Học làm người

HỌC LÀM NGƯỜI

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, không nhớ rõ năm nào đời nào, trời hạn rất lâu, ruộng đồng nứt nẻ, rừng thông cháy ngược cháy xuôi, đám trẻ trâu hồn nhiên chạy đuổi nhau dưới cái lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trơ đáy bụi tung mù.

Rồi bỗng một hôm trời lên cơn thịnh nộ, nước từ chín tầng mây như thủng đáy trút ầm ầm xuống hạ giới. Đường thành sông, sông thành biển, biển hóa thành bể chứa bùn và xác súc vật vàng ngầu. Thần dân ca thán vì nước lụt ngoài đường thì ngập trắng xóa mà nước ăn trong vòi thì giọt được giọt không. Người người thay nhau ôm cái dụng cụ có tên là lu ra đứng giữa trời đón nước mưa, mà càng hứng thì cơn khát lại càng cháy họng. Thần dân ai nấy đều lẩm nhẩm câu thần chú: “Tru bò chận chắc, ròi mọi chết oan”, dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là “hai con trâu húc nhau bẹt đầu con muỗi”. Tiếng thầm thì của những tụm ba tụm bảy mà mỗi tụm được gọi là một nhóm lợi ích. Sau bao ngày chèo thuyền đi nhận mì tôm cứu trợ trong phố, đám kình ngư bất đắc dĩ mới hội tụ nhau lại, quyết đến tận quán nước Mượu hỏi cho rõ ngọn ngành sự tình và tiện thể cũng tranh thủ dạy cho bà bán nước tính khí thất thường ấy một bài học về văn minh thị trường. Theo lời kể của các bậc cao niên thì đoàn vừa chèo thuyền vừa hát: “Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, theo dòng nước lụt, nhịp chèo ta bơi. Ai đắp đập? Ai phá núi? Cho tràn nước lụt, mặt đường gương soi!”. Theo các tài liệu cổ còn lưu giữ thì khi đoàn vừa đến nửa chừng con sông đào huyền thoại, bỗng đâu từ trên chín tầng mây vọng xuống những câu dân ca xứ Nghệ thấu lòng: “Chơ dân ơi mà khoan vội mà bực i a mình! Em xin kể lại để phân minh mà tỏ i a tường. Dân cứ nhủ rằng em không thương. Em đo lường thì rất cặn kẹ, vì thương dân nên em mới bàn với “mẹ”. Phải ngăn sông không bơm nước đầu nguồn”.

Những người dân ngàn đời nay vẫn vậy, bực thì bực lắm, nhưng hễ cứ nghe hát là lập tức mủi lòng. Chuyện rằng, nghe xong vài câu dân ca mặn mòi ngọt lịm tai là cả đoàn lục đục kéo nhau về ôm lu ra hứng nước mưa đợi sự ban ơn của vị thần có tên là Cơ Chế!

Mùa lại qua mùa, câu chuyện nước lụt và nước vòi ngược chiều nhau cứ lặp đi lặp lại cho đến khi sự chịu đựng của người dân chạm đến giới hạn cuối cùng. Các cụ bô lão chụm đầu lại cùng bàn phương kế và kết luận là cử đại diện đi tìm thầy tư vấn kiến thức để quyết dạy cho chủ quán nước cái bài học sơ đẳng về thị trường. Bữa ấy trời quang mây tạnh, chim hót véo von, hoa trăm ngả đua màu khoe sắc, đoàn lục đục kéo nhau lên đường. Sau ba vạn chín ngàn dặm, cuối cùng đoàn tìm được đến nhà vị thầy nổi tiếng uyên bác với mật độ bình quân mỗi năm 2,5 phát ngôn dậy sóng. Tưởng sẽ phải chầu chực ít nhất 3 tuần trăng, ai ngờ vừa nhìn thấy lôm côm đoàn, thầy đã phủ đầu hỏi ngay: “Kéo nhau đi học kiện phải không?”, “Dạ, đúng rồi làm sao thầy biết?”. “Ồ, ta biết hết. Ta biết hết. Gian lận thi cử xứ Hà, xứ Hòa, xứ Cai ta còn biết từ hồi nó chưa xảy ra cơ mà”. “Dạ, thầy quả là đấng anh minh thông tuệ, trăm sự nhờ thầy, vạn sự cũng nhờ thầy, xin thầy dạy cho chúng con cách chỉnh trang lại phường bán nước ạ”. “Thiện tai thiện tai, ta đồng ý, nhưng việc học kiện các người chịu khó chờ đến tết Công Gô”. “Sao lâu vậy hả thầy?” “Thôi thì các ngươi đã khăn gói bắc thang lên hỏi ông giời thì ta cũng chả giấu làm gì. Lý do là tại vì các ngươi đến không đúng thời điểm. Năm nay ta không dạy kiện, cũng không dạy văn hóa dạy toán, chủ đề năm nay của ta là “Dạy người”. Các ngươi muốn ban cho kẻ khác bài học thì trước hết các ngươi phải biết làm người và phải có chứng chỉ “Con Người” cái đã. Nghe đây, năm nay muôn dân đều phải học làm người”. Sau bốn cái vái lạy, lôm côm đoàn lục đục kéo nhau về miền “Quê em hai mùa mưa nắng”. Những tiếng thở dài khép nép sau vô vàn cái chép miệng khô khốc.

Lại nói về câu chuyện dạy người. Ngày ấy đang là giai đoạn 4.0 nên thiên hạ nhanh nhạy lắm, thừa năng động để đón đầu chính sách. Biết được chủ trương vĩ đại sắp được khua chiêng gõ mõ, các trung tâm dạy người ầm ầm ra đời. Nào là “dạy người cấp tốc”, nào là “dạy người từ xa”, nào là “dạy người liên thông” và có cả “dạy người quốc tế”. Nhanh nhạy nhất là cả mấy cái trung tâm lâu nay chuyên dạy thú cũng đòi chuyển qua dạy người. Hiệu ứng lan rộng lắm, có thời điểm lan rộng ra tận nước ngoài, đến cả trưởng phòng thú y bên Cáp Nhĩ cũng được sốt sắng điều chuyển sang làm trưởng phòng giáo dục. Chương trình dạy người phổ thông gồm 4 phần “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đi kèm với đó là các loại giáo án nườm nượp lên kệ sách nào là “Giáo án dạy ăn”, “Giáo án dạy  nói”, “Giáo án dạy gói”, “Giáo án dạy mở”. Rồi lại các tài liệu tham khảo, sách học thêm như “Dạy bắt tay cấp trên, dạy bắt tay cấp dưới, dạy bắt tay đồng nghiệp…” Rồi thì “Dạy đi trên đường đất, dạy đi trên đường nhựa và cả dạy đi trên thảm đỏ thế nào cho ít trơ trẽn nhất…”. Người ta còn dạy cả cách cười nhạt, cười mặn, cười đểu, cười thật, cười nửa miệng và dạy cười đuổi.

Phần “học ăn” cũng vô số tài liệu tham khảo như dạy ăn tham, dạy ăn vặt, dạy ăn chạc, dạy ăn gian và có cả những bài thực hành nuốt chửng cái phong bì 3 triệu đô theo đường huyết thống như thế nào để không bị… trào ngược!

Tuy nhiên rôm rả nhất vẫn là phần học nói. Nào là học nói tiếng Việt, học nói tiếng Tây, tiếng Tàu và cả tiếng dân tộc thiểu số. Trong các phòng học nói, người ta treo câu ca dao: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa cử tri”. Ngoài những buổi học chính thống về ngữ pháp, ngữ điệu, ngữ văn thì thầy giáo cũng không quên phụ đạo các chương trình ngoại khóa như học nói dối, nói leo, nói sau lưng, và thậm chí cả nói ngọng. Tuy nhiên cái phân khoa nhiều học viên nhất vẫn là bộ môn “nói cho Pháp nghe”.

Chỉ thương chuyên khoa “học gói – học mở” chẳng tuyển sinh ra người. Mỗi trung tâm lác đác vài ba học viên tìm hiểu cách thức mở hầu bao, mở cửa sau, mở tài khoản ở nước ngoài.

Mùa thu năm Hợi, sau khi hoàn thành các khóa huấn luyện làm người cấp tốc, lôm côm đoàn lại lục đục hành hương tìm về thầy giáo cũ để tạ ơn. Nghe tin đoàn đến, thầy hồ hởi đứng sẵn ở sảnh và đưa tay bắt từng người. Một thành viên trong đoàn hỏi, “Thầy ơi sách thầy viết làm người khi bắt tay phải nhìn vào mắt người ta, sao thầy bắt tay con mà mắt thầy lại nhìn chằm chằm cô thư ký?” “Người cũng có nhiều loại con ạ. Có người tốt cũng có người xấu. Có người tử tế nhưng cũng có người xỏ lá xỏ xiên”. “Dạ con đội ơn thầy”. “Con đã tốt nghiệp “học nói” chưa?” “Dạ chưa, nhưng qua cách nói của thầy con học được rất nhiều điều”. “Con học được cái gì ở ta?” “Dạ, đó là nói một đàng làm một nẻo, thưa thầy”.

Sau màn đối đáp ấy, trời nổi cơn cuồng phong, sấm chớp đùng đoàng, mưa như té tát, đoàn vội vã vái tạ rồi kéo nhau ra về. Theo lời kể của các bậc cao niên thì trên đường hồi hương, đoàn vừa chèo vừa hát: “Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, theo dòng nước lụt, nhịp chèo ta bơi. Ai đắp đập? Ai phá núi? Cho tràn nước lụt, mặt đường gương soi!”.