Hội nghị G20: Hẹn hò chớp nhoáng!?

(Baonghean) - “Một buổi hẹn hò chớp nhoáng” là cách mà tờ DW của Đức miêu tả Hội nghị G20 của nhóm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Tại đó, trong số những gương mặt bộ trưởng ngoại giao tới Bonn dự họp, có một người được săn đón hơn hết thảy.

Sergei Lavrov (trái) và Rex Tillerson bắt tay tại Hội nghị G20. Ảnh: DFA
Sergei Lavrov (trái) và Rex Tillerson bắt tay tại Hội nghị G20. Ảnh: DFA

Cuộc hẹn kiểu doanh nhân

Những cái tên như Rex Tillerson, Boris Johnson hay Sergey Lavrov tới Bonn, Đức không phải để tìm một người bạn đời hoàn hảo. Thế nhưng, lịch trình của họ lại hệt như một sự kiện hẹn hò chớp nhoáng. Các phụ tá chạy đôn đáo lên xuống cầu thang, dẫn các đại biểu hết vào lại ra khỏi các phòng hội nghị là cảnh tượng nhiều người bắt gặp tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thành phố từng là thủ đô nước Đức trong 2 ngày 16 và 17/2.

 “Đối tượng hẹn hò” ưa thích của mọi người chính là vị tân Ngoại trưởng Mỹ, cựu Giám đốc điều hành hãng ExxonMobil Rex Tillerson. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía chính khách xuất thân là doanh nhân vùng Texas này. Dường như các đại biểu đến từ các quốc gia khác nhau, từ Nam Phi tới Saudi Arabia, tất cả đều chung kỳ vọng rằng ông Tillerson sẽ bộc lộ rõ đường hướng chính sách đối ngoại của siêu cường số 1 thế giới dưới thời Tổng thống Trump, thỏa mãn sự tò mò bấy nay của rất nhiều người.

Trong số rất nhiều cuộc gặp Tillerson tham dự phía sau những cánh cửa khép chặt, có một cuộc hẹn được chú ý đặc biệt: màn “chạm mặt” của nhân vật đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ với người đồng cấp đến từ Nga Sergey Lavrov.

Giới truyền thông suy đoán từ những phát biểu của ông Lavrov và nhận định 2 chính khách trên từng gặp gỡ trước đó, nhưng chắc chắn đây là lần đầu tiên họ bắt tay nhau kể từ khi Tillerson nhậm chức. Thông tin có được cho thấy cuộc gặp đã đề cập đến các xung đột tại Syria, Ukraine và Afghanistan - ấy nhưng, chúng không hẳn là điều mà nhiều người ngóng đợi sau nhiều tuần thấp thỏm chưa rõ về mức độ chặt chẽ, thân thiết trong hợp tác giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin.

Trả lời cánh phóng viên sau khi kết thúc cuộc trao đổi với Lavrov, Tillerson tỏ ra thận trọng trong câu chữ, phảng phất phong thái của một doanh nhân khi khẳng định: “Phía Mỹ sẽ cân nhắc việc hợp tác với Nga khi chúng tôi có thể tìm thấy các khía cạnh hợp tác thiết thực mang lại lợi ích cho người dân Mỹ”.

Song song với nỗ lực thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp với Lavrov, Tillerson còn phải “chạy sô”, tìm cách xoa dịu những người đồng cấp đến từ “lục địa già” châu Âu. Đó là những nhân vật đang tỏ thái độ lo ngại về kịch bản chính quyền Trump xích lại quá gần với Moskva, tách dần khỏi các quan hệ với đối tác và đồng minh phương Tây vốn tồn tại suốt 70 năm qua. Tillerson đã gắng hết sức để hóa giải những mối ngờ vực ấy, tuyên bố rằng “nước Mỹ trước sau như một, kiên định với các cam kết quốc phòng cùng các đồng minh”.

Tuy nhiên, “khó vừa lòng người” vẫn là nhận xét của nhiều người bên trong hội trường trung tâm hội nghị về chính sách đối ngoại của xứ cờ hoa. Thậm chí, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault sau cuộc gặp với ông Tillerson đã thẳng thắn gọi lập trường của Mỹ về tiến trình hòa bình Trung Đông là “rối rắm và đáng lo ngại”.

Biểu tình ngoài trung tâm hội nghị nơi diễn ra các cuộc gặp của nhóm G20. Ảnh: Reuters
Biểu tình ngoài trung tâm hội nghị nơi diễn ra các cuộc gặp của nhóm G20. Ảnh: Reuters

Niềm tin là cốt lõi

Tờ DW của nước chủ nhà hội nghị lần này dẫn lời Giáo sư Clara Brandi làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển của Đức (DIE) đưa ra nhận định: “Chúng tôi phát hiện những khuynh hướng đáng quan ngại thiên về chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc trong thế giới đương đại.

Trong bối cảnh như vậy, điều đặc biệt cốt lõi là củng cố nền tảng lòng tin giữa các nhà lãnh đạo thế giới”. Nữ chuyên gia bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị G20 sẽ góp phần vào mục tiêu đó, song không giấu diếm sự hoài nghi rằng Sigmar Gabriel - vị Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã thành công “lái” trọng tâm của hội nghị cấp cao này sang các vấn đề khác, chẳng hạn như phát triển khu vực châu Phi hay biến đổi khí hậu.

Thật vậy, Gabriel đã nhấn mạnh với cương vị Chủ tịch G20, nước Đức thực sự xem đó là những vấn đề chính mà nhóm nước phải đem ra bàn thảo. Tại một buổi họp báo trước đây, vị chính khách này từng tuyên bố: “Bảo vệ khí hậu và các chính sách phát triển có thể đóng góp nhiều hơn cho vấn đề an ninh trên toàn thế giới so với những khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ”.

Bên ngoài trung tâm hội nghị, trong suốt 2 ngày diễn ra cuộc gặp của các bộ trưởng nhóm nước G20, vài nhóm biểu tình đã giương cao những tấm biểu ngữ bày tỏ quan điểm phản đối hội nghị lần này. Một trong những mối quan ngại chủ yếu của những người biểu tình liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông cùng sự dính líu của các nước G20, nhất là trong xung đột Syria, với quan điểm khá gay gắt: “Đó là cuộc chiến giữa các siêu cường - Nga, Mỹ, Đức và NATO - đem đổ lên đầu người dân Syria.

Vì thế chúng tôi yêu cầu G20 ngừng nhúng tay vào Syria”. Họ gán cho những chính sách của G20 tội danh “giết người”, chỉ trích kết cấu tổng thể của G20 là sai lầm, rằng G20 không đại diện cho thế giới, những vấn đề nghị sự đáng lẽ không nên được đưa ra bàn thảo giữa những chính phủ dính dáng đến chảo lửa Trung Đông. Và không khó để nhận thấy rằng, làn sóng phản đối Trump vẫn còn hiện diện rất mạnh mẽ ở Đức.

Trong bối cảnh người dân nước này đi bỏ phiếu vào ngày 24/9 tới, một số người cũng lên tiếng cảnh báo về xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân túy hữu khuynh và “những hiện tượng Donald Trump của châu Âu”. Họ lo sợ viễn cảnh đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) lần đầu đặt chân vào Hạ viện, và kêu gọi ngăn chặn chiến thắng của “một ông Trump thứ 2” tại Đức, không để cho AfD đạt được nguyện vọng. 

Tựu trung, sau 2 ngày hội nghị, thảo luận thêm cả về những vấn đề khác như mục tiêu tăng trưởng bền vững, hỗ trợ châu Phi, cách thức tối ưu nhận diện và ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai,… cuộc gặp của các bộ trưởng G20 tại Bonn là bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ nhóm nước này sẽ diễn ra tại Hamburg vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, một số khía cạnh chưa trọn vẹn và thỏa mãn mong đợi của những người quan tâm chắc chắn sẽ khiến các nhà tổ chức phải lưu tâm trong những lần tụ họp sắp tới của quan chức các nền kinh tế công nghiệp hóa hàng đầu lẫn mới nổi.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới