Hội nghị Biden-Tập Cận Bình và thông điệp Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc

(Baonghean.vn) - Một số nguồn thạo tin cho hay các quan chức Nhà Trắng đang nỗ lực chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Những cuộc tiếp xúc ngoại giao "nảy lửa" giữa giới chức Mỹ và giới chức Trung Quốc thời kỳ đầu chính quyền Joe Biden đã khiến các đồng minh của Mỹ hết sức lo lắng. Giới chức Mỹ tin rằng can dự trực tiếp với Tập Cận Bình, vốn đã củng cố quyền lực ở Bắc Kinh đến mức độ chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông, là cách tốt nhất để ngăn chặn mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lao vào vòng xoáy xung đột. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Theo 2 nguồn tin, do các quy định hạn chế nhằm phòng chống đại dịch COVID-19 nội địa của Trung Quốc và thái độ miễn cưỡng ông Tập Cận Bình đối với hoạt động công du nước ngoài, Mỹ đang hướng tới mục tiêu tổ chức hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 11 tới. Mặc dù vậy, các kế hoạch vẫn đang ở trong tiến trình thảo luận. 

Chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Biden - Tập có thể sẽ được ấn định sau quá trình tham vấn với các đồng minh của Washington, mà trước hết là những cuộc tham vấn bên lề trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome và sau đó là Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh). 

Dự kiến, ông Biden sẽ tham dự cả hai sự kiện này. Trong khi đó, Tập Cận Bình - người vốn chưa công du nước ngoài kể từ khi đại dịch bùng phát ở giai đoạn đầu có thể cũng sẽ không tham dự những diễn đàn này. Trong khi những may rủi đối với cuộc gặp Biden-Tập vẫn khó lường, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh lâu nay vẫn căng thẳng do những tranh cãi liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, vấn đề nhân quyền và kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

Vì vậy, cho đến thời điểm này, đội ngũ của Biden vốn đang đôn đáo tiến hành các công tác chuẩn bị không đặt nhiều kỳ vọng rằng cuộc gặp trực tuyến này sẽ đem lại những kết quả cụ thể. Đội ngũ này cũng từ chối tiết lộ những vấn đề có thể được đưa ra bàn thảo tại cuộc gặp. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ chỉ nói chung chung: "Chúng tôi vẫn đang lên kế hoạch cho những nội dung cụ thể của hội nghị song phương theo hình thức trực tuyến và chưa có bất cứ nội dung nào để xem trước vào thời điểm hiện tại”.

Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho rằng bản thân cuộc họp này sẽ là một kết quả quan trọng với hy vọng có thể đem lại sự ổn định đối với vấn đề mà Washington khẳng định sẽ là cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài. Tại một cuộc gặp hồi tháng 9 ở Thụy Sỹ, giới chức hai bên đã nhất trí sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến trước cuối năm 2021 với sự trao đổi và liên lạc ở cấp lãnh đạo quốc gia nhằm cài đặt lại mối quan hệ song phương theo hướng "mang tính xây dựng" hơn. Vào thời điểm đó, một quan chức cấp cao chính quyền Biden nhận định: "Việc lãnh đạo hai nước đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực quản lý mối quan hệ song phương có ý nghĩa rất quan trọng". 

Bà Susan Thornton, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực châu Á và hiện làm việc tại Viện Brookings, nhận định cuộc gặp tới đây có thể giúp khỏa lấp những khoảng trống về giao thiệp giữa cấp lãnh đạo đồng thời giảm thiểu nguy cơ xung đột trong quan hệ song phương vốn vẫn đang trong "vòng xoáy khủng hoảng". Nữ chuyên gia nhấn mạnh: "Mặc dù cuộc gặp trực tuyến đó không hẳn là một kết quả song lại có tác dụng ngăn chặn mọi khía cạnh của mối quan hệ tiến triển theo chiều hướng tồi tệ hơn".

Trong cuộc chiến thương mại do chính quyền tiền nhiệm Donald Trump phát động, giới chức Trung Quốc đã tìm cách đặt Bắc Kinh ở vị thế "chiếu trên" khi cho rằng giới chức Mỹ chính là bên cần Trung Quốc hơn khi họ tìm kiếm những cơ hội để đối thoại với Trung Quốc. Giờ đây, việc giới chức Biden đang nỗ lực chứng minh rằng Mỹ là một cường quốc có trách nhiệm đã lật lại giọng điệu nói trên của Bắc Kinh. Họ cũng thông báo với cánh báo chí sau cuộc điện đàm hôm 9/9 giữa Biden và Tập rằng cuộc gọi này là do chính ông chủ Nhà Trắng đề xướng. 

Khi từ bỏ chính sách "đơn thương độc mã" của Trump đối với những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Biden đã đặt cược chiến lược của mình vào nỗ lực huy động các đồng minh và đối tác ở châu Âu và châu Á nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng và sức ép đối với Bắc Kinh. Ông David O'Sullivan, cựu đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Washington nói rằng những đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã "rất quan ngại" về nguy cơ quan hệ Mỹ-Trung có thể bị cuốn vào cuộc xung đột nếu hai bên không thể quản lý mối quan hệ một cách phù hợp. Bằng chứng của việc quản lý yếu kém mối quan hệ Mỹ-Trung đã bộc lộ rõ tại cuộc gặp "nảy lửa" giữa các giới chức ngoại giao cấp cao của hai bên tại Alaska hồi tháng 3. Ông nói: "Đây chính là những thông điệp mà người ta muốn gửi đến chính quyền Biden. Tôi cho rằng chính quyền Biden hiểu rõ điều này và đây có thể là một trong những lý do giải thích vì sao Washington đang với tới Trung Quốc". 

Nhiều ngày sau cuộc gặp tại Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận thấy sự cần thiết phải nhấn mạnh thông điệp đối với Brussels rằng Washington sẽ không ép buộc bất kỳ đồng minh NATO nào phải chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc. Một nhà ngoại giao châu Á tiết lộ "mọi nước trên thế giới đều có chút quan ngại vè việc liệu quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiến triển như thế nào sau cuộc gặp Alaska. 

Việc Mỹ dịu giọng cũng là động thái có ý nghĩa đối với Tập Cận Bình trong bối cảnh nhà lãnh đạo này muốn "thuận buồm xuôi gió" trong những sự kiện chính trị trọng đại diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2022, bao gồm Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, một sự kiện chính trị sẽ đưa ông Tập tiếp tục nắm giữ vai trò Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ. Nhà ngoại giao châu Á chia sẻ với Reuters: "Việc không gây gián đoạn một trong những sự kiện trọng đại nói trên đòi hỏi mối quan hệ được quản lý giữa Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, bạn cần giảm thiểu tối đa nguy cơ xung đột quan hệ trong vòng 12 tháng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tập Cận Bình về mặt chính trị trong nước". 

Washington hiện vẫn đang suy xét liệu có cử vận động viên của mình tham gia thế vận hội nói trên hay không sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc phạm tội ác "diệt chủng" đối với người thiểu số Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương. Giới chức chính quyền Biden cho đến nay vẫn chần chừ trước lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền và giới nghị sỹ Mỹ tiến hành tẩy chay đối với sự kiện thể thao này. Với không ít bất đồng, giới chức Mỹ khẳng định rằng việc làm "tan băng" quan hệ là một sai lầm.

Gần đây, chính quyền Biden đã bày tỏ quan ngại về bằng chứng cho thấy Trung Quốc lâu nay vẫn đang củng cố năng lực hạt nhân của họ, đặc biệt là tên lửa siêu thanh. Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh gia tăng những hoạt động quân sự nhằm uy hiếp hòn đảo dân chủ Đài Loan. Hôm 20/10, ông Nicholas Burns, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, người được Biden đề cử làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đã gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất" của Washington đồng thời cho rằng Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình. Ông Burns khẳng định: "Tổng thống Biden đã nỗ lực nhấn mạnh sự cần thiết Mỹ phải liên kết rất chặt chẽ với các đồng minh hiệp ước và đối tác quốc phòng"./. 

Tin mới