Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sáng 3/12, tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản.

Các đồng chí: TS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; PGS.TS Biện Minh Điền - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành; các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đại diện dòng họ Hồ.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản. Ảnh: Phạm Bằng

HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC TÀI NĂNG, NHIỀU BÍ ẨN

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Văn bản 211 EX/30.INF, Quyết định số 211 EX của Hội đồng Chấp hành và Nghị quyết số 41C/15 (Nghị quyết số 41C/52): UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-1822) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam vào năm 2022 (với sự hỗ trợ của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan).

Nghị quyết 41C/15 của UNESCO đã xác định 7 điểm cốt lõi về danh nhân Hồ Xuân Hương: Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người - con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế; Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt với hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan trưng bày các tác phẩm của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Bằng

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan trưng bày các tác phẩm của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Bằng

Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ; Di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp; Hồ Xuân Hương không chỉ đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người; Hồ Xuân Hương và di sản của bà có sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia; Tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang tiếng nước mình.

Hội thảo khoa học quốc tế là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đồng thời nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi trình hồ sơ lên UNESCO để cùng tôn vinh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Danh nhân Hồ Xuân Hương.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trải qua hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn là một hiện tượng văn học tài năng nhưng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Phong cách với cá tính sáng tạo độc đáo của Hồ Xuân Hương chắc chắn sẽ còn là vấn đề hấp dẫn cho những công trình nghiên cứu trong tương lai.

Với tấm lòng yêu mến Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tâm huyết với việc tôn vinh và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa gắn với Nữ sĩ, hội thảo được kỳ vọng sẽ tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới, đồng thời có thêm nhiều phát hiện mới, có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân, cũng như đề xuất thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến hay giúp tỉnh Nghệ An bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên quê hương bà.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, với tinh thần không chỉ tôn vinh, tri ân, học tập, mà hơn thế là tiếp thu và phát huy giá trị di sản của Hồ Xuân Hương trong thời đại ngày nay, mục đích của Hội thảo khoa học nhằm thông báo và công bố rộng rãi việc UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương; đồng thời khởi tạo bầu không khí tinh thần mới trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa của Nữ sĩ - Danh nhân Hồ Xuân Hương.

Cùng đó, hội thảo nhìn nhận, đánh giá lại lịch sử tiếp nhận Hồ Xuân Hương và giá trị khối di sản của bà ở cả trong và ngoài nước; Công bố một số sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu mới về con người, cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của Danh nhân Hồ Xuân Hương; Công bố những nghiên cứu, đề xuất mới về những đóng góp, tầm vóc, vị thế của Hồ Xuân Hương và những ý tưởng, dự án về phát huy giá trị di sản của Danh nhân trong bối cảnh mới.

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

PHÁT HUY GIÁ TRỊ HỒ XUÂN HƯƠNG TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

Tại hội thảo, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tập trung tham luận, làm rõ vị thế, tầm vóc và lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ (dịch thuật) Hồ Xuân Hương; Vấn đề thân thế, quê hương và thời đại Hồ Xuân Hương; Hồ Xuân Hương trong các mối liên hệ với văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực và văn hóa nhân loại; Những vấn đề về thi pháp, phong cách nghệ thuật và sức hấp dẫn, lan toả của thơ Hồ Xuân Hương...

Phân tích, làm rõ vị thế của thơ Hồ Xuân Hương trong truyền thống văn học thế giới, GS.TS.NGND Trần Đình Sử cho rằng, thơ của bà thể hiện một tư tưởng nhân văn/nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người; tạo thành hiện tượng đột xuất của giai đoạn thứ ba trong việc biểu hiện nội dung sắc dục trong truyện Nôm và thơ Nôm.

GS.TS.NGND Trần Đình Sử trình bày tham luận về nội dung "Thơ Hồ Xuân Hương trong truyền thống văn học thế giới". Ảnh: Phạm Bằng

GS.TS.NGND Trần Đình Sử trình bày tham luận về nội dung "Thơ Hồ Xuân Hương trong truyền thống văn học thế giới". Ảnh: Phạm Bằng

"Hồ Xuân Hương là nhà thơ đa tài, thơ Hán đã hay mà thơ Nôm càng hay, có phần lấn lướt thơ chữ Hán. Bà có thể làm rất nhiều loại thơ khác nhau, mà thơ nào cũng điêu luyện, đọc lên rung động cả tâm hồn. Riêng loại thơ diễm tình có truyền thống lâu đời trong thơ Đông Á, nhưng vẫn có nét riêng thể hiện cá tính của nhà thơ Việt Nam", GS.TS.NGND Trần Đình Sử nhấn mạnh.

Là người dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Slovakia, bà Eva Antoshchenko Muckova - Nhà thơ, dịch giả nước Cộng hòa Slovakia cho biết, trong những câu thơ của bà có âm điệu gợi tình, đầy châm biếm và mỉa mai; hay trong những bài thơ trữ tình, nữ thi sĩ đã để lại một kho tàng văn học cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX thăng hoa, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Bà Lady Borton - Nhà văn, Nhà nghiên cứu, dịch giả đến từ nước Mỹ cho rằng, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường. Ảnh: Phạm Bằng

Bà Lady Borton - Nhà văn, Nhà nghiên cứu, dịch giả đến từ nước Mỹ cho rằng, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường. Ảnh: Phạm Bằng

Bà Eva Antoshchenko Muckova - Nhà thơ, dịch giả nước Cộng hòa Slovakia giới thiệu cuốn sách được dịch từ thơ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Bằng

Bà Eva Antoshchenko Muckova - Nhà thơ, dịch giả nước Cộng hòa Slovakia giới thiệu cuốn sách được dịch từ thơ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Bằng

Còn bà Lady Borton - Nhà văn, Nhà nghiên cứu, dịch giả đến từ nước Mỹ cho rằng, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường. Và cũng như mọi nhà thơ khác, bà là một hiện tượng độc nhất vô nhị. Nhưng bà không đơn độc vì cuộc đời và sự nghiệp thi ca của bà hẳn đã neo vào dòng phả hệ những nữ thi sĩ Việt Nam tiêu biểu như là những người thầy.

Đi sâu làm rõ biểu tượng nữ và nữ quyền trong thơ Hồ Xuân Hương từ góc nhìn ký hiệu học, PGS.TS. Đinh Hồng Hải - Hiệp hội Ký hiệu học châu Á, Hiệp hội Ký hiệu học Quốc tế cho rằng, thơ Hồ Xuân Hương là sự phản kháng tuyệt vời bằng ngòi bút, thông qua tài năng văn chương xuất chúng của bà, chứ không phải bằng sự nổi loạn của tự do tình dục như thập kỷ 60 của thế kỷ XX hay ăn mặc hở hang - khêu gợi của thế kỷ XXI.

PGS.TS. Đinh Hồng Hải - Hiệp hội Ký hiệu học châu Á, Hiệp hội Ký hiệu học Quốc tế cho rằng, thơ Hồ Xuân Hương là sự phản kháng tuyệt vời bằng ngòi bút. Ảnh: Phạm Bằng

PGS.TS. Đinh Hồng Hải - Hiệp hội Ký hiệu học châu Á, Hiệp hội Ký hiệu học Quốc tế cho rằng, thơ Hồ Xuân Hương là sự phản kháng tuyệt vời bằng ngòi bút. Ảnh: Phạm Bằng

Đại diện Hội đồng họ Hồ Việt Nam, ông Hồ Huy nhấn mạnh, việc Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, bà con họ Hồ nói riêng. Từ đây, bà con họ Hồ cùng với đông đảo nhân dân càng ý thức sâu hơn việc bảo vệ và phát huy di sản mà Hồ Xuân Hương để lại.

"Thay mặt họ Hồ Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An; xin trân trọng cảm ơn các nhà nghiên cứu, các cá nhân, tổ chức đã đồng hành và góp sức trong việc vận động vinh danh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà chúa thơ Nôm", ông Hồ Huy phát biểu.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh những giá trị to lớn của di sản Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Bằng

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh những giá trị to lớn của di sản Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Bằng

Phát biểu tại hội thảo, ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, Hồ Xuân Hương là nhà hoạt động vì bình đẳng giới, những tư tưởng của bà mãi về sau trở thành những tư tưởng, nguyên tắc của UNESCO sau này. Việc tổ chức hội thảo cũng là cơ hội để xúc tiến, quảng bá di sản của bà trên toàn thế giới.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Biện Minh Điền - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh khẳng định, Hội thảo đã đạt được mục đích, mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp. Hội thảo đã khởi tạo bầu không khí mới trong công tác nghiên cứu Hồ Xuân Hương, đề xuất những dự án mới phát huy giá trị Hồ Xuân Hương trong thời đại ngày nay.

PGS.TS Biện Minh Điền - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

PGS.TS Biện Minh Điền - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Phạm Bằng

Hội thảo cũng đã làm rõ được những vấn đề khái quát lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ Hồ Xuân Hương; về thân thế, quê hương và thời đại Hồ Xuân Hương; về thi pháp và phong cách nghệ thuật Hồ Xuân Hương và về tiếp cận Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản.

Tin mới