Hòn đảo “4 tuổi” hiếm có trong 150 năm qua gây bất ngờ cho giới khoa học

Thay vì bị nhấn chìm bởi sóng biển và biến mất hoàn toàn chỉ sau vài tháng xuất hiện như tuyệt đại đa số các trường hợp khác, một hòn đảo được hình thành từ phun trào núi lửa ở Thái Bình Dương đã trụ vững hơn 4 năm và gây nên nhiều sự tò mò cho giới khoa học!

Cách đây 4 năm, một cột khói lớn cao đến hơn 9 km đã bất ngờ xuất hiện trên bầu trời Nam Thái Bình Dương. Vài tuần sau, vệ tinh đã ghi nhận một vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển.

Điều đặc biệt là hiện tượng địa chất này đã dẫn dến sự hình thành của một hòn đảo mới, với vị trí nằm giữa 2 hòn đảo đã có từ lâu của Vương quốc Tonga. Giới khoa học đã đặt tên cho hòn đảo non trẻ này là Hunga Tonga-Hunga Ha’apai.

Vừa qua, một nhóm các nhà khoa học thuộc tổ chức “Sea Education Association” (tạm dịch: Tổ chức Giáo dục Biển) và NASA đã lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo gần 5 tuổi này và những gì ghi nhận được tại nơi đây đã khiến các chuyên gia thực sự bất ngờ.

Cụ thể, ngay trên nền đất núi lửa đen còn non trẻ đã phát sinh cả một hệ sinh thái trù phú, nổi bất nhất là các thảm hoa màu hồng, tổ của loài nhạn biển và cú.

Bên cạnh nhiệm vụ tìm hiểu về hệ động thực vật trên đảo Hunga Tonga-Hunga Ha’apai, nhóm nghiên cứu cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến địa chất ở nơi đây. Thông thường, những hòn đảo được hình thành sau vụ phun trào núi lửa chỉ tồn tại trong vài tháng, trước khi chúng lại sụt lụt và biến mất hoàn toàn xuống lòng biển. Tuy nhiên, Hunga Tonga-Hunga Ha’apai lại là một trường hợp ngoại lệ.

Sau gần 5 năm tồn tại, Hunga Tonga-Hunga Ha’apai đã trở thành 1 trong 3 hòn đảo mới được hình thành trong vòng 150 năm trở lại đây có thể trụ vững nhiều hơn vài tháng.

Các nhà khoa học đã thu thập mẫu đá để phân tích thành phần khoáng chất trong đó, nhằm có một cái nhìn chi tiết hơn về nền địa chất của hòn đảo trẻ, cũng như dự đoán khả năng và cấp độ bị xói mòn của nó trong tương lai, trước những con sóng lớn của Thái Bình Dương.

Tiến sỹ Dan, đại diện của nhóm nghiên cứu cho biết: “Bề mặt của hòn đảo này được bao phủ chủ yếu bởi một loại sỏi đen cỡ hạt đậu và địa hình ở đây không hề bằng phẳng như những hình ảnh được chụp lại từ vệ tinh”.

Ngoài ra, quan sát thực địa cũng cho thấy, hòn đảo đã bị xói mòn một cách nhanh chóng bởi những cơn mưa và hệ quả dễ nhận thấy nhất chính là sự hình thành của các vũng, vịnh nhỏ.

Sau khi thu thập đủ dữ liệu, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành dựng bản đồ 3D về hòn đảo và cố gắng tìm hiểu xem quá trình nào đã giúp hòn đảo đứng vững trước những đợt sóng lớn trong nhiều năm, thay vì chịu kết cục bị nhấn chìm như nhiều hòn đảo mới khác.

Những nghiên cứu về hòn đảo khác thường này được hy vọng là có thể cung cấp dữ kiện chưa từng được biết đến về cách các lục địa chất làm phát sinh một vùng đất mới. Nhìn xa hơn, những kiến thức này còn có thể trở thành “chìa khóa” để vén dần lớp màn bí ẩn về lịch sử địa chất trên sao Hỏa.

Tin mới