Hồi ức năm 2000 trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều

(Baonghean.vn) - Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cử một quan chức thân cận cấp cao tới Mỹ cho thấy quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Donald Trump đang ở những bước cuối cùng.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy những chuyến thăm như thế này chưa đủ để đảm bảo rằng cuộc gặp chắc chắn sẽ diễn ra.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Ảnh: AP

18 năm trước, những tia hy vọng từng dấy lên sau khi một phái đoàn tương tự từ Triều Tiên tới Washington để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đã nhanh chóng lụi tàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, người được đích thân Tổng thống Trump xác nhận là đang trên đường tới New York, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình ngoại giao sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có các động thái hòa giải với Washington và Seoul từ đầu năm nay.

Ông là một trong số ít những quan chức Triều Tiên từng tháp tùng Kim Jong-un tại 4 cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo nước ngoài trong những tháng gần đây.

Ông đã tới Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay để tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông trong giai đoạn đầu của tiến trình ngoại giao hòa giải và thân thiện mà nhà lãnh đạo Triều Tiên khởi xướng. 

Kim Yong-chol, khoảng 72 tuổi, là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong dư luận ngoài nước. 

Ông Kim Yong-choi được cho là đến Mỹ để bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Ảnh CNN
Ông Kim Yong-chol được cho là đến Mỹ để bàn bạc về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Ảnh CNN
Trước khi được giao trọng trách xử lý quan hệ liên Triều vào năm 2016, ông là tướng 4 sao và chỉ huy đơn vị tình báo quân đội. Ông bị cho là người đứng sau hàng loạt hành vi khiêu khích nghiêm trọng của Triều Tiên, trong đó có 2 vụ tấn công năm 2010 khiến 50 người Hàn Quốc thiệt mạng và vụ tin tặc nhằm vào hãng phim Sony năm 2014. Trong vài năm gần đây cả Seoul và Washington đều đã đưa quan chức này vào danh sách trừng phạt.


Truyền thông Hàn Quốc cho biết, ông Kim Yong-chol nhiều khả năng sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người gần đây đã tới Bình Nhưỡng 2 lần để hoàn tất kế hoạch chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Tuy nhiên, chưa rõ các lịch trình khác của ông Kim Yong-chol tại Mỹ. Truyền thông đưa tin, Ngoại trưởng Pompeo có thể sẽ có chuyến đi thứ 3 tới Bình Nhưỡng sau khi ông Kim Yong Chol tới New York. 

Dù chuyến đi của ông Kim Yong-chol có thể khiến triển vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới xán lạn hơn song thực tế trước đây từng cho thấy mọi chuyện có thể đổ vỡ vào phút chót ngay cả sau các cuộc trao đổi cấp cao.

Tháng 10/2000, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã cử Phó Thống soái Jo Myong Rok tới Washington với sứ mệnh thiện chí tương tự.

Ông Jo, người đã qua đời vào năm 2010, là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên từng tới Mỹ sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc. Chuyến thăm Mỹ của ông Jo diễn ra trong bối cảnh hai bên nỗ lực tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn sau các cuộc gặp cấp cao liên Triều đầu tiên hồi tháng 6/2000. 

Trong chuyến công du Washington, ông Jo đã gặp Tổng thống Bill Clinton và chuyển bức thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Ông Jo còn gặp Ngoại trưởng Madeleine Albright và Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen.

: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Getty
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Getty
Ông Jo cho rằng mối quan hệ được cải thiện “sẽ tốt cho cả hai nước và cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á”. 

Ba tuần sau, bà Albright có chuyến thăm đáp lễ tới Bình Nhưỡng để sắp xếp chuyến công du Triều Tiên cho Tổng thống Clinton. Một số nhà chỉ trích tại Mỹ khi đó hoài nghi rằng Tổng thống Clinton đã tìm cách có một dấu ấn ngoại giao trong những tháng cuối tại nhiệm. 

Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của bà Albright, Chủ tịch Kim Jong-il đã đưa nhà ngoại giao này tới dự một buổi biểu diễn, trong đó có màn ghép tranh với hình ảnh một quả tên lửa được phóng lên bầu trời.

Kim Jong-il khi đó đã nói với Ngoại trưởng Albright rằng “Đó là tên lửa cuối cùng của chúng tôi”, ám chỉ tên lửa đạn đạo tầm trung mà Triều Tiên phóng qua lãnh thổ Nhật Bản hai năm trước, một sự kiến khiến cả khu vực không khỏi choáng váng. 

Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Triều nhanh chóng trở nên lạnh giá sau khi Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền vào tháng 1/2001 và có lập trường cứng rắn với Triều Tiên.

Mâu thuẫn hạt nhân trở nên trầm trọng hơn vào năm 2002 khi chính quyền Bush cáo buộc Triều Tiên đang bí mật thực hiện một chương trình làm giàu urani và vi phạm thỏa thuận giải giáp năm 1994.

Ông Bill Clinton cuối cùng cũng tới Triều Tiên, song là trên cương vị cựu Tổng thống Mỹ, vào năm 2009 để thuyết phục quốc gia này trả tự do cho 2 nhà báo Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giam trước đó.

Tin mới