Hơn 3.500 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Theo tổng hợp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đến nay đã có 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 7.
Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: PV/TTXVN
Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: PV/TTXVN
Nhân dân phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội

Trình bày Báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phản ánh tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, cử tri, nhân dân vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Các đại biểu đoàn Nghệ An tại kỳ họp. Ảnh:PV/TTXVN
Các đại biểu đoàn Nghệ An tại kỳ họp. Ảnh: PV/TTXVN
Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; xuất hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong nhân dân; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy rất phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở một số địa phương…

Đề nghị tăng cường quản lý, có giải pháp đột phá giải quyết các vấn đề phát sinh

Về một số kiến nghị cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan và địa phương chủ động trong dự báo, thông tin thị trường, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, tiếp tục thực hiện các giải pháp có tính đột phá cơ cấu lại ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; trước mắt cần tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Cùng với đó, cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này, thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có giải pháp hữu hiệu khắc phục các yếu kém đó; các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tiếp tục rà soát những hạn chế và khắc phục kịp thời những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, chủ động ngăn chặn gian lận trong kỳ thi phổ thông trung học quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị những vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Như việc quản lý đất đai, tài sản công chưa chặt chẽ gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; việc tổ chức thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia thiếu tính đồng bộ; chậm tiến độ trong đầu tư công; một số dự án “treo” gây lãng phí; chưa có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi; chất lượng khám chữa bệnh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; việc thực hiện sáp nhập các trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở ở một số nơi chưa hợp lý; quản lý thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; một số nơi việc giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công với cách mạng còn chậm, một số đối tượng lợi dụng chính sách người có công, người bị nhiễm chất độc da cam để “trục lợi”; việc chủ động thông tin những vấn đề người dân quan tâm và công tác tiếp công dân, đối thoại của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với người dân ở một số nơi chưa được quan tâm thực sự...

Tin mới