Hưng Nguyên quyết tâm hoàn thành huyện nông thôn mới

Hưng Tân là xã đầu tiên của huyện Hưng Nguyên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối tháng 12/2023. Trên địa bàn xã hiện có 150 gia trại, trang trại chăn nuôi; diện tích sản xuất lúa hàng hóa chiếm trên 50%; mô hình trồng tỏi công nghệ cao, trồng dưa chuột không giàn trên đất 2 lúa, xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao, thương hiệu “Bánh cà quê Hưng Tân” với 1/5 số hộ dân trong xã tham gia; xuất khẩu lao động mỗi năm đưa về cho địa phương hơn 20 tỷ đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân Nguyễn Trọng Hoàng cho biết thêm: Địa phương đang tiếp tục xây dựng xã Hưng Tân trở thành điểm tham quan, du lịch cộng đồng, trong đó xác định hướng đi “phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng con người Hưng Tân năng động, nghĩa tình, mến khách”.

Không gian, môi trường hôm nay ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Hưng Tân. Ảnh: Đậu Kiều Hoa
Không gian, môi trường hôm nay ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Hưng Tân. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Ở xã Hưng Thông, thông qua xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng một ý chí, quyết tâm, đồng thuận đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương khang trang về diện mạo nông thôn, giàu hơn về kinh tế và mạnh hơn về đời sống văn hóa, tinh thần.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tráng – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông, cho biết: Thu nhập bình quân đầu người tăng lên hơn 51 triệu đồng/năm; tư duy kinh tế của người dân từng bước thay đổi, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đa dạng ngành nghề, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện điều kiện sống, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh…

Xã Hưng Thông huy động nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Xã Hưng Thông huy động nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các lực lượng xã hội và hưởng ứng, chung tay góp sức của Nhân dân, huyện Hưng Nguyên đã tạo ra bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực và đồng đều giữa các vùng, địa phương. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thị trấn Hưng Nguyên đã hoàn thành 9 tiêu chí đô thị văn minh. Trong 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Riêng 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tính đến cuối năm 2023 đã có 5/9 tiêu chí hoàn thành; gồm tiêu chí quy hoạch; giao thông; thủy lợi, phòng chống thiên tai; điện và kinh tế. Ở 4 tiêu chí còn lại với 24 chỉ tiêu cũng chỉ còn 11 chỉ tiêu chưa hoàn thành, như cơ sở vật chất văn hóa, cảnh quan môi trường thị trấn; các công trình thuộc Trung tâm Văn hóa huyện; hạ tầng cung cấp nước sạch tập trung; các nội dung thuộc tiêu chí môi trường, môi trường sống. Các chỉ tiêu này đang được huyện Hưng Nguyên tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu trình tỉnh và Trung ương thẩm định vào quý II năm 2024.

Ngôi trường tiểu học trên quê hương Nguyễn Trường Tộ, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa
Ngôi trường tiểu học trên quê hương Nguyễn Trường Tộ, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa

Sự phát triển ở huyện Hưng Nguyên, theo chia sẻ của đồng chí Lê Phạm Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện là đã định rõ hướng đi kinh tế nông nghiệp hàng hóa an toàn, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, trong tổng 5.100ha diện tích lúa, địa phương đã cơ cấu giống lúa chất lượng cao hơn 60% diện tích, gắn với xây dựng thương hiệu gạo Hưng Nguyên.

Diện tích đất đồi, đất màu đồng, đất bãi tập trung phát triển các cây trồng có lợi thế như chanh trái, trồng đào cảnh với hàng trăm ha tại 2 xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc; phát triển cây cam Xã Đoài tại xã Hưng Trung hơn 20ha; xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như trồng nho mẫu đơn, dưa lưới tại xã Hưng Thành; trồng cây dược liệu sâm ngưu bàng tại xã Long Xá; trồng rau thủy canh, hữu cơ tại xã Hưng Lĩnh; mô hình chăn nuôi bán chăn thả gà đồi với hàng nghìn con/lứa tại xã Hưng Yên Nam… Trên địa bàn huyện hiện có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, như bánh cà, kẹo cu đơ, mắm tép, chả rươi, tinh bột nghệ…

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra tiến độ thi công công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn và kiểm tra mô hình sản xuất rau theo phương thức canh tác hữu cơ tại xã Hưng Lĩnh; Mô hình trồng nho gắn với du lịch trải nghiệm canh nông tại xã Hưng Thành đang phát huy hiệu quả kinh tế cao; Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hưng Thành. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra tiến độ thi công công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn và kiểm tra mô hình sản xuất rau theo phương thức canh tác hữu cơ tại xã Hưng Lĩnh; Mô hình trồng nho gắn với du lịch trải nghiệm canh nông tại xã Hưng Thành đang phát huy hiệu quả kinh tế cao; Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hưng Thành. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với nông nghiệp, huyện Hưng Nguyên đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, dịch vụ. Toàn huyện hiện có hơn 300 doanh nghiệp với nhiều ngành nghề kinh doanh; đặc biệt Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP được đầu tư với tổng diện tích gần 750ha, trong đó đã thu hút 43 dự án vào đầu tư và trong số đó có 27 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động. Kết quả này minh chứng sự phát triển năng động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương liên tiếp 2 năm 2022, 2023, địa phương đạt tốc độ tăng trưởng 15,7 – 16,5%.

Bộ mặt nông thôn huyện Hưng Nguyên đang trên đà phát triển theo hướng hiện đại, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ. Hiện trên địa bàn có hơn 83km quốc lộ, đường tỉnh và hơn 130km đường huyện đều được thảm nhựa, bê tông. Hệ thống đường xã, đường đô thị và trục chính các khối, xóm với hàng nghìn km cơ bản bê tông hóa.

Nâng cấp Quốc lộ 46, đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa
Nâng cấp Quốc lộ 46, đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa
Thi công đê sông tại xã Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa
Thi công đê sông tại xã Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa

Một số tuyến đường mới đang triển khai (như tuyến đường nối Quốc lộ 46 với đường tỉnh 542C qua xã Hưng Đạo; đường nối Quốc lộ 46 với đường tỉnh 542B tại xã Hưng Thịnh và đường Lê Xuân Đào tại xã Hưng Thông…) và hệ thống đê sông, kênh, hồ được quan tâm cải tạo, nâng cấp; góp phần mở rộng không gian nông thôn, thúc đẩy phát triển.

Đặc biệt, huyện quyết liệt chỉ đạo hoàn thành một số hạng mục, như sân vườn, tượng đài, phù điêu, đường giao thông tại Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh; hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình Công viên thanh thiếu niên và Khu Di tích 12/9; góp phần tạo điểm nhấn mới cho bộ mặt nông thôn Hưng Nguyên khang trang, hiện đại hơn.