Hợp tác Mỹ - ASEAN trước thách thức an ninh khu vực

(Baonghean) - Trong 2 ngày 30/9 và 1/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các nước ASEAN đã có cuộc gặp không chính thức tại Hawaii, Mỹ. Sau Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ ở Sunnylands hồi tháng 2/2016, đây là lần thứ 2 Mỹ và ASEAN có cuộc gặp quan trọng chỉ trong vòng một năm, cho thấy mối quan tâm đặc biệt của hai bên trong hợp tác đảm bảo an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng My Aston Carter khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “xoay trục”. Ảnh: Diplomat.
Bộ trưởng Quốc phòng My Aston Carter khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “xoay trục”. Ảnh: Diplomat.

Điểm nhấn Biển Đông

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các nước ASEAN đã thảo luận nhiều vấn đề về an ninh khu vực như cướp biển, khủng bố, thiên tai, song mối quan tâm lớn nhất là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Mối quan tâm này xuất phát từ tình trạng gia tăng căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, nơi một số nước ASEAN đang có các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc tăng tốc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo trên một số đá ngầm, bãi cạn cũng như có các hành động quân sự hóa trên Biển Đông. Các bước đi của Trung Quốc được cho là đang tạo ra thách thức lớn cho an ninh khu vực.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, các nước cần tìm kiếm giải pháp thiết thực để xoa dịu căng thẳng. Dù Singapore không có các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, song lợi ích quốc gia của Singapore ở khu vực này chính là sự đảm bảo lưu thông thông suốt và an toàn cho các tuyến vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và đường không.

Ông Ng Eng Hen cho rằng, các sự cố trên biển có thể không liên quan tới các tàu quân sự, bởi hải quân các nước đã thiết lập một số nghị định thư quy định cách ứng xử của các bên trong trường hợp xảy ra chạm trán trên biển. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn lại gia tăng giữa các tàu cá hoặc tàu dân sự của các nước.

Trước mối quan ngại này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN đã thảo luận về những cách thức ngăn chặn leo thang căng thẳng nếu có sự cố xảy ra, đó là thiết lập các kênh liên lạc trực tiếp, tổ chức các diễn đàn đa phương để đưa tranh chấp ra thảo luận cũng như tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp.

Quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nhận được sự đồng thuận lớn của các Bộ trưởng tham gia cuộc gặp, bởi Biển Đông là tuyến đường giao thương hàng hải cực kỳ quan trọng của thế giới, và một trật tự dựa trên pháp quyền ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng với an ninh khu vực và sự thịnh vượng về kinh tế.

Để giữ cho tuyến hàng hải trên Biển Đông luôn rộng mở và an toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ “không màng đến những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông” và sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở các vùng nước và vùng trời xung quanh các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

Đặc biệt, tại cuộc gặp, phía Mỹ đã đưa ra sáng kiến về “một mạng lưới an ninh toàn diện và có nguyên tắc”. “Mạng lưới này sẽ giúp chúng ta duy trì các nguyên tắc nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đảm bảo các nước có thể tự do đưa ra lựa chọn của mình mà không phải chịu sức ép từ bên ngoài, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực theo quy định của luật pháp quốc tế” - ông Carter cho biết. Phía Mỹ cũng dự kiến chia sẻ những vấn đề về an ninh hàng hải, đặc biệt là hợp tác giữa các lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển tại cuộc đối thoại về hàng hải vào năm sau.

Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại những vùng biển và vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý. Ảnh: AFP.
Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại những vùng biển và vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý. Ảnh: AFP.

Clinton hay Trump, Mỹ vẫn “xoay trục”

Theo các chuyên gia, cuộc gặp tại Hawaii lần này thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á trong chính sách tái cân bằng ở Châu Á - Thái Bình Dương, giống như cam kết từng được Mỹ đưa ra tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt tại Sunnylands hồi tháng 2. Trước các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter một lần nữa khẳng định: “Sẽ còn rất nhiều cơ hội hợp tác, và chúng tôi bảo đảm rằng sự hiện diện của chúng tôi ở khu vực vẫn vững chãi trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo”.

Tầm quan trọng về kinh tế và an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là yếu tố quan trọng nhất khiến Mỹ tiếp tục chiến lược tái cân bằng, bất kể ai sẽ kế nhiệm ông Barack Obama là chủ Nhà Trắng. Trong đó, ASEAN được Mỹ coi là “tái cân bằng trong tái cân bằng”. Về kinh tế, với sự ra đời của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vai trò của châu Á - Thái Bình Dương trong đó có ASEAN sẽ trở nên quan trọng trong chính sách của Mỹ.

Ngoài ra, với việc thành lập Cộng đồng kinh tế, một thị trường ASEAN thống nhất sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ hơn so với 10 nước riêng lẻ. Về an ninh, dù bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ, chắc chắn việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông sẽ luôn là ưu tiên đối ngoại của Washington.

Về phía ASEAN, mối quan hệ hợp tác với Mỹ cũng như các đối tác ngoài khu vực khác cũng được xác định  là rất quan trọng đối với với hòa bình, an ninh và phát triển. Sự tham gia có trách nhiệm của Mỹ sẽ giúp ASEAN hiện thực hóa mục tiêu Cộng đồng ASEAN 2025 và xa hơn.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng, “xoay trục” là sản phẩm của chính quyền Barack Obama. Để chính sách này tiếp tục được duy trì trong chính quyền kế nhiệm như cam kết từ phía Mỹ, bản thân các nước ASEAN cũng cần tích cực chủ động, hợp tác vì lợi ích chung.

Do đó, tăng cường đối thoại ASEAN - Mỹ, kể cả đối thoại không chính thức để tham vấn, tăng cường hiểu biết về chính sách cũng như các ưu tiên của nhau là rất quan trọng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng cho rằng, cùng với các cơ chế như Đối thoại Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Đối thoại Shangri-La, cuộc gặp không chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN tại Hawaii cũng là một nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh, duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới