“Hội phụ huynh” được đề xuất loại khỏi luật Giáo dục sửa đổi

Việc có ban đại diện cha mẹ học sinh hay không là sự tự nguyện, không nên thuộc nhóm đối tượng quản lý của Bộ Giáo dục.
“Hội phụ huynh” được đề xuất loại khỏi luật Giáo dục sửa đổi ảnh 1

TS Thái Thị Tuyết Dung. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 16/1, góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi), TS Thái Thị Tuyết Dung (trưởng môn Luật Hành chính, Đại học Luật TP HCM) cho rằng, nên bỏ quy định về việc "ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh" tại khoản 2 Điều 102. Bởi các cơ sở giáo dục tư thục hiện nay không có ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn hoạt động bình thường. Có hay không ban đại diện là sự tự nguyện, không nên thuộc nhóm đối tượng quản lý của Bộ Giáo dục.

"Trong bối cảnh xã hội phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường rất thuận lợi, hội cha mẹ học sinh chỉ nên là tổ chức tự nguyện", bà Dung nói. Trong trường hợp bắt buộc phải có ban đại diện cha mẹ với cơ sở giáo dục thì cần xác định rõ, nếu không thành lập thì có bị xử lý gì hay không.

Bà Trịnh Anh Nguyên (hơn 10 năm làm trong hội phụ huynh) chia sẻ, ban đại diện có hay không là tùy thuộc trường công hay tư. Nên nếu thấy sự tích cực của ban sẽ góp sức xây dựng và ngược lại. "Tôi đồng ý là có nhiều điểm chưa tốt ở ban đại diện tại nhiều trường. Nếu ban không chuyên nghiệp, tôi không tham gia", bà Nguyên nói và góp ý ban đại diện cha mẹ học sinh cần được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, phát ngôn, ứng xử với phụ huynh.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) cho rằng, cần giữ quy định ban đại diện trong dự thảo luật, bỏ sẽ không thể ban hành các văn bản dưới luật quy định cụ thể điều lệ hoạt động của tổ chức này.

Trong thực tế, ông Khương đánh giá cao vai trò ban đại diện cha mẹ học sinh. Để ban này hoạt động hiệu quả, hướng tới các mục tiêu tích cực cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đại diện phụ huynh, nhà trường.

Khác quan điểm với bà Tuyết Dung, PGS Phan Nhật Thanh (Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TP HCM) nói không thể bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, bởi nếu xã hội hóa giáo dục mà không có ban thì ai sẽ làm. Điều cần thiết là làm rõ vai trò của họ hơn để hỗ trợ mục tiêu này.

"Không thể quy chụp tất cả các ban đại diện lợi dụng quyền hạn để lạm thu. Ban này có vai trò lớn phối hợp với trường, tìm ra những cách thức để học sinh có môi trường học tập tốt hơn", ông nói.

Việc giữ hay bỏ hội phụ huynh trong trường phổ thông được dư luận đặc biệt quan tâm hồi đầu năm học 2017-2018, khi một phụ huynh gửi đơn lên chính quyền TP HCM và cơ quan quản lý giáo dục đề nghị "giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh".

“Hội phụ huynh” được đề xuất loại khỏi luật Giáo dục sửa đổi ảnh 2

Ông Nguyễn Hùng Khương phát biểu góp ý. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về quy định tự chủ và quản lý nhà nước. PGS Nguyễn Văn Vân (Đại học Luật TP HCM) nêu quan điểm, trái khái niệm tự chủ ở bậc đại học là tài chính, nhân sự - tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ, ở bậc phổ thông cần có giới hạn.

Nói về khái niệm tự chủ trong giáo dục, các nước tiên tiến thường dùng từ "tự trị", xuất phát từ tư tưởng tự do học thuật. Trong khi đó, ở Việt Nam, tự chủ chỉ bó hẹp trong tài chính. "Chúng ta đang lấy tài chính làm trục chính để nói về tự chủ, có tiền là có quyền, rất là thực dụng", ông thẳng thắn.

Nếu ở bậc đại học, tự chủ tài chính là tự chủ tạo lập, sử dụng nguồn thu thì ở bậc phổ thông phải là sự tự chủ phân phối nguồn tài chính, không tạo lập. Trao quyền tạo lập nguồn thu cho trường - sẽ dễ xảy ra tình trạng lạm thu.

TS Phạm Thị Ly (Đại học Nguyễn Tất Thành) nhận xét, dự thảo Luật giáo dục hiện chứa đựng những điểm tích cực, tiến bộ, trong đó sự đa dạng, tôn trọng điều khác biệt, khuyến khích đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, chương trình phổ thông hiện nay nặng bởi các trường không có quyền thay đổi. Một mặt họ phải dạy đủ chương trình chung, mặt khác phải dạy các chương trình mà phụ huynh, xã hội cần.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng góp ý cần bổ sung quy định để khẳng định Bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác phải chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động và chất lượng giáo dục tại các cơ sở trực thuộc trong phạm vi được giao. Trên thực tế, các cơ sở giáo dục không thuộc Bộ Giáo dục thì bộ không kiểm soát được những nội dung như tổ chức, nhân sự, chất lượng giáo dục.

Một số đại biểu lại đề xuất cần thêm nội dung của UBND cấp tỉnh, huyện để cụ thể vai trò quản lý với các cơ sở giáo dục, phân cấp và chịu trách nhiệm cụ thể với đối tượng quản lý.

Tin mới