Hội phụ huynh 'lạm thu': Nhà trường bị 'năn nỉ' quá!

Khi các khoản “tự nguyện” qua Ban đại diện Cha mẹ học sinh bị phản ứng, hầu hết lãnh đạo các trường đều “phủi” trách nhiệm sang Hội Phụ huynh. Hài hước hơn, nhiều quản lý còn than họ rơi vào thế bị “ép” quá!

Ai cũng có thể đoán ra câu trả lời của lãnh đạo nhà trường khi có vụ việc liên quan đến “lạm thu” của Ban đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD CMHS). Quản lý trường học thường “phủi sạch” và cho rằng đó là việc của phụ huynh, họ tự đề xuất, tự kêu gọi và tự thực hiện các công trình trong trường học với mong muốn con em có điều kiện học tập tốt hơn.

Thậm chí có quản lý thẳng thừng nói, nhà trường không liên quan. Cho dù việc BĐD CMHS đứng ra thu và làm trong nhiều trường hợp có thể nói là can thiệp một cách thô bạo vào trường học. Đó có thể là đục đẽo, sơn sửa, lắp ráp… thay đổi cấu trúc của lớp học, trường học.

Dự thảo kêu gọi phụ huynh đóng đến 46 khoản thu với tổng 332 triệu của BĐD CMHS một trường tiểu học ở TPHCM làm nhiều người choáng váng
Dự thảo kêu gọi phụ huynh đóng đến 46 khoản thu với tổng 332 triệu của BĐD CMHS một trường tiểu học ở TPHCM làm nhiều người choáng váng.

Hài hước không kém, có nhiều hiệu trưởng còn than, họ từ chối không nổi, phụ huynh nhiệt tình quá. Như thể nhà trường cũng rơi vào thế “bị ép” phải nhận.

Đầu năm học này, BĐD CMHS của một lớp 1 tại Trường tiểu học Lê Văn Sĩ, Q. Tân Bình, TPHCM thực hiện công trình “thay áo mới” cho lớp học với rất nhiều hạng mục như sơn lại lớp học, thay mới bàn ghế, lắp máy lạnh, mua tivi rồi lót lại sàn nhà... với kinh phí hơn cả trăm triệu đồng.

Nhiều phụ huynh không khỏi bức xúc, cấu trúc lớp học thông thường bị thay đổi hoàn toàn. Nhưng hiệu trưởng nhà trường “hồn nhiên” trả lời đây không phải là đề xuất của nhà trường mà do BĐD CMHS tự đề xuất. Nhiều hạng mục nhà trường không đồng ý như lót sàn, thay bàn ghế mới... nhưng rồi phụ huynh năn nỉ quá, trường không từ chối được.

Nhà trường không liên quan, đó là việc của BĐD CMHS là câu trả lời hết sức hài hước và lố bịch. Ở chỗ, hầu như mọi công trình thực hiện của BĐD CMHS thay vì thật sự vì học sinh thì lại bám sâu, bám sát vào mọi hoạt động, hội hè của trường.

Không liên quan nhưng các công trình của phụ huynh toàn “đánh” đúng chỗ hiểm trong nhà trường mà chỉ người trong chăn mới biết “rận” ở chỗ nào.

Không liên quan đến nhà trường nhưng một nỗi lo có thật bao trùm phụ huynh, nếu không đóng góp thì con dễ bị “phân biệt” bởi giáo viên và nhà trường.

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, nhà trường cũng như một ngôi nhà, hiệu trưởng có trách nhiệm lớn nhất ở đó. Như nhà của ông, nếu ông không đề xuất, không đồng ý ai có thể đưa sơn, đưa đẽo đến đục, sửa?

Nói về sự “vô can” của trường trong việc “lạm thu” của BĐD CMHS, cô Hoàng Lan, một giáo viên ở TPHCM thẳng thắn, BĐD phụ huynh vẫn nên có nhưng không nên liên quan đến tài chính, thu chi gì hết. Nhất là những thu chi đến việc “sửa sang” trong nhà trường.

Theo cô Lan, BĐD tập trung lo tài chính như hiện nay là do nhà trường và giáo viên. BĐD làm sao biết nhà trường có cái toa lét muốn sửa, sao biết nhà trường có căn phòng này thiếu máy chiếu, phòng kia thiếu cái này cái nọ.... Họ không biết nhưng được “mớm”!

Hơn nữa, nếu nhà trường và giáo viên từ chối nhận bất cứ tiền từ BĐD thì ai “ép” được họ? Cô Lan cũng cho rằng, nếu cơ sở vật chất nhà trường không đảm bảo yêu cầu cho an toàn hay giảng dạy, hiệu trưởng có trách nhiệm đề xuất lên lãnh đạo. Đó là nhiệm vụ của họ chứ không thể đổ lên đầu học sinh.

Phụ huynh chờ đóng học phí cho con. Ảnh minh họa.
Phụ huynh chờ đóng học phí cho con. Ảnh minh họa.

Trong điều kiện như hiện nay, việc đóng góp của phụ huynh, xã hội đối với nhà trường là cần thiết. Vậy nhưng, với những công trình trong trường học, thay vì dùng “tấm bình phong” BĐD CMHS, nhà trường nên rõ ràng thể hiện trách nhiệm của mình.

Như ý kiến ông bố Võ Quốc Bình - người vừa gửi kiến nghị giải tán BĐD CMHS lên Chính phủ - nếu nhà trường trực tiếp đứng ra vận động, có văn bản rõ ràng anh sẽ cân nhắc đóng góp theo khả năng. Nhưng thông qua BĐD CMHS đóng để “xây dựng” trong trường học thì anh từ chối thẳng thừng. Âu đây cũng là suy nghĩ của không ít phụ huynh.

Một vị lãnh đạo công tác ở Sở GD-ĐT TPHCM, ngân sách cấp bao nhiêu, nhà trường công khai mình bạch. Còn những thứ ngân sách không đủ, không kham được hết, lãnh đạo trường có thể đề xuất phụ huynh. Phụ huynh đóng góp được bao nhiêu thì đầu tư trong mức đó rồi công khai thu chi rõ ràng...

Việc BĐD CMHS đúng ra kêu gọi thu chi, lạm thu trong trường học rất phản cảm, vừa làm khổ phụ huynh vừa gây nhếch nhác môi trường học đường.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN

Tin mới