Học tập tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Baonghean.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ và sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Người cùng Đảng ta xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà văn hoá kiệt suất của dân tộc Việt Nam và của nhân loại đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ tư tưởng có giá trị về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta.

Đoàn kết! Đoàn kết! Đại đoàn kết! Thành công! Thành công! Đại thành công!
Đoàn kết! Đoàn kết! Đại đoàn kết! Thành công! Thành công! Đại thành công!

Là một người am hiểu sâu sắc lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc mình, Hồ Chí Minh nhận thức được thời phong kiến chỉ có những cuộc đấu tranh thay đổi triều đại mới làm thay đổi vận mệnh đất nước và từ chính những cuộc đấu tranh ấy, lịch sử đã ghi lại những tấm gương tâm huyết của ông cha ta với tư tưởng “Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”. 

Bác nhận định: Đoàn kết không phải là thủ đoạn chính trị nhất thời mà là tư  tưởng cơ bản, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng  Việt Nam. Đoàn kết phải luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng. Qua thắng lợi của Cách mạng tháng 8, Bác đã chỉ ra: “Vì sao có cuộc thắng lợi đó? Một phần là vì tình hình quốc tế có lợi cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết…Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai thắng được lực lượng đó”.

Vì vậy, Bác nhấn mạnh “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Bởi vì đại đoàn kết toàn dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, người tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Bác luôn được xây dựng, hoàn thiện và tuân theo những nguyên tắc nhất quán là: Đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người;  Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân; Đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đại đoàn kết rộng rãi, lâu dài, bền vững; Đại đoàn kết chân thành, thân ái, thẳng thắn  trên tinh thần phê bình, tự phê bình vì sự thống nhất bền vững; Đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

Hơn 30  năm đổi mới, với nhiều chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước hợp với lòng dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng hơn là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị của đất nước. Các hình thức tập hợp nhân dân có bước đa dạng hơn và có bước phát triển mới, dân chủ xã hội được phát huy.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc.
Bác Hồ với đồng bào các dân tộc.

Trong điều kiện nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay thì việc quan trọng là phải khơi dậy và phát huy tối đa nội lực, nâng cao ý chí tự cường dân tộc, trong chính sách đoàn kết phải chú ý phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi người, mỗi bộ phận  để mọi việc từ lãnh đạo, quản lý đến sản xuất, kinh doanh, học tập và lao động đều có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

Đồng thời, phải khắc phục những tiêu cực của kinh tế thị trường, đặc biệt là tâm lý chạy theo đồng tiền, cạnh tranh không lành mạnh làm phai nhạt truyền thống đoàn kết, tình nghĩa tương thân, tương ái của dân tộc, giải quyết đói nghèo, thu hẹp khoảng cách, ranh giới giữa đồng bằng và miền núi, giữa nông thôn và thành thị, củng cố khối đại đoàn kết 54 dân tộc, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, các tập quán tốt đẹp của dân tộc, kiên quyết loại trừ những âm mưu lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để gây rối.

Đoàn kết là một đặc điểm nổi trội của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước
Đoàn kết là một đặc điểm nổi trội của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua Đảng ta đã không ngừng xây dựng củng cố tình đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân. Từ khi bước sang giai đoạn đổi mới đất nước Đảng ta đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn giá trị tư tưởng đại đoàn kết toàn dân. Điều đó được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, chính sách đổi mới trên cơ sở thống nhất về chính trị tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân, giải quyết hợp lý lợi ích kinh tế giữa các thành phần kinh tế xã hội, huy động được sức lực trí tuệ toàn dân để xây dựng đất nước.

Về giá trị lý luận cũng như thực tiễn, đại đoàn kết toàn dân là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi người dân Việt Nam phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện một cách triệt để trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới