Hội thảo Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng dấu ấn 100 năm

(Baonghean.vn) - Chiều 13/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo khoa học Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng dấu ấn 100 năm, vươn tầm hội nhập. Hội thảo đã nhìn lại quá trình 1 thế kỷ xây dựng và phát triển, cùng với những đặc thù riêng của một trong những ngôi trường có tuổi đời nhiều nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI NGHỆ

 Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng ra đời vào năm 1920, trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh chưa có trường trung học và học sinh xứ Nghệ khi học hết cấp tiểu học muốn học lên chỉ có cách vào Huế hoặc ra Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo Trường Quốc học Vinh - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng dấu ấn 100 năm vươn tầm hội nhập. Ảnh: Đức Anh
Toàn cảnh Hội thảo Trường Quốc học Vinh - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng dấu ấn 100 năm vươn tầm hội nhập. Ảnh: Đức Anh

Nguồn gốc ra đời của Trường Quốc học Vinh, mục đích và ý nghĩa cũng đã được các đại biểu tham dự hội thảo phân tích với nhiều lý do khác nhau. Phát biểu đề dẫn hội thảo chỉ rõ, từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã sớm nhận ra xứ Nghệ là vùng đất hiếu học và “An - Tịnh là cái nôi của những bậc cao minh kiệt xuất”.

Do đó, việc mở trường trung học ở Vinh được lý giải “Trước hết là vấn đề truyền thống, vì Vinh là địa danh có lắm nhà nho danh tiếng, cũng là nơi cứ 3 năm lại có một kỳ thi Hương - cánh cửa tiến thân lên quan trường”.

Chủ trì hội thảo khoa học. Ảnh: Đức Anh
Chủ trì hội thảo khoa học. Ảnh: Đức Anh
Thực tế cũng cho thấy, với một địa bàn có “nguồn học sinh cung cấp khá dồi dào” nên ngay từ năm đầu thành lập, Trường Quốc học Vinh đã nhận được sự quan tâm lớn của phụ huynh và học sinh 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sỹ số học sinh tăng nhanh qua từng năm, đặc biệt là ở bậc trung học.

Chỉ sau 3 năm thành lập, đến ngày 26/11/1923, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định công nhận Quốc học Vinh là trường kiêm bị. Điều này, khác với Trường Quốc học Quy Nhơn, dù ra đời cùng một thời điểm nhưng phải đến 6 năm sau mới được công nhận do thiếu học sinh và cơ sở vật chất, thành tích học tập không đạt tiêu chí đề ra.

 Ông Phạm Xuân Cần - nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ 

Nhiều bài viết gửi đến hội thảo cũng chỉ ra những đặc thù riêng của nhà trường. Theo PGS.TS Văn Ngọc Thành - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Việc thành lập Trường Quốc học Vinh cũng như phát triển giáo xứ Đông Dương của người Pháp nằm trong ý đồ “khai hóa” thuộc địa, truyền bá văn hóa Pháp và Âu Tây, qua đó tuyên truyền, quảng bá “sức mạnh” của “Mẫu quốc”, khuất phục ý chí, tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trực tiếp hơn, việc mở thêm trường Quốc học Vinh là nhằm đào tạo một đội ngũ những người có trình độ văn hóa đủ để người Pháp sử dụng.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Tuy nhiên, vượt qua các mục tiêu thực dân, trường đóng vai trò như một trung tâm đào tạo tri thức cho xứ Nghệ, cho người dân miền Trung, cho dân tộc. Trường Quốc học Vinh cũng có thể xem là một trong những trung tâm văn hóa đầu tiên của người Nghệ nói riêng, khu vực Bắc Trung Kỳ nói chung.

Đặc biệt, việc phát triển nền giáo dục thực dân đã dẫn đến hệ quả ngoài mong đợi của người Pháp. Thế nên, cùng với quá trình tiếp nhận nền học vấn phương Tây, học sinh của trường “đã tỏ thái đội chống đối sự thống trị của thực dân Pháp” và tham gia sôi nổi vào các phong trào cách mạng.

Truyền thống của nhà trường làm điểm tựa để Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng vươn lên hội nhập và ngày càng phát triển. Ảnh: Đức Anh
Truyền thống của nhà trường làm điểm tựa để Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng vươn lên hội nhập và ngày càng phát triển. Ảnh: Đức Anh

Trường Quốc học Vinh còn là một ngôi trường đặc biệt, nơi giảng dạy của nhiều nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng. Ngôi trường cũng là nơi cung cấp những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội hàng đầu cho cả nước.

Hiện, trên lĩnh vực chính trị, trường có 18 cựu học sinh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong đó, có 3 Phó Thủ tướng, 16 Bộ trưởng và nhiều người là Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh và hàng ngàn sỹ quan, viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ nổi tiếng.

VƯƠN TẦM HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN 

Năm 2020, Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng tròn 100 tuổi. Trên hành trình xây dựng và phát triển, trường có bề dày truyền thống vẻ vang, để lại dấu ấn riêng, dấu ấn trăm năm của mái trường thế kỷ, đặc biệt là đang vươn tới mục tiêu xây dựng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng theo mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đông đảo các nhà nghiên cứu, cựu giáo viên và học sinh nhà trường đến tham dự hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Đông đảo các nhà nghiên cứu, cựu giáo viên và học sinh nhà trường đến tham dự hội thảo. Ảnh: Đức Anh

Với 7 báo cáo tham luận trực tiếp và gần 20 bài viết được đầu tư và tâm huyết, Hội thảo khoa học “ Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng dấu ấn 100 năm, vươn tầm hội nhập” đã tập trung thảo luận các vấn đề: Lịch sử hình thành và phát triển của trường qua các thời kỳ; thảo luận thành tựu, kết quả đạt được và dấu ấn 100 năm Huỳnh Thúc Kháng.

Từ đó, làm rõ vai trò của trường đối với nền giáo dục của tỉnh; đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng phù hợp với mục tiêu giáo dục đào tạo trong thời kỳ mới, trở thành trường tiên tiến, hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh

Các bài nghiên cứu và những ý kiến phát biểu tại Hội thảo có nhiều nội dung mới, sâu sắc và toàn diện, thể hiện tình cảm sâu nặng, bày tỏ sự trăn trở, gắn bó và trách nhiệm của tác giả với Nhà trường.

Hội thảo Hội thảo là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, luận bàn giữa các nhà khoa học, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh về lịch sử truyền thống của nhà trường; đánh giá những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và trưởng thành thời gian qua; từ đó, lấy căn cứ để đề xuất các giải pháp định hướng cho sự phát triển nhà trường trong thời gian tới.
Một giờ học của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: PV
Một giờ học của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: PV

Đây cũng là dịp để các thế hệ thầy và trò, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay của Trường Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng được nhìn nhận sâu sắc hơn và có những đánh giá khách quan, khoa học, thấy được vinh dự và trách nhiệm của bản thân khi đã và đang được công tác, học tập dưới mái trường có bề dày truyền thống tròn 1 thế kỷ này.

Trong 100 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã đào tạo hàng vạn học sinh ưu tú. Trên hành trình đó, nhà trường đã làm nên những truyền thống vẻ vang, để lại dấu ấn riêng và ngày càng được khẳng định về chất lượng đào tạo. 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa

Trong thời gian tới, để xây dựng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thành trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa cũng đề nghị nhà trường cần: Xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn năm 2045. Đặt rõ mục tiêu xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; có đội ngũ nhà giáo tài năng và nhân cách; có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại và thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0; hình thành các thế hệ học sinh toàn cầu.

Nhiều phòng thực hành của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được đầu tư hiện đại, đáp ứng theo yêu cầu đổi mới giáo
Nhiều phòng thực hành của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được đầu tư hiện đại, đáp ứng theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng tích hợp chương trình hội nhập quốc tế, tập trung đổi mới hình thức dạy học; chú trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp; giáo dục tinh thần khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học ứng dụng phù hợp; tăng cường dạy học theo phương pháp thực hành, gắn thực tiễn; giáo dục kỹ năng mềm; phát triển năng khiếu cho học sinh nhà trường.

Tin mới