Hội thảo phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã Quỳnh Nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hội thảo đã được nghe các tham luận về giải pháp phát triển du lịch biển Quỳnh, nhằm hướng đến tạo thêm nguồn sinh kế bền vững cho người dân ven biển Quỳnh Lưu. 

Sáng 6/6, Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức hội thảo phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Nghĩa; Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và một số chuyên gia trên lĩnh vực phát triển du lịch, cùng một số làng nghề tại địa phương.

Các đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ và Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu chủ trì hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Các đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ và Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu chủ trì hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Quỳnh Nghĩa là xã ven biển vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu, có bờ biển dài 2,5 km, có 93 chiếc tàu tổng công suất 65.484CV và 1.100 lao động nam làm nghề khai thác hải sản, 1.500 lao động làm nghề hậu cần nghề cá và 20 hộ làm nghề dịch vụ kinh doanh du lịch biển.

Bờ biển Quỳnh Nghĩa thoải cát mịn thuận lợi cho việc tắm biển du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy các ngành khác phát triển. Vùng biển Quỳnh Nghĩa còn có thiên nhiên tươi đẹp. Hàng năm, huyện Quỳnh Lưu chọn Quỳnh Nghĩa tổ chức khai trương du lịch biển Quỳnh, thu hút nhiều khách du lịch về đây tham quan, thưởng thức các món ăn hải sản.

Ông Hồ Minh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hồ Minh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, du lịch biển Quỳnh Nghĩa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đó là: Hệ thống giao thông bị ách tắc, nhà nghỉ, khách sạn cho khách lưu trú còn thiếu. Chủ nhà hàng, nhà nghỉ, nhân viên phục vụ hầu hết là người địa phương chưa qua các lớp đào tạo, tập huấn, nên cũng bất cập trong khâu giao tiếp, phục vụ, đón khách… Chưa có phương tiện vận chuyển khách du lịch thăm quan hang Mắt Rồng, hòn đá Ông, đá Bà bằng thuyền. Các dịch vụ phục vụ khách du lịch như chợ mua bán hải sản, chợ đêm mua đồ lưu niệm, đi thuyền câu mực nháy, kéo rồng, làm muối... chưa có.

Bởi vậy, tại hội thảo đã có những tham luận gợi ý về các vấn đề: Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Quỳnh Nghĩa; Phát triển du lịch trên địa bàn xã Quỳnh Nghĩa: Tiềm năng, khó khăn và những kiến nghị, đề xuất; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông trên địa bàn xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Mekong Rustic và các khuyến nghị về giải pháp chuyển đổi sinh kế, phát triển nông ngư nghiệp gắn với du lịch tại xã Quỳnh Nghĩa. Giải pháp chuyển đổi sinh kế, phát triển nông ngư nghiệp gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Quỳnh Nghĩa...

Biển Quỳnh Nghĩa đẹp nhưng hiện còn hoang sơ. Ảnh: Xuân Hoàng

Biển Quỳnh Nghĩa đẹp nhưng hiện còn hoang sơ. Ảnh: Xuân Hoàng

Bà Tạ Thị Phương Thúy, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Du lịch Hướng Dương Hà Nội cho rằng, hiện tại, du lịch tại Quỳnh Nghĩa còn hoang sơ, chưa có quy hoạch du lịch bởi quy hoạch du lịch của địa phương cần phải có quy hoạch của tỉnh và tỉnh thì lại dựa vào quy hoạch du lịch của Quốc gia.

Để phát triển du lịch biển Quỳnh, bà Tạ Thị Phương Thúy chia sẻ, để du lịch biển Quỳnh phát triển, cần có sự quyết tâm của lãnh đạo trung ương và địa phương trong việc chuyển đổi sinh kế, phát triển nông ngư nghiệp gắn với du lịch và vững xây dựng sản phẩm du lịch bền vững từ ban hành chính sách, quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Định hướng và hỗ trợ cộng đồng du lịch địa phương xã Quỳnh Nghĩa phát triển du lịch bền vững.

Quỳnh Lưu cần quan tâm đến các sản phẩm du lịch gắn với nông, ngư nghiệp, sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh mô hình du lịch homestay, farmstay, du lịch camping; Sản phẩm du lịch ẩm thực thuận theo tự nhiên và có lợi cho sức khoẻ; Các sản phẩm du lịch thiền và Yoga...

Trước khi tổ chức hội thảo, các đại biểu đã có thời gian khám phá thắng cảnh núi Rồng, bãi tắm Mồng gà; trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của biển Quỳnh. Ảnh: Nguyễn Bá Bình

Trước khi tổ chức hội thảo, các đại biểu đã có thời gian khám phá thắng cảnh núi Rồng, bãi tắm Mồng gà; trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của biển Quỳnh. Ảnh: Nguyễn Bá Bình

Do vậy, hội thảo đã đưa ra một số giải pháp nhằm khai thác tiềm năng của biển Quỳnh để thu hút du khách thông qua các sản phẩm du lịch. Để làm được điều đó, người dân ven biển ngoài nghề truyền thống khai thác hải sản, còn mở rộng các dịch vụ phục vụ du lịch thú vị hơn, nhằm thu hút khách du lịch đến với biển Quỳnh ngày càng nhiều. Đây là mục tiêu hướng đến phát triển du lịch nông thôn, tạo nguồn sinh kế bền vững của người dân.

Kết luận hội thảo, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng, lâu nay bà con vùng ven biển Quỳnh Lưu nói chung, xã Quỳnh Nghĩa nói riêng chú trọng khai thác hải sản bằng nghề truyền thống là chính, chưa quan tâm nhiều đến phát triển du lịch.

Ông Trần Quốc Thành cũng kiến nghị, các cơ quan, tổ chức liên quan cùng vào cuộc trong việc đăng ký tuyến, điểm du lịch; Quy hoạch đô thị du lịch Quỳnh Nghĩa; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng; Thủ tục vận hành phương tiện thủy chở khách du lịch (tuyến sông và tuyến biển); Vấn đề cảnh quan và môi trường công cộng; Tổ chức điều hành du lịch nông thôn; Đào tạo nguồn nhân lực; Mô hình kinh doanh Homestay; Bao bì nhãn mác, thương hiệu, chế biến sản phẩm./.

Tin mới