Huấn luyện viên Park Hang-seo và chuyện đưa bóng đá Việt vươn lên hàng đầu khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Theo nhiều người gần gũi với ông Park Hang-seo kể lại, hồi năm 2017, khi bắt đầu đến Việt Nam, ông dường như không có nhiều thông tin về “bóng đá vùng trũng” này. Ông tự nhủ rằng: hãy làm việc chăm chỉ và nỗ lực, mọi việc sẽ dẫn tới kết quả tốt đẹp, ít nhất thì cũng để người khác không phải thất vọng và luôn có “cảm tình” với người Hàn Quốc.

Để rồi sau đó, ông liên tục đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa bóng đá Việt vươn lên hàng đầu khu vực và từng bước vươn ra châu lục, rất gần với một tấm vé dự ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới World Cup. Đó là bước đi lên, trưởng thành của bóng đá Việt với công lao của nhiều tập thể, cá nhân, trong đó có dấu ấn đặc biệt của chiến lược gia người Hàn Quốc, huấn luyện viên Park Hang-seo.

Nhưng nên nhớ “công lao lớn” của huấn luyện viên Park Hang-seo lại bắt đầu từ những việc mà nhiều khi chúng ta lại coi là nhỏ lẻ, vụn vặt. Nên nhớ lịch sử bóng đá Việt lâu nay không hiếm việc nhiều cầu thủ được gọi lên đội tuyển quốc gia nhưng “lên rồi về” đơn giản như không, lý do lãng xẹt, lên mà không chịu học hỏi, phấn đấu, buông xuôi. Chưa kể, đội tuyển không làm nên chuyện gì đáng nói thì lên với không lên nhiều khi cũng không khác nhau là mấy, nên người ta thờ ơ, qua chuyện, lấy lệ, nước chảy bèo trôi.

HLV Park Hang-seo đem lại nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam và ngược lại, nhờ vậy ông cũng được đãi ngộ xứng đáng. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn

HLV Park Hang-seo đem lại nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam và ngược lại, nhờ vậy ông cũng được đãi ngộ xứng đáng. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn

Nhưng với huấn luyện viên Park Hang-seo, bất cứ ai được chọn lên tuyển là đi làm nhiệm vụ quốc gia, vinh dự quốc gia, đại diện cho nền bóng đá để “Mang chuông đi đánh nước người/Không kêu cũng gõ một hồi cho kêu” như tâm thức truyền thống của người Việt từ bao đời nay.

Việc đầu tiên là trau dồi ý thức cho từng cầu thủ, lần đầu lên tuyển cũng như trở lại tuyển, bằng việc làm cụ thể, thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam, nhất là những người khoác lên mình tấm áo đội tuyển Việt Nam, là phải hát “tròn vành, rõ chữ” Quốc ca Việt Nam. Hoàn thành tốt công việc đầu tiên đó, nghi thức “nhập đội” đó thì mới bước vào tập luyện thể lực, kỹ chiến thuật, mới đủ sức lực và niềm tin để sẵn sàng bước vào những trận chiến khó khăn nhưng nhất định thành công ở phía trước.

Khi đã thành quen, thành nếp, người ta hay nói tới câu chuyện “học trò cưng” của huấn luyện viên Park Hang-seo với nhiều ý xuôi ngược khác nhau. Nhưng trên tất cả, ông thầy đã có niềm tin với bất cứ học trò nào luôn “chăm chỉ và nỗ lực” thì tin tưởng đến tận cùng, không gì có thể lay chuyển.

Câu chuyện giống và khác nhau liên quan đến hai “học trò vớt” Văn Đức và Xuân Mạnh là một câu chuyện nói được rất nhiều điều. Hai học trò đến từ Sông Lam Nghệ An này đều “xuất thân” từ vòng chung kết giải U21 Báo Thanh Niên năm 2018, được gọi bổ sung và thậm chí được lọt vào danh sách cuối cùng cho trận chiến đầu tiên làm nên vẻ vang ở Thường Châu tuyết trắng năm đó, đưa hai nhân tố trẻ xuất sắc này lên cùng “đội” với Quang Hải, với Xuân Trường, Công Phượng…Nhưng bước ngoặt đã xảy ra sau khi cả hai lần lượt dính chấn thương, Văn Đức trở lại là chính mình và tiếp tục được gọi, còn Xuân Mạnh trầy trật gọi lên, trả về dù vẫn chơi hay mọi nhẽ ở đội bóng thành Vinh?

Huấn luyện viên Park Hang-seo cố gắng tạo bầu không khí thoải mái ở Đội tuyển Việt Nam trước trận gặp Đội tuyển Singapore. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Huấn luyện viên Park Hang-seo cố gắng tạo bầu không khí thoải mái ở Đội tuyển Việt Nam trước trận gặp Đội tuyển Singapore. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Để thấy, Huấn luyện viên Park Hang-seo luôn rõ ràng, rành mạch, thương là thương đến tận cùng, là “thương cho trót” như cách ông tin gọi và xếp đá chính cho Văn Đức, tin ở cậu học trò mảnh khảnh này dù dư luận có lúc đã buông những lời tàn nhẫn (nhất là ở vòng loại thứ 3 World Cup). Niềm tin của ông là có cơ sở, có thành quả cụ thể, được đền đáp xứng đáng với bàn thắng đẹp như mơ của Văn Đức trong trận thắng người láng giềng Trung Quốc hồi đầu Xuân Nhâm Dần này.

Trong khi đó, chuyện với Xuân Mạnh đang diễn biến không được như mong đợi, vẫn “trục trặc thì trục trặc cho luôn” đem lại băn khoăn, chờ đợi bấy lâu của ông thầy cũng như đông đảo người hâm mộ. Xuân Mạnh tốt, nhưng dường như các đồng đội cùng vị trí trên tuyển còn tốt hơn, đa năng hơn, hiệu quả hơn, đành khăn gói trở lại quê nhà trong những chiến dịch lớn của đội tuyển. Nhưng thật khâm phục, Xuân Mạnh luôn không nản chí, luôn “chăm chỉ và nỗ lực” ở Sông Lam Nghệ An và chắc chắn cánh cửa lên tuyển, để hát lại cho “tròn vành rõ chữ” Quốc ca Việt Nam sẽ lại đến, cho dù người cầm sa bàn chỉ đạo là ông Park Hang-seo, là ông Lee Young-jin, ông Gong Oh-kun hay bất cứ ông thầy nào khác sẽ đến sau ngày 31/3/2023.

Chuyện về dấu ấn của ông Park Hang-seo còn nhiều, còn được nói tới nhiều trong hành trình của bóng đá Việt. Quan trọng nhất, ông là người biết khơi dậy niềm tin, niềm tự hào, tập hợp và nâng cao sức mạnh của từng người thành sức mạnh đồng bộ, nhân lên của một tập thể, một đội bóng giàu bản sắc và cá tính, một lối chơi thăng hoa, cống hiến và rất khó bị đánh bại. Chuyện đơn giản, đầu tiên là ra sân không sợ Thái Lan, không sợ bất cứ đối thủ nào. Sau đó là chiến thắng làm đà cho chiến thắng, niềm tin nối tiếp niềm tin, mỗi khi các tuyển thủ vinh dự được khoác lên tấm áo đỏ truyền thống, ngẩng đầu hát Quốc ca Việt Nam và hiên ngang, hùng dũng bước ra trận tiền…

Tin mới