Hơn 8.000 người mắc lừa "tập đoàn" đa cấp cà phê

Thế Anh lập hai công ty, mạo danh là đại diện của hãng cà phê Mỹ, thu hơn 320 tỷ đồng của hơn 8.600 nhà đầu tư rồi chiếm đoạt.

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng ủy quyền cho VKSND Hà Nội giữ quyền công tố, tham gia xét xử Nguyễn Thế Anh (39 tuổi) và 13 đồng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt cao nhất là chung thân. Hiện hồ sơ vụ án đã được chuyển sang TAND Hà Nội.

Theo cáo buộc, Công ty CP đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 (Công ty 68) do Nguyễn Thế Anh làm tổng giám đốc với vốn điều lệ 20 tỷ, song thực tế chỉ có 20 triệu đồng. Thế Anh triển khai kinh doanh cà phê nhãn hiệu Organo - Gold của Mỹ dưới hình thức bán hàng đa cấp. 

Hơn 8.000 người mắc lừa "tập đoàn" đa cấp cà phê ảnh 1

Bị can Nguyễn Thế Anh (bìa trái) trong một hoạt động của công ty. Ảnh chụp màn hình. 

Công ty hoạt động không hiệu quả nên Thế Anh nảy sinh ý định kêu gọi nhà đầu tư hợp tác kinh doanh để xây dựng hệ thống cà phê Nấm Linh Chi Đỏ. Các nhà đầu tư nộp tiền vào công ty theo các gói 12,6 triệu đồng, 24,6 triệu, 36,6 triệu và được nhận thẻ uống cà phê VIP, dự các cuộc họp, đi du lịch, hưởng lãi (từ 24% đến 80% một tháng).

Theo lời hứa hẹn, khi đầu tư gói 36,6 triệu đồng, tháng thứ nhất khách nhận lãi 9 triệu (24,6%), 12 triệu tháng ở thứ hai (32,8%) và các tháng sau đó được lần lượt 16 triệu (43,7%), 22 triệu (60%). Sau sáu tháng khách nhận tổng lợi nhuận là 125 triệu đồng với gói trên (tương đương 341,5%).

Từ tháng 7/2015, Thế Anh lập 10 chi nhánh, văn phòng ở Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Long An, Bình Dương, Lâm Đồng, TP HCM... 

Tuy nhiên, hai tháng sau, chi nhánh của công ty 68 tại Bình Định bị cơ quan điều tra đình chỉ hoạt động, khóa tài khoản tại thành phố Quy Nhơn do kinh doanh đa cấp. 

Mở rộng thị trường để thu tiền tỷ, chiếm đoạt 

Nhằm tiếp tục hoạt động, mở rộng kinh doanh và thu vốn của khách, Thế Anh lập thêm công ty Phúc Gia Bảo 868, với vốn điều lệ trên giấy tờ là 20 tỷ đồng. Sau đó, bị can lập 10 chi nhánh, văn phòng từ Bắc vào Nam.

Công ty 68 và 868 có tổng cộng 18 chi nhánh, hai văn phòng tại 15 tỉnh, thành.

Để nhà đầu tư tin tưởng nộp tiền vào hai công ty trên, Thế Anh và cấp dưới mời gọi, vận động, hứa hẹn cam kết nếu khách hàng nộp tiền thì sẽ được hưởng lãi suất cao. Sau khi 868 được thành lập, bị can cho lập gói đầu tư mới là 72,6 triệu đồng và 84,6 triệu.

Bị can đã chỉ đạo nhân viên tổ chức rầm rộ các sự kiện cho khách hàng tham gia. Tại hội thảo kết hợp du lịch ở Đà Lạt và Thái Lan, Thế Anh và cấp dưới đưa ra các thông tin quảng bá về hoạt động của công ty, đồng thời khen thưởng, tặng quà cho những người tích cực đầu tư.

Trong các cuộc hội thảo, bị can khoe là đại diện cho hãng cà phê của Mỹ tại Việt Nam. Thực chất, anh ta không kinh doanh cà phê mà chỉ mua loại cà phê này phục vụ các nhà đầu tư đến uống miễn phí...

Thế Anh còn tuyên truyền với các nhà đầu tư, 868 kinh doanh siêu thị, khai thác mỏ, khách sạn... Song thực tế, công ty của anh ta chỉ mở một siêu thị tại quận Gò Vấp (TP HCM), và mới hoạt động đã bị nhà đầu tư đến đòi nợ nên phải đóng cửa. 

Từ tháng 7/2015 đến tháng 2/2016, thông qua các chi nhánh, văn phòng, Công ty 68 và 868 đã ký hơn 8.600 hợp đồng, thu tổng cộng hơn 320 tỷ đồng. Số tiền chi trả lãi suất cho khách hàng là hơn 203 tỷ đồng, còn lại hơn 120 tỷ, Thế Anh và cấp dưới đã chi dùng cá nhân, làm quà tặng và tổ chức các tour du lịch... cho nhà đầu tư.

Đến nay, cơ quan điều tra mới làm rõ có 603 bị hại tới trình báo.

Cơ quan công tố cáo buộc, giúp sức cho Thế Anh là Nguyễn Văn Thông (phó tổng giám đốc 868), Nguyễn Văn Hiển (phó tổng giám đốc 868) và 11 giám đốc các chi nhánh. Những người này bị quy kết tham gia quảng cáo rầm rộ, thu tiền và sử dụng tiền của nhà đầu tư cho hoạt động của chi nhánh. Họ mua cà phê trôi nổi trên thị trường để tặng những người góp vốn vào công ty.

Tin mới