Hướng mở từ nuôi bồ câu Pháp của nông dân Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá thức ăn liên tục tăng, người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều thì mô hình nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp đem lại hiệu quả cao, ít rủi ro.
Mô hình nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp, quy mô lớn của anh Phan Kim Hảo (xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc
Mô hình nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp, quy mô lớn của anh Phan Kim Hảo ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc

Sau 5 năm đầu thầu vùng đất hoang hóa của xã để phát triển kinh tế trang trại nuôi gà thịt, đến năm 2020, anh Phạm Kim Hảo ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) bàn giao lại cho người anh em rồi chuyển về sống gần bố mẹ già. Vườn đồi rộng nhưng nếu nuôi gà, nuôi lợn trong thời điểm giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, việc tiêu thụ gặp khó khăn nên anh Hảo đã rất trăn trở.

Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường cũng như hiệu quả của mô hình nuôi bồ câu Pháp ở nhiều nơi, anh Hảo quyết định thử nghiệm. Anh Hảo mua 14 đôi bồ câu Pháp về nuôi thử để theo dõi quá trình phát triển cũng như sự thích ứng môi trường và thức ăn của chim. Qua quá trình nuôi thử, thấy bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản, chủ yếu là lúa và ngô, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Do đó, anh tự nhân giống và mở rộng quy mô. 

Thức ăn chủ yếu của bồ câu là lúa, ngô nên không chịu áp lực về giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã. Ảnh: Thanh Phúc
Thức ăn chủ yếu của bồ câu là lúa, ngô nên không chịu áp lực về giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã. Ảnh: Thanh Phúc

Để nuôi chim hiệu quả, anh đầu tư lồng, làm chuồng trại kiên cố, có hệ thống cấp nước uống tự động cho chim, có quạt thông gió đảm bảo chuồng trại luôn thoáng mát và sử dụng đệm lót sinh học để đảm bảo môi trường. Để hạn chế vốn đầu tư ban đầu, anh Hảo chủ động nhân giống với cách làm sáng tạo là chia các cặp chim bố mẹ thành 2 đội: Một đội chuyên đẻ trứng và một đội chuyên ấp trứng. Với những cặp chim bố mẹ chuyên sinh sản, anh Hảo sẽ để chim đẻ trứng, sau đó trứng được ấp bằng lồng ấp điện, khi không còn trứng, chim bố mẹ không mất thời gian ấp trứng nữa, rút ngắn thời gian đẻ trứng từ 45 ngày xuống 22 - 23 ngày/lứa. Với cách làm này, trong cùng 1 thời gian và chi phí đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất chim bồ câu thương phẩm lên 1,5 - 1,8 lần so với cách truyền thống.

Anh Hảo đầu tư máy ấp trứng bằng điện để tăng năng suất, sản lượng. Ảnh: Thanh Phúc
Anh Hảo đầu tư máy ấp trứng bằng điện để tăng năng suất, sản lượng. Ảnh: Thanh Phúc

Nhận thấy chim bồ câu Pháp sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn song phẩm chất thịt lại kém, trong khi bồ câu ta thì thịt thơm ngon nhưng nhỏ con, chậm sinh trưởng, do đó, anh Hảo đang nuôi thử nghiệm giống chim bồ câu lai giữa bồ câu ta và giống chim bồ câu Pháp để có chất lượng thịt thơm, ngon, trọng lượng đạt chuẩn.

Hiện gia đình anh có hơn 200 đôi chim, chủ yếu cung cấp con giống cho thị trường, mỗi năm thu lãi 60 - 80 triệu đồng. Dự kiến, thời gian tới, anh Hảo sẽ phát triển lên 400-500 đôi chim bồ câu Pháp và lai Pháp. 

Để tăng phẩm chất thịt và trọng lượng, hiện anh Hảo đang thử nghiệm nuôi giống bồ câu lai Pháp và bồ câu ta. Ảnh: Thanh Phúc
Để tăng phẩm chất thịt và trọng lượng, hiện anh Hảo đang thử nghiệm nuôi giống bồ câu lai Pháp và bồ câu ta. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Phạm Kim Hảo cho biết: “Bồ câu là giống dễ nuôi, chuồng trại đơn giản. Đặc biệt, thức ăn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như cám lúa, ngô nên tiết kiệm chi phí, tránh rủi ro. Mặt khác, thị trường cũng dễ tiêu thụ hơn các loại gia cầm khác.  

Với các hộ gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, đây là hướng làm kinh tế hiệu quả để thoát nghèo. Song cần có hướng về thị trường, tư vấn kỹ thuật chuồng trại và chăm sóc để mô hình phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao nhất”.

Tin mới