này phù hợp quy định hiện hành.

UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý lượng hàng hải sản thu mua, tạm trữ hiện đang tồn đọng đúng theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường (Ban chỉ đạo) ngày 8/11/2016.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát để xác định rõ vấn đề hạn sử dụng đối với hải sản khai thác từ biển. Trên cơ sở đó, báo cáo, đề xuất giải pháp.

10 - Hỗ trợ 10 tỉnh khắc phục thiệt hại do bão, mưa lũ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 115 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để hỗ trợ 10 địa phương thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều,… thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2016.

Cụ thể, tỉnh Yên Bái được hỗ trợ 25 tỷ đồng; tỉnh Hoà Bình 10 tỷ đồng; tỉnh Hà Giang 10 tỷ đồng; tỉnh Tuyên Quang 10 tỷ đồng; tỉnh Thái Nguyên 10 tỷ đồng; tỉnh Vĩnh Phúc 10 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh 10 tỷ đồng; tỉnh Ninh Bình 10 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa 10 tỷ đồng và tỉnh Nghệ An 10 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, nhà bị sập, trôi,... do thiên tai gây ra thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới