Hơn nửa triệu lao động nông thôn ở Nghệ An được đào tạo nghề

(Baonghean.vn) - Sáng 27/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị, đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH đồng chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành, HĐND tỉnh và các địa phương, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Anh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Anh
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Anh
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Anh

Đã giải quyết việc làm cho gần 400 ngàn người

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 772.863 lượt người, trong đó, lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án là 578.709 lượt người, đạt 110%, vượt mục tiêu.

Đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn vùng miền núi đang được các cấp ngành chú trọng. Ảnh tư liệu của P.V
Đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn vùng miền núi đang được các cấp ngành chú trọng. Ảnh tư liệu của  P.V

“Công tác giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp được các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh và chủ động hơn, việc gắn kết với doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả; Một số trường đào tạo nghề đã làm tốt việc cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp, gắn với tìm kiếm thị trường lao động” - Bà Hồ Thị Châu Loan cho biết.

10 năm qua, trong tổng số 521.115 người học tốt nghiệp thì 390.279 người có việc làm ổn định, trong đó có 62.755 người làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh; 130.318 làm việc trong các doanh nghiệp ngoài tỉnh; 55.529 người làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 141.277 người tự tạo việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Một số địa phương đã triển khai các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: Yên Thành với nghề trồng nấm, may công nghiệp; Quỳnh Lưu với nghề mây tre đan, may công nghiệp; Diễn Châu với mô hình may công nghiệp, chế biến nước mắm sạch; Nghĩa Đàn với nghề nuôi ong, nuôi gà, trồng cây ăn quả; Con Cuông với nghề trồng cam, trồng chè, dệt thổ cẩm,... Điển hình, một số lao động sau khi học nghề đã thành lập trang trại, HTX, CSSX kinh doanh dịch vụ với thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Hiệu quả sau đào tạo vẫn còn thấp

Bên cạnh những thành quả đạt được thì hiệu quả đào tạo nghề vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đó là cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp còn chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 80,9 %; trình độ trung cấp, cao đẳng, chiếm 19,1 % trên tổng số tuyển sinh đào tạo.

Nghề may đang được nhiều lao động nông thôn lựa chọn. Ảnh tư liệu của Thanh Phúc
 Nghề may đang được nhiều lao động nông thôn lựa chọn. Ảnh tư liệu của Thanh Phúc

“Đào tạo nghề trên địa bàn các huyện vẫn chưa gắn kết được mối liên hệ giữa doanh nghiệp, người học nghề và cơ sở đào tạo. Các học viên sau khi học nghề chủ yếu là tự tạo việc làm nên hiệu quả việc làm sau đào tạo một số nghề chưa cao, dẫn đến việc làm chưa bền vững”- Đại diện Sở NN & PTNT  nêu ý kiến.

"Có một thực trạng là hiện nay lao động trong độ tuổi chủ yếu muốn đi XKLĐ, số người muốn học nghề thường quá độ tuổi, lại có tâm lý muốn đi học để hưởng chính sách chứ không phải để được trang bị nghề. Đó cũng là một nguyên nhân khiến hiệu quả đào tạo nghề chưa đạt được hiệu quả như mong muốn” - Hiệu trưởng Bùi Văn Dũng - Trường Cao đẳng Việt Đức nêu ý kiến.
Một nguyên nhân khiến hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được như mong muốn đó là, năng lực đào tạo của một số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn hạn chế, nhất là các Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo của các cơ sở GDNN còn thiếu, lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của khoa học.

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều lao động sau đào tạo không có việc làm là hiện nay số lượng doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, quy mô nhỏ, nhất là vùng nông thôn; nhiều doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động lớn nhưng chủ yếu là lao động phổ thông. 

Đồng chí Bùi Đình Long kết luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Anh
Đồng chí Bùi Đình Long kết luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Anh

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, cơ quan, đơn vị đối với công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Các địa phương và các cơ sở dạy nghề phải thực sự lưu ý việc biên chế cho giáo viên dạy nghề để giáo viên ở lĩnh vực này chuyên tâm trau dồi tay nghề, cống hiến lâu dài ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.

"Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo việc làm cho những lao động sau đào tạo ngắn hạn, điều đó đồng nghĩa với việc khảo sát các nghề, tăng cường truyền thông để lao động trên địa bàn chọn đúng nghề phù hợp với tay nghề và nguyện vọng của mình, phù hợp với đầu ra”.

Dịp này, UBND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể xuất sắc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Ảnh: Đức Anh
Dịp này, UBND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể xuất sắc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Ảnh: Đức Anh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: "Sở LĐ,TB&XH cần đánh giá lại nhu cầu hiệu quả của công tác đào tạo nghề; chú trọng tạo cơ hội việc làm cho người học ngay trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục cần có cơ chế chính sách đào tạo nghề cho đối tượng mất việc do dịch bệnh, các lao động về từ vùng dịch nay đang thất nghiệp, góp phần giảm tình trạng thất nghiệp dài cho các đối tượng này".

Tin mới