Hồi sinh vùng chiến địa

(Baonghean) - Bản Kẻ May, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) từng phải hứng chịu những loạt bom hủy diệt dội xuống từ máy bay Mỹ, đặc biệt là trận bom giữa tháng 10/1968 đã thiêu rụi hơn 20 ngôi nhà, khiến hơn 10 người chết. Gần nửa thế kỷ đã qua, vùng chiến địa ác liệt nay đang thay da đổi thịt từng ngày, cuộc sống mới đang hồi sinh với những mô hình hay, những cách làm hiệu quả, với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân nơi đây.

Trên đất nước Việt Nam, gần như làng quê nào cũng có dấu tích của chiến tranh, nếu không là những nấm mộ trong nghĩa trang hay nằm dọc sườn đồi thì những hố bom trong vườn nhà hoặc bãi bồi, mé sông. Bản Kẻ May cũng vậy, chiến tranh đã lùi xa, tiếng bom rền, đạn nổ đã dứt nhưng ẩn trong bãi mía, nương ngô vẫn còn dày đặc những hố bom gợi nhớ một thời đau thương và khốc liệt. Về đây vào một ngày cuối năm, khi những cơn gió mang theo cái lạnh tê buốt, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện đau thương đã diễn ra hơn 49 năm, khi giặc Mỹ ồ ạt trút bom xuống bầu trời miền Bắc.

Một góc thôn Kẻ May, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) hôm nay. Ảnh: Công Kiên
Một góc thôn Kẻ May, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) hôm nay. Ảnh: Công Kiên

Mỗi lần nói đến hai chữ “chiến tranh”, người dân Kẻ May từ già đến trẻ đều không quên nhắc đến trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ trút xuống bản vào năm 1968. Khoảng 10 giờ sáng một ngày giữa tháng 10/1968, tốp máy bay gồm hàng chục chiếc B-52 của Mỹ ập đến từ phía biên giới Việt - Lào rải loạt 36 quả bom xuống bản làm cháy 22 căn nhà, 11 người bị chết (gồm 10 người thuộc 3 gia đình trong bản và 1 công nhân làm đường). Bom Mỹ đã khiến gia đình bà Lương Thị Thịnh mất 7 người, gia đình bà Lương Thị Bình mất 2 người con và ông Hà Văn Ích mất 1 con trai. Sau trận bom hủy diệt ấy, toàn bộ dân bản phải sơ tán vào rừng...

Ông Lương Văn Mỹ (80 tuổi) - anh trai của bà Lương Thị Thịnh, là một trong những nhân chứng của trận bom hủy diệt năm ấy kể lại: “Hôm đó, khoảng 10 giờ, tôi cùng đội dân quân của bản đang diễn tập trong rừng thì nghe tiếng máy bay ào ào xông đến, rồi một loạt tiếng nổ vang lên, mặt đất rung chuyển. Cả bản bị lấp trong những đám khói đen ngòm, lửa cháy rần rật. Biết chắc bản đã bị dội bom, chúng tôi chạy về, toàn bộ 22 ngôi nhà đã bị cháy rụi và đất đá vùi lấp, người già và trẻ nhỏ chạy tán loạn, tiếng kêu khóc thảm thiết không ngừng...”.

Bản Kẻ May được bao quanh bởi những dãy núi, có quốc lộ 7A đi qua, lại tiếp giáp với địa bàn xã Tường Sơn - nơi có sân bay dã chiến Dừa đang được Bộ Quốc Phòng sử dụng cho hoạt động xuất kích đánh chặn máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Thời điểm ấy, ở Kẻ May có đại đội pháo cao xạ đóng quân thực hiện nhiệm vụ canh giữ “cửa ngõ” phía Tây của sân bay Dừa, ngăn chặn máy bay Mỹ từ Lào và Thái Lan sang ném bom. Vì thế, địch thường dò tìm trận địa pháo để dội bom, địa bàn này thường hứng chịu những trận bom ác liệt, điển hình là trận vừa kể ở trên. 

Trở lại với trận bom khốc liệt giữa tháng 10/1968, khi chạy về bản, việc trước tiên của ông Lương Văn Mỹ là xác định vị trí ngôi nhà của mình trong làn khói bụi và giữa những hố bom ngổn ngang với bao nỗi lo âu, thấp thỏm. Thật may, vợ và các con ông đã kịp xuống hầm, bom không rơi trúng nhà, mái tranh bị cháy có lẽ do bén tàn lửa từ ngôi nhà hàng xóm. Nhìn sang nhà của gia đình em gái, ông Mỹ thất thần khi thấy ngôi nhà sàn 4 gian không còn vết tích, thay vào đó là một hố bom sâu hoắm, khói vẫn còn bốc lên từ lòng đất.

Chạy vội sang, thấy Hà Văn Cường - người con trai cả của vợ chồng bà Lương Thị Thịnh (em gái ông Mỹ) đang đứng bên miệng hố thảm thiết gọi “Bố mẹ ơi!”, rồi “Các em ơi!”. Hay tin nhà bà Thịnh bị trúng bom, toàn bộ dân bản lập tức chạy đến ứng cứu, dùng tất cả các loại vật dụng sẵn có để đào bới lớp đất vung vãi để tìm kiếm nhưng chỉ tìm thấy 3 người đã chết, còn 4 người thân xác đã hòa tan vào lòng đất quê hương. Ông Mỹ và bà con gom những phần thi thể tìm được vào một chiếc chiếu rồi mai táng trong một ngôi mộ chung. 

Các tuyến đường giao thông nội thôn ở thôn Kẻ May xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) đã được bê tông hóa. Ảnh: Công Kiên
Các tuyến đường giao thông nội thôn ở thôn Kẻ May xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) đã được bê tông hóa. Ảnh: Công Kiên

Chắc hẳn không ai hình dung hết nỗi đau đớn tột cùng của anh Hà Văn Cường khi trận bom đã cướp đi toàn bộ những người ruột thịt trong gia đình, khi bố mẹ và 5 người em bị bom Mỹ giết hại. Lúc máy bay Mỹ đến ném bom, anh cùng đội dân quân của bản đang huấn luyện, chạy về bản thì nhà cửa đã tan hoang, bố mẹ và các em bị bom dội trúng hầm trú ẩn...

Nỗi căm thù dâng lên tột đỉnh, anh đã viết đơn bằng máu xin được gia nhập quân ngũ để trực tiếp chiến đấu trả thù nhà, đền nợ nước. Vào chiến trường miền Nam được một thời gian, Hà Văn Cường tích cực chiến đấu và hy sinh anh dũng, anh ngã xuống khi mới bước vào độ tuổi đôi mươi. Vậy là tất cả các thành viên của gia đình anh đã bị giết hại bởi bom đạn của đế quốc Mỹ...

Gần 50 năm qua, việc chăm sóc hương khói cho các thành viên gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Thịnh do người anh trai đảm trách. Hương hồn của vợ chồng bà Thịnh, liệt sỹ Hà Văn Cường và 5 người em được ông Lương Văn Mỹ rước về thờ cúng tại nhà, có điều không hề có một tấm di ảnh. Mảnh vườn năm xưa gia đình ông Mỹ đang canh tác, hố bom vẫn còn nguyên, phía trên là một ngôi mộ nhỏ đã được xây gạch, vào ngày lễ, tết dân bản vẫn thường qua lại thắp một nén hương lòng và để nhắc nhớ về một thời đau thương và ác liệt...

Ông Lương Văn Mỹ bên hố bom và ngôi mộ chung của gia đình người em gái (bà Lương Thị Thịnh) sau trận bom giữa tháng 10/1968. Ảnh: Công Kiên
Ông Lương Văn Mỹ bên hố bom và ngôi mộ chung của gia đình người em gái (bà Lương Thị Thịnh) sau trận bom giữa tháng 10/1968. Ảnh: Công Kiên

Kẻ May hôm nay được đổi thành thôn, ai có dịp ngược xuôi Quốc lộ 7, đi qua sẽ không thể hình dung nơi đây một thời từng là chiến địa, hàng chục mạng người đã bị vùi lấp bởi đạn bom. Bởi thôn Kẻ May bây giờ mướt mát một màu xanh, màu xanh của núi đồi, đồng bãi, của cây ngô, cây lúa, cây mía và các loại rau màu. Từ 22 hộ năm xưa, nay Kẻ May có tới 168 hộ (77 hộ dân tộc Thái), bà con luôn đồng sức, đồng lòng ra sức phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Lê Văn Cường - Trưởng thôn cho hay: “Bà con ở đây luôn đoàn kết và chăm chỉ làm ăn nên đời sống mọi mặt luôn được cải thiện, trở thành thôn kiểu mẫu của toàn xã. Kẻ May được công nhận danh hiệu Làng văn hóa từ năm 2001, là thôn đầu tiên của xã đạt chuẩn nông thôn mới...”. Hiện toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo

Dạo bước giữa Kẻ May, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự hồi sinh của một làng quê từng phải hứng chịu đạn bom khốc liệt. Những ngôi nhà khang trang, những con đường được đổ bê tông sạch đẹp và những bức tường rào ngay lối, thẳng hàng đã nói lên tất cả giá trị của sự hồi sinh. Về đây, được nghe những câu chuyện làm ăn, về những người nông dân bám đất, bám rừng để làm giàu, có hộ nuôi tới hơn 200 con bò hàng hóa, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đàn gia trâu, bò của bản luôn ở mức trên 1.000 con, phần lớn các hộ gia đình đều nhận đất rừng trồng gỗ nguyên liệu, mở rộng diện tích cây chè để tăng thu nhập. Diện tích đất màu thường xuyên được luân canh, mùa nào thức ấy, gần như thời điểm nào bà con nông dân cũng có nguồn thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn hiện chỉ ở mức 0,35% (6/178 hộ), hầu hết rơi vào những gia đình già cả neo đơn và gặp cảnh ốm đau, bệnh tật. 

Ông Hoàng Bá Nhị - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn chia sẻ: “Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của thôn Kẻ May có nhiều khởi sắc, là thôn kiểu mẫu của toàn xã. Bộ mặt đời sống có nhiều đổi thay nhưng bà con vẫn không quên những năm tháng chiến tranh ác liệt. Vào những ngày lễ, tết và ngày hội Đại đoàn kết hàng năm, bà con luôn dành phút mặc niệm và bùi ngùi tưởng nhớ những người mãi mãi ra đi vì bom đạn của kẻ thù...”. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới