Học sinh Nghệ An cấp tập ôn thi các môn tổ hợp vào lớp 10

(Baonghean) - Hai tháng nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 sẽ diễn ra. Dù đây không phải lần đầu Nghệ An thực hiện bài thi tổ hợp ở môn thi thứ 3 nhưng vẫn không tránh khỏi những áp lực lo lắng của học sinh, phụ huynh và các nhà trường...
“Đua” nhau đi học thêm
 Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An công bố các môn thi thứ ba gồm Ngoại ngữ - Hóa học - Lịch sử, anh Nguyễn Công Dũng (xã Hưng Lộc - thành phố Vinh) tất bật đi tìm lớp học thêm cho con. Phụ huynh này cho hay, con gái học trường chuyên thành phố, học lực tốt và rất chăm chỉ. Tuy nhiên, lâu nay, cháu học lớp chuyên, nên chú trọng môn chuyên và các môn Văn - Toán - Ngoại ngữ.
 
Các trường đang tập trung ôn thi cấp tốc cho các em học sinh THCS. Ảnh: Mỹ Hà
Các trường đang tập trung ôn thi cấp tốc cho các em học sinh THCS. Ảnh: Mỹ Hà 
Hiện, anh cùng với 4 phụ huynh khác cùng cơ quan cũng đã tìm được giáo viên dạy môn Lịch sử cho con mình. Chỉ có điều, vì lịch học quá dày, cô giáo cũng “vướng” nhiều lớp khác nên gia đình phải chấp nhận cho cháu học vào cuối buổi sáng Chủ nhật - một thời điểm không thực sự thuận lợi.

Tiết học của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (TP. Vinh).
Tiết học của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà


“Nay, phải học thêm Hóa học và Lịch sử, cháu rất lo lắng bởi từ nay đến khi kỳ thi chính thức diễn ra chỉ còn hai tháng... Trước áp lực bài vở của cháu, tôi phải mất gần mười cuộc điện thoại, nhờ tư vấn, tìm giáo viên rồi sau đó mới xin xếp lịch"

Anh Nguyễn Công Dũng (xã Hưng Lộc - thành phố Vinh) 

Khác với anh Dũng, khi nhận được tin về ba môn thi tổ hợp, chị Lê Việt Anh ở phường Trường Thi không quá lo lắng về môn thi Lịch sử, vì hơn 2 năm qua, để con hứng thú với môn học này, hơn hai năm qua gia đình rất kiên trì, cố gắng tìm rất nhiều những cuốn lịch sử được viết dưới dạng truyện tranh để cháu tìm hiểu.
Với bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử, chị Việt Anh tin rằng, nếu con chăm chỉ, hệ thống lại bài học thì sẽ không quá khó. Chị chỉ lo môn Hóa học vì lâu nay, dường như cháu không quan tâm nhiều đến môn học này. Do vậy, chị đã liên hệ với một giáo viên dạy THCS gần nhà và dạy riêng cho cháu mỗi tuần 2 buổi vào buổi tối.

Tôi thực sự lo lắng cho con vì kỳ thi sắp đến gần mà một số môn thi cháu mới bắt đầu lại từ đâu. Con tôi cũng khá hoang mang nhưng tôi động viên cháu phải cố gắng, ít nhất cũng phải làm tốt các câu hỏi lý thuyết”

 Chị Lê Việt Anh ở phường Trường Thi, TP Vinh

Giờ học của học sinh Trường THCS Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai).
Giờ học của học sinh Trường THCS Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Mỹ Hà
Đây là năm thứ 2 Nghệ An áp dụng bài thi tổ hợp ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với môn thi thứ 3. Tuy các học sinh đều đã được chuẩn bị tâm lý nhưng việc môn thi được công bố khá muộn, thí sinh phải thi đến 5 môn nên áp lực đè nặng lên học sinh cuối cấp, đặc biệt là ở khu vực thành phố và những vùng có tỷ lệ chọi cao.
Trước đó, việc tổ chức bài thi tổ hợp cũng được thực hiện nhằm tránh học lệch, học tủ. Nhưng, do thời gian học thêm không nhiều (mỗi tuần không được quá ba buổi chiều), nên đa phần các trường vẫn ưu tiên cho các môn Toán - Ngữ văn và Ngoại ngữ. Các môn còn lại, học sinh chủ yếu chỉ mới học trên lớp, chưa có thời gian ôn tập nhiều. 
Nhà trường gấp rút triển khai ôn tập
 Trường THCS Hà Huy Tập là một trong những trường có chất lượng hàng đầu ở thành phố Vinh. Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực cho trường, khi mà đa phần học sinh lớp 9 đều đăng ký vào các trường chuyên và Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.
Trước đó, vì đây là năm thứ 2 tổ chức thi trắc nghiệm nên ban giám hiệu Trường THCS Hà Huy Tập cũng yêu cầu tất cả giáo viên phụ trách các môn thi cần chủ động xây dựng ngân hàng đề, ít nhất mỗi người có 60 câu hỏi. Thế nên, hiện tại, nhà trường không còn bị động trong việc tổ chức ra đề, kiểm tra cho học sinh...

Trường đang xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh với hai nội dung: Xây dựng đề cương ôn tập theo từng chương, từng bài và với các mức độ theo chuẩn kiến thức kỹ năng; xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, từng bước giúp các em làm quen với các dạng đề. 

Cô Bành Thị Thúy Hà - Phó Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh

Ngoài ra, trường cũng sẽ triển khai tổ chức dạy phụ đạo thêm cho học sinh một số buổi ngoài buổi học chính khóa ở trường. Về phía các giáo viên được phân công phụ đạo cho học sinh, nhiệm vụ đầu tiên là phải hệ thống toàn bộ kiến thức cho học sinh theo đề cương xây dựng, tổ chức cho học sinh là các bài kiểm tra sau mỗi buổi học và chấm chữa bài cho học sinh.
Cô Bành Thị Thúy Hà - Phó Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết: Chương trình Lịch sử lớp 9 không khó nhưng lại rất dài (12 chương, kéo dài từ năm 1919 đến nay) và nhiều nội dung. Trong khi đó, để có kết quả tốt, cần cả một quá trình chứ không phải chỉ một hai tháng nên giáo viên và học sinh phải hết sức cố gắng. Vì thời gian rất ngắn nên cũng mong muốn khi xây dựng đề cương, Sở Giáo dục và Đào tạo cần định hướng sát với chương trình thi, không nên ra quá dài, giới hạn một phần kiến thức, tập trung vào phần trọng tâm...
Ở các trường khác, thời điểm này việc ôn tập cũng đã bắt đầu được triển khai dẫu không phải nơi nào cũng thuận lợi. Tại Trường THCS Quỳnh Lập - thị xã Hoàng Mai, thầy Ngô Văn Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong ba môn của bài thi tổ hợp, khá lo lắng về môn Lịch sử vì các em ngại học vì kiến thức rộng và nhiều số liệu.

“Riêng môn Hóa chúng tôi yên tâm vì có đội ngũ giáo viên khá vững và có kinh nghiệm. Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay đó là ôn tập vì đang còn phải họp phụ huynh rồi mới thỏa thuận. Nếu phụ huynh không thông qua thì khó triển khai và điều đó thực sự thiệt thòi cho học sinh”

 Thầy Ngô Văn Bình - Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Lập - thị xã Hoàng Mai

Học sinh Trường THCS Quỳnh (Quỳnh Lưu).
Học sinh Trường THCS Quỳnh (Quỳnh Lưu). Ảnh: Mỹ Hà
Còn ở Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn), tuy là năm thứ 2 tỉnh tổ chức thi bài thi tổ hợp nhưng lại là năm đầu tiên nhà trường thực hiện. Năm ngoái học sinh của trường không phải tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vì Trường THPT Kim Liên không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Chính vì lẽ đó, thời điểm này, toàn trường đang phải đốc thúc xây dựng chương trình ôn tập, thành lập ngân hàng đề thi... Nhà trường cũng đang rà soát lại học sinh, phân loại để có kế hoạch bồi dưỡng. Trong đó, nếu học sinh nào khá thì sẽ tập trung để các em học nâng cao; những em yếu hơn thì sẽ phụ đạo để bổ sung các kiến thức cơ bản.
Nhà trường cũng xác định, năm nay áp lực thi tuyển vào lớp 10 sẽ cao hơn vì học sinh trong vùng sẽ tập trung nạp hồ sơ vào Trường THPT Kim Liên với hi vọng “không phải thi như năm học trước”. Và, điều đó cũng đồng nghĩa tỷ lệ chọi sẽ cao hơn và sẽ có nhiều học sinh không có cơ hội trúng tuyển.

Hiện Sở đang khẩn trương xây dựng đề tham khảo để định hướng ôn tập cho học sinh. Trước đó, vào đầu năm học sở cũng chỉ đạo các nhà trường cần kết hợp tổ chức dạy học và ôn tập kiến thức ngay từ học kì I, tránh tình trạng học ôn “chạy nước rút”, gây quá tải và căng thẳng cho học sinh.

ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo 

Tin mới