Hướng dẫn mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Nội vụ thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sở Nội vụ Nghệ An. Ảnh minh họa
Sở Nội vụ Nghệ An. Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ như sau: Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua, khen thưởng.

Sở Nội vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của  UBND cấp tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nội vụ.

Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Lê Đình Lý kiểm tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức xã Diễn An (Diễn Châu) năm 2018. Ảnh tư liệu
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Lê Đình Lý kiểm tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức xã Diễn An (Diễn Châu) năm 2018. Ảnh tư liệu

Dự thảo Thông tư hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, trên cơ sở cập nhật các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn được quy định các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Về cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP: Việc quyết định cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, trên cơ sở các tiêu chí đã được pháp luật quy định cụ thể; đồng thời Nghị định số 107/2020/NĐ-CP không quy định việc Bộ trưởng hướng dẫn cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ. Do đó, dự thảo Thông tư lần này không hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ.

Về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục và tổ chức tương đương thuộc Sở Nội vụ, kế thừa quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Nội vụ thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, dự thảo Thông tư lần này tiếp tục quy định Sở Nội vụ có 3 tổ chức là Chi cục và tổ chức tương đương (Chi cục Văn thư - Lưu trữ, Ban Tôn giáo, Ban Thi đua - Khen thưởng, để giúp Giám đốc Sở Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng).

Dự thảo Thông tư cũng quy định đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đáp ứng đủ tiêu chí để thành lập chi cục và tổ chức tương đương chi cục trực thuộc Sở Nội vụ, thì Sở Nội vụ bố trí phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ, thi đua, khen thưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời đối với lĩnh vực văn thư, lưu trữ nhà nước, thì Sở Nội vụ tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh.  

Tin mới