Hội chứng yêu kẻ bắt cóc của nhóm phụ nữ ở Nigeria

Sau khi được cứu thoát, nhiều nạn nhân của phiến quân Nigeria Boko Haram đã tìm cách quay trở lại chung sống với chính kẻ từng bắt cóc mình. 

Vào tháng 5 vừa qua, phiến quân Hồi giáo ở Nigeria Boko Haram đã thả 82 nữ sinh trong nhóm hơn 200 người chúng bắt cóc từ Chibok năm 2014. Trong số những nữ sinh được thả tự do, một vài em từ chối trở về nhà, theo BBC.

Nhiều người cảm thấy khó tin khi xem video về những phụ nữ bị phiến quân Boko Haram bắt cóc nói rằng họ hạnh phúc với cuộc sống mới trong rừng Sambisa, căn cứ của phiến quân ở miền đông bắc Nigeria. 

"Hẳn là do hội chứng Stockholm", một vài người dùng mạng bình luận. Hội chứng Stockholm là một trạng thái tâm lý của nạn nhân bị bắt cóc, con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, thậm chí bảo vệ kẻ bắt cóc mình.

"Chuyện cổ tích"

nan-nhan-bi-phien-quan-nigeria-bat-coc-tu-choi-cuoc-song-tu-do

Aisha Yerima và con trai hai tuổi, kết quả của cuộc hôn nhân giữa cô và một tay súng Boko Haram. Ảnh: BBC.

Hơn 4 năm trước, Aisha Yerima, nay đã 25 tuổi, bị phiến quân Boko Haram bắt cóc. Sau đó, cô kết hôn với một tay chỉ huy của đám phiến quân. Theo Yerima, tay này hết mực yêu thương cô, ngoài những món quà đắt tiền, hắn còn lãng mạn hát cho cô nghe những bản tình ca Arab trữ tình. 

Yerima như chìm đắm trong một câu chuyện cổ tích. Thế nhưng tất cả kết thúc khi quân đội Nigeria tấn công căn cứ của Boko Haram trong rừng Sambisa vào năm 2016. 

Sau khi được giải thoát, Yerima mất 8 tháng ròng rã tham gia chương trình trị liệu tâm lý do chính phủ Nigeria tài trợ.

"Giờ tôi mới hiểu tất cả những gì phiến quân Boko Haram nói với tôi đều là những lời dối trá", cô nói sau khi kết thúc đợt trị liệu.

Thế nhưng, chưa đầy 5 tháng kể từ sau khi về với gia đình ở thành phố miền đông bắc Maiduguri, Yerima đã tìm cách quay trở lại căn cứ của Boko Haram ở trong rừng. 

"Phụ nữ bị bắt cóc, được đưa tới những trại lính khác nhau, sẽ được đối xử khác nhau tùy theo người chỉ huy của trại đó. Những phụ nữ được đối xử tốt hơn sẽ sẵn lòng cưới một tay súng Boko Haram hoặc tình nguyện gia nhập nhóm phiến quân này", theo bác sĩ Akilu, người có 5 năm kinh nghiệm điều trị nhiều trường hợp có liên quan đến nhóm phiến quân Hồi giáo này, bao gồm vợ và con của những tay súng cùng với hàng trăm phụ nữ từng bị nhóm này bắt cóc.

Yerima cho biết khi ở trong rừng Sambisa, với tư cách là vợ của chỉ huy, cô có người hầu kẻ hạ, được mọi người nể trọng, thậm chí, cô còn theo chồng ra chiến trường.

"Những người phụ nữ này (trước khi bị Boko Haram bắt cóc) đa số đều không có công ăn việc làm, không có tiếng nói, không có sức ảnh hưởng với cộng đồng nơi họ sinh sống. Và đột nhiên, họ được trao toàn quyền quản lý và sai bảo từ 30 đến 100 phụ nữ khác", bác sĩ Akilu giải thích vì sao nhiều nạn nhân như Yerima muốn sống giữa phiến quân Hồi giáo hơn là quay trở về sống với gia đình như trước kia.

"Khi quay trở lại với xã hội, hầu hết những người phụ nữ này (không cảm thấy hạnh phúc) vì thiếu vắng cảm giác được nắm trong tay thứ quyền lực như thế". 

Sang chấn tâm lý

nan-nhan-bi-phien-quan-nigeria-bat-coc-tu-choi-cuoc-song-tu-do-1

Nạn nhân, bị phiến quân Hồi giáo Boko Haram bắt cóc, trong niềm vui đoàn tụ với gia đình và người thân tại thủ đô của Nigeria hồi tháng 5. Ảnh: AFP

"Bị tẩy não chỉ là một mặt của vấn đề. Tái hòa nhập với xã hội là mặt khác. Nhiều nạn nhân không có kế sinh nhai khi quay trở lại với gia đình", bác sĩ Akilu giải thích rằng phụ nữ bị Boko Haram bắt cóc sau khi được trả tự do phải chịu đựng sự kỳ thị và phân biệt đối xử của những người xung quanh.

"Các chương trình hỗ trợ tâm lý (do chính phủ tài trợ) chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Khi kết thúc chương trình, họ dường như đã ổn định nhưng thực tế sau khi trở về với gia đình, họ phải chật vật đấu tranh. Chính điều đó đã dẫn lối họ quay trở lại với (Boko Haram)".

Gia đình Yerima vẫn chưa hết choáng váng kể từ sau khi biết tin con gái họ bỏ nhà ra đi dù trước đó, theo bà Ashe, mẹ của Yerima, đã có ít nhất 7 phụ nữ là vợ của các tay súng Boko Haram, tất cả đều là bạn của con gái bà, đã hành động tương tự như Yerima.

"Cứ mỗi lần có một đứa biến mất, gia đình nó lại đến hỏi con gái tôi xem liệu Yerima có nghe ngóng được tin tức gì về con họ không?", bà Ashe cho biết một vài phụ nữ đã liên lạc với con gái bà sau khi quay trở lại với phiến quân và chính cô con gái Bintu đã nghe thấy ít nhất hai cuộc điện thoại giữa Yerima và họ.

"Họ thuyết phục chị gái cháu đi cùng họ nhưng chị cháu không đồng ý," Bintu nói, "Chị ấy nói rằng không muốn quay trở lại chốn đó". 

Không giống như nhiều nạn nhân khác, Aisha Yerima dường như lấy lại cân bằng rất nhanh. Cô đã bắt đầu ra ngoài kiếm tiền bằng việc mua bán vải vóc và năng tham gia các hoạt động ở địa phương, thậm chí còn thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội và giao lưu kết bạn với mọi người. 

"Có ít nhất 5 người đã ngỏ ý muốn kết hôn với nó," bà Ashe nói.

Mọi việc đang diễn ra thuận lợi thì bỗng nhiên vào một ngày Yerima nhận được cuộc điện thoại từ một người phụ nữ thông báo rằng chồng cũ của cô đang sống chung với một người đàn bà khác ở trong rừng Sambisa. Sau cuộc điện thoại, Yerima trở nên trầm tính và ít nói.

"Chị ấy đột nhiên không ra ngoài nữa, cũng không chuyện trò giao tiếp và thậm chí bỏ bữa, " em gái Bintu nhớ lại, "Trông chị ấy rất buồn".

Hai tuần sau đó, Yerima bỏ nhà ra đi. Cô tắt máy di động và mang theo đứa con trai hai tuổi mà cô có với tay súng Boko Haram nhưng bỏ lại con trai lớn từ cuộc hôn nhân trước đó. 

"Những người phụ nữ đó muốn thấy chồng, cha, con của họ được đoàn tụ với nhau", bác sĩ Akilu lý giải hành động của Yerima. 

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới