Hồi ức phóng viên chiến trường

(Baonghean) - Qua nhiều hẹn, những ngày tháng Sáu ý nghĩa này, chúng tôi mới gặp được ông - phóng viên chiến trường người Nghệ hiếm hoi xuyên suốt cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc. Ông là Phan Kế Viên, quê ở xã Hùng Thành (Yên Thành).

Với người phóng viên dạn dày hoa lửa ấy, những đợt sóng hồi ức về chiến tranh, về ranh giới quá đỗi mong manh của sự sống – cái chết, về hạnh phúc vỡ òa ngày toàn thắng … chưa bao giờ nguôi lặng. Ông bảo, nghề báo đã chọn ông, chứ ngay từ những ngày đầu bước vào trận tuyến, ông chưa hề có khái niệm gì về nghề. Năm 1951, chàng trai Phan Thế Viên từ quê lúa Yên Thành gia nhập lực lượng TNXP, hành quân ra Bắc phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Đến năm 1953, ông có quyết định chuyển sang làm nhiệm vụ mới ở Trung đoàn 6, Sư đoàn 312. “Thời điểm đó, cuộc kháng chiến của dân tộc đang ở vào giai đoạn giằng co nhất, từ chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tình hình biến động liên tục, quân giặc ngày đêm thể hiện sức mạnh bằng hàng loạt vũ khí, khí tài hiện đại, sức công phá cao.” – Ông Phan Kế Viên nhớ lại. 
Ông Phan Kế Viên bên ao cá.	Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Phan Kế Viên bên ao cá. Ảnh: Xuân Hoàng
Giữa những giờ phút khốc liệt của trận đấu, trong màn sương khói đạn bom, ông đã chắp nối hiện thực – ước mơ thành những vần thơ, bài viết ngắn, chép vội trên tờ lịch cũ, mảnh vỏ bao thuốc lá… Những tác phẩm đầu tay ấy còn vụng về lắm, nhưng gửi gắm tâm sự của những người lính trận và miêu tả được không khí trận địa rất chân xác. Bất ngờ thay, những sáng tác đầu tay được tờ tin của trung đoàn đăng tải và nhận được sự động viên, khích lệ của nhiều đồng chí, đồng đội. “Đúng 3 tháng sau, tôi nhận được thông báo là Sư đoàn 312 điều động lên làm phóng viên cho tờ tin sư đoàn. Từ đó, tôi bắt đầu làm quen với vai trò đầy mới mẻ: phóng viên chiến trường.” – người cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa nhớ lại. 
Nhiệm vụ của ông được giao là vừa làm chiến sỹ, vừa là một phóng viên, nghĩa là vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, vừa theo dõi, quan sát để chụp ảnh gửi về ban tuyên huấn sư đoàn. Phương tiện làm báo lúc bấy giờ là một máy ảnh chiến lợi phẩm thu được từ quân Pháp, còn bút mực, giấy tờ “sang thì có cuốn sổ tay, còn thường thường, chỉ ghi thật tiết kiệm lên đường viền của mấy trang báo cũ …”. Điều kiện chiến trận kham khổ là thế, cùng với những diễn biến trận đấu luôn ác liệt, hiểm nguy, nên ngay từ khi bước vào nghề báo, ông Phan Kế Viên đã chú tâm luyện cho mình thói quen nhớ thật kỹ, thật chi tiết từng số liệu, nhân vật … để phục vụ cho các bài viết. 
Thoáng trầm ngâm, ông bảo, nghề báo đã chọn ông như một sự tình cờ của số phận, nhưng tình yêu, đam mê và bao trăn trở với nghề thì chính ông đã tự chọn lấy cho mình. Ông kể cho chúng tôi kỷ niệm không thể nào quên về đơn vị TNXP C297, phần lớn là người Yên Thành, do đồng chí Phan Văn Kiêm, quê ở xã Liên Thành làm Đại đội trưởng, có nhiệm vụ phá bom nổ chậm trên đồi Độc Lập. Khi đó, nhiệm vụ của đơn vị TNXP là phá 4 quả bom nổ chậm để lấy đường cơ động pháo ra vào trận địa. Trong lúc đang làm nhiệm vụ, các thanh niên xung phong đã phá được 3 quả bom, còn 1 quả bất ngờ nổ, núi đất đá sập xuống trong tích tắc, chôn vùi 16 đồng chí TNXP. Khi ông và đồng đội biết tin chạy đến, thì tất cả chỉ còn lại sự lặng im đến vô cùng của bầu trời, của cánh rừng… Ông cùng đồng đội đã gào khóc trong tuyệt vọng, dùng chính bàn tay mình cào xới từng tảng đất bạc trắng hơi bom, tiếng hét đau thương xé tan cả không gian tịch lặng của chiến địa im tiếng súng. Sau thời khắc đó, trở về chiến hào, ông đã ghì lấy cây bút mà viết. Từng dòng chữ hiện ra trên trang giấy ố vàng nước mắt... 
Từ sự kiện ấy, ông nhận ra trách nhiệm nhọc nhằn mà vinh quang của một người cầm bút, mà hơn cả, là của phóng viên chiến trường. Phóng viên chiến trường không được phép phạm sai lầm, bởi chỉ cần tích tắc nhầm lẫn trong nhận định trận địa, trong kỹ năng chụp ảnh và phỏng vấn thì cái giá phải trả là rất đắt! Hơn thế nữa, một bài báo không chỉ có vai trò chuyển tải thông tin, mà còn gánh trách nhiệm định hướng, nhân lên và lan tỏa ý chí, khát vọng chiến đấu, chiến thắng, khích lệ tinh thần chiến sỹ. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đơn vị trở về tiếp quản Thủ đô, ông được đơn vị cử đi học 2 năm ở Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1956, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã. Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, với kinh nghiệm phóng viên chiến trường, ông được cơ quan tăng cường vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ.
Mạo muội hỏi ông, rằng tác nghiệp trên chiến trường, có chút nào sợ hãi không? Cười thật tươi, ông trả lời rất thật: “Sợ hãi là bản năng, sao lại không? Làm sao quên được những lần viết bài dưới ánh đèn leo lét của căn hầm bì bõm nước, khi mà trên đầu, bên tai là ầm ào tiếng đạn bom. Nhưng hơn cả, mình ý thức vượt qua nỗi sợ hãi để làm tròn nhiệm vụ của người cầm bút trước đồng chí, đồng đội, nhân dân.” Đoạn, ông kể về 9 lần bị thương, trong đó 2 lần ở chiến dịch Điện Biên Phủ, 7 lần ở chiến trường miền Nam, và hiện trong cơ thể vẫn còn 6 mảnh bom bi là “kỷ niệm của giặc Mỹ” -  ông hài hước tâm sự, dẫu rằng, “kỷ niệm” ấy mấy mươi năm nay là nguồn cơn của bệnh tật, đau đớn mà ông thầm chịu đựng.
“Mình chịu đựng những cơn đau vì không muốn gia đình, vợ con thêm lo lắng. Nhưng có những điều không thể và không nên “chịu đựng”, đó là đói nghèo, là nỗ lực vượt lên chính mình.” – ông Phan Kế Viên tâm sự. Nói được và làm được, ở khắp xã Hùng Thành ấy, ai cũng gọi ông bằng cái tên “người hùng dòng Vụng Râm”. Vụng Râm là tên con khe chảy qua trước nhà, bốn mùa ăm ắp nước. Tận dụng địa lợi ấy, sau khi về hưu năm 1986, ông xin phép xã nhà được ngăn một phần Vụng Râm lại để “nắn” thành ao nuôi cá rộng hơn 1 mẫu, kết hợp nhận 1 ha đất đồi hoang hóa để trồng rừng, huy động anh em, gia đình khai hoang thêm 1,4 mẫu đất màu trồng khoai, lạc … lấy ngắn nuôi dài. Đất không phụ công người, mươi năm lại nay, gia đình ông trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã Hùng Thành. Bản thân người chiến sỹ - phóng viên kiên cường ấy, vẫn trọn vai tuyên truyền viên tích cực trên địa bàn, năng nổ viết bài, đưa tin, là cộng tác viên uy tín cho một số tờ báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. “Bút danh của tôi là Trường Sơn, đó vừa là kỷ niệm với chiến trường, vừa là niềm tin về sự vững mạnh, về chân lý, sự thật của nghề báo và người làm báo”. – ông Phan Kế Viên chia sẻ. 
Xuân Hoàng - Phương Chi

Tin mới