Học sinh THCS vùng cao Nghệ An giành giải cộng đồng cuộc thi 'Kiến tạo tương lai'

(Baonghean.vn) -“Thiết bị truyền dịch thông minh” của 3 học sinh bậc THCS huyện Tương Dương lọt vào top 10 sản phẩm xuất sắc nhất bảng A cuộc thi “Kiến tạo tương lai” do Sam Sung tổ chức và giành Giải Cộng đồng chung cuộc.

Sáng 9/1, vòng chung kết cuộc thi “Solve for Tomorrow” (Kiến tạo tương lai) đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Đây là cuộc thi do Sam Sung tổ chức từ năm 2012 trên toàn thế giới dành cho các em học sinh bậc THCS và THPT, nhằm khuyến khích các em chủ động nghiên cứu và ứng dụng giáo dục Stem để giải quyết những vấn đề của địa phương và xã hội. Tại Việt Nam, cuộc thi bắt đầu được tổ chức từ năm 2019.

Nhóm học sinh lên ý tưởng thực hiện sản phẩm. Ảnh: NVCC

Nhóm học sinh lên ý tưởng thực hiện sản phẩm. Ảnh: NVCC

Cuộc thi năm nay diễn ra từ tháng 4/2021 với 1.200 sản phẩm tham gia của các em học sinh ở khắp mọi miền của cả nước. Qua 2 vòng thi: Sơ khảo và Phát triển sản phẩm, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra được 10 sản phẩm xuất sắc nhất bảng A (bậc THCS), 10 sản phẩm xuất sắc nhất bảng B (bậc THPT) để bước vào vòng Chung khảo.

Tạo mã QR trên máy. Ảnh: ĐT

Tạo mã QR trên máy. Ảnh: ĐT

Với sản phẩm tham gia cuộc thi có tên “Thiết bị truyền dịch thông minh”, 3 em: Trần Lâm Dũng, Vi Thái Di, Mạc Phương Linh, học sinh trường PTDTNT THCS Tương Dương đã xuất sắc lọt vào vòng chung khảo và giành Giải Cộng đồng chung cuộc.

Em Trần Lâm Dũng, nhóm trưởng cho hay: Mỗi lần đi thăm người thân ở bệnh viện huyện Tương Dương, em thấy ở đây số lượng bệnh nhân rất đông, trong khi lực lượng y tế còn mỏng. Mặt khác, do dịch bệnh Covid-19, người nhà cũng rất khó để ở bên cạnh chăm sóc bệnh nhân. Do đó khi truyền dịch đã hết và khi có trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân phải tự gọi nhân viên y tế, rất bị động. Ngoài ra, việc không kịp thời ngắt khi dịch truyền hết có thể dẫn đến máu chảy ngược gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.

“Về nhà em suy nghĩ mãi, nếu có thể chế tạo ra một thiết bị y tế nhằm hỗ trợ cho bệnh nhân trong quá trình điều trị và giúp bệnh nhân gọi được bác sĩ trong trường hợp khẩn cấp; giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi lượng dịch đã truyền, đồng thời góp phần giảm tải được áp lực công việc cho các bác sĩ thì tốt biết mấy. Vậy là em cùng các bạn lên mạng tìm tòi và đem ý tưởng này trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Kiều. Cô giáo rất ngạc nhiên và cùng bắt tay vào giúp đỡ chúng em” – Trần Lâm Dũng kể lại.

Các em vẽ sơ đồ thiết kế sản phẩm. Ảnh: NVCC

Các em vẽ sơ đồ thiết kế sản phẩm. Ảnh: NVCC

Sau khi cùng các bạn phác thảo ra ý tưởng, lên kế hoạch thực hiện, nhóm của Trần Lâm Dũng cũng gặp không ít khó khăn. “Thiếu linh kiện điện tử, thiếu kinh phí nên để hoàn thiện sản phẩm, chúng em phải làm trong gần 2 năm mới hoàn thành. Vất vả nhất là những lúc lắp đặt thiết bị vào rồi lại gặp trục trặc như cảm biến kém, đường truyền không kết nối được… khiến các thành viên cảm thấy nản lòng. Thế nhưng được sự hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo Nguyễn Thị Kiều nên chúng em cũng trở nên bình tĩnh để từng bước tìm ra nguyên nhân khắc phục” – Vi Thái Di, cậu học sinh người dân tộc Thái cho hay.

Cô Nguyễn Thị Kiều, giáo viên trường PTDTNT THCS Tương Dương chia sẻ: “Khi được các em trao đổi về ý tưởng này, thực tình tôi cũng rất ngạc nhiên bởi một phần sợ rằng sẽ vượt quá năng lực của các em, một phần cũng cảm thấy kích thích do nó thiết thực và phù hợp với thực tế. Qua những lần thất bại, tôi đã động viên và hướng dẫn tỉ mỉ để các em hoàn thành sản phẩm. Các em là những học sinh vùng cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng qua cuộc thi tôi rất khâm phục những ý tưởng táo bạo và khả năng của các em”.

Cô Nguyễn Thị Kiều cũng cho biết thêm, sản phẩm “Thiết bị truyền dịch thông minh” hoàn thành sẽ góp phần cảnh báo cho bệnh nhân và bác sĩ khi hết dịch truyền y tế; bởi cơ chế hoạt động của thiết bị này tự động đóng bình dịch khi hết dịch, giúp bệnh nhân gọi được bác sĩ trong trường hợp khẩn cấp, giúp bác sĩ theo dõi được lượng dịch đã truyền qua app điện thoại. Sản phẩm rất thông minh khi dùng cảm biến đếm giọt kết hợp với modun thu phát vật cản hồng ngoại để nhận biết khi truyền dịch. Dùng động cơ sevro để điều khiển cơ cấu đóng/mở bình dịch, tạo mã QR để quản lý  thông tin giường bệnh, cài đặt phần mềm để thông báo, hiển thị thông tin trên smartphone của bác sĩ. Thế nên rất khả thi khi vận hành.

Ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: “Đây là lần đầu tiên học sinh huyện Tương Dương tham dự một cuộc thi lớn và đạt kết quả tốt như vậy. Tuy là học sinh vùng cao, điều kiện kinh tế còn thiếu thốn nhưng sự nỗ lực cố gắng của các em thực sự là tấm gương để các học sinh khác noi theo".

Tin mới