Hơn 10 phương thức xét tuyển đại học năm 2022

Các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Có khoảng 10 phương thức xét tuyển đã được các trường công bố trong mùa tuyển sinh năm nay.

Có thể thấy, phần lớn các trường không thay đổi nhiều về các phương thức tuyển sinh. Hầu hết các trường vẫn sử dụng phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực,… Tuy nhiên, tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt ở một số trường.

Chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp giảm mạnh

Thay vì dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như những năm trước, năm nay, các trường đồng loạt giảm chỉ còn từ 50% chỉ tiêu trở xuống cho phương thức này. Thậm chí, ở một số trường top, số lượng chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức đã giảm xuống còn 10 - 20%, thấp nhất từ trước đến nay.

Có thể kể tới như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chỉ tiêu dành cho phương thức này là 10 – 15% trong tổng số 6.100 chỉ tiêu dành cho các ngành đào tạo của trường. Hay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến cũng chỉ tuyển 10 - 20% chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp cho một số chương trình đào tạo. Thậm chí, trường này còn đưa ra thêm điều kiện đảm bảo chất lượng là thí sinh phải có điểm trung bình chung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn học từ 42 trở lên).

Nhiều trường đồng loạt giảm chỉ tiêu còn từ 50% trở xuống cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều trường đồng loạt giảm chỉ tiêu còn từ 50% trở xuống cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. HCM), phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp chỉ chiếm 15 - 50% chỉ tiêu theo ngành/ nhóm ngành. Trường ĐH Giao thông Vận tải trong năm 2022 cũng giảm khoảng 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021.

Thay vào đó, chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức xét tuyển khác tăng lên.

Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi?

Có những trường dành phần lớn chỉ tiêu từ kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. HCM hay xét tuyển từ điểm bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện có khoảng gần 50 trường dự kiến sẽ sử dụng kết quả kỳ thi riêng của ba trường này để bổ sung vào phương thức xét tuyển.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chỉ tiêu của phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy được nhà trường tăng lên tới 60 - 70%. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP. HCM) cũng tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. HCM lên 40 - 60% tổng chỉ tiêu của trường.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. HCM) cũng dành 40 - 70% chỉ tiêu xét tuyển của trường dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP. HCM tổ chức và 5 - 10 % chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tương tự, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. HCM) cũng dự kiến dành 35 - 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. HCM và 3 - 10% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, ACT, A-Level...) được chuộng

Cũng giống như hai mùa tuyển sinh trước, năm nay, nhiều trường tiếp tục phương thức xét tuyển đại học có sử dụng chứng chỉ quốc tế. Một số phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ quốc tế được các trường áp dụng như: xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập hoặc chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-Level); xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ với điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đây là năm thứ 2 Việt Nam tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo 2 đợt. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đây là năm thứ 2 Việt Nam tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo 2 đợt. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Một số trường thậm chí dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ quốc tế. Ví dụ như Trường ĐH Thương mại dành khoảng 40% cho phương thức xét tuyển này trong tổng số 4.150 chỉ tiêu tuyển sinh của trường; hay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ dành 25 - 35% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS;…

Cũng trong năm 2022, một số trường đã bổ sung thêm một số phương thức mới phù hợp với tinh thần tự chủ đại học và đảm bảo công bằng cho các nhóm đối tượng. Có thể kể tới như Trường ĐH Bách khoa TP. HCM. Trường này dự kiến sẽ bổ sung phương thức tuyển sinh kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh, bao gồm: năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn. Dự kiến phương thức này sẽ là phương thức chủ đạo trong tuyển sinh của trường từ năm 2022.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP. HCM) xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao. Theo đó, trường xét tuyển thẳng thí sinh đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á,...

Trước đó, khi công bố phương án thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học năm 2022, Bộ GD&ĐT đã đưa ra khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.

Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/ nhóm trường đại học chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.

Tin mới