Hướng phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở huyện Tương Dương

(Baonghean.vn) - Với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, hiện mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ, nhất là hồ Thủy điện Bản Vẽ đã đạt nhiều kết quả. Theo đó, hàng chục hộ dân tại nhiều xã của huyện Tương Dương đã thoát nghèo, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thoát nghèo nhờ nuôi cá trên lòng hồ

Gia đình bà Đậu Thị Vinh, người gốc Cửa Rào, xã Xá Lượng trước đây là hộ nghèo. Tuy nhiên, với ý thức vươn lên, cùng với nhận thấy lợi thế lòng hồ với diện tích mặt nước rộng, lại chủ động được nguồn thức ăn, nên gia đình bà cũng như một số hộ đã rủ nhau vào vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ làm lồng nuôi cá, tính đến nay đã 6 - 7 năm.

anh
Các hộ nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Đ.C

Theo bà Vinh, khi huyện có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện, bà là một trong những người tiên phong. Để có nguồn kinh phí ban đầu bà đã phải vay mượn. Tuy nhiên, thời gian đầu chủ yếu nuôi tự phát, chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên hiệu quả không cao, chưa kể cá bị bệnh không biết cách chữa trị kịp thời nên thiệt hại không ít. Nhưng với quyết tâm, cùng với đó là sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn trong việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật nên việc nuôi cá lồng dần đi vào ổn định. Việc chăm nuôi khoa học hơn, cá phát triển tốt và ít bị bệnh hơn.

Được biết, hiện nay với 8 lồng cá, chủ yếu nuôi cá trắm, cá ghé, mỗi năm gia đình bà Vinh thu về trên 100 triệu đồng, chưa kể ngay trên bè nuôi bà còn bán tạp hóa, trông giữ xe... Bà Vinh phấn khởi cho biết: Cũng nhờ vào thu nhập từ nuôi cá lòng hồ mà hiện nay gia đình dựng được căn nhà gỗ chắc chắn ngay trên lồng bè, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền mà trước đây có “nằm mơ” cũng không có như tivi, tủ lạnh… Quan trọng hơn cả là có điều kiện cho con cái học hành đến nơi, đến chốn”.

anh
Bà Đậu Thị Vinh cho cá ăn. Ảnh: Đ.C

Tương tự gia đình bà Vinh, hộ các ông Vi Văn Quy, Lô Văn Chương, Lương Văn Thắng… hiện đều có thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng. Theo ông Lô Văn Chương, việc nuôi cá không tốn kém nhiều công sức, thức ăn cho cá chủ yếu là rau, cỏ nên cũng dễ kiếm. Mỗi năm, từ chăn nuôi bò và lồng cá, gia đình ông có thu nhập ổn định từ 40 - 50 triệu đồng. 

Còn theo ông Vi Văn Quy chia sẻ: So với trồng rừng và làm ruộng thì việc nuôi cá cho thu nhập cao hơn, lại nhàn. Về kinh nghiệm nuôi cá, theo ông Quy, tùy từng loại cá sẽ có cách chăm sóc và liều lượng thức ăn khác nhau. Các loại cá rô phi, cá trắm chủ yếu cho ăn cỏ và các loại lá rừng. Còn các loại cá lăng, cá leo… thường ăn cá mương được đánh bắt ngay tại lòng hồ. Vào mùa Hè, cá mương nhiều nên tranh thủ đánh bắt, phơi khô dự trữ thức ăn cho cá nuôi vào mùa Đông - thời điểm nguồn thức ăn bị giảm sút.

Gắn kết nuôi cá lồng với du lịch lòng hồ thủy điện

Tìm hiểu được biết, bằng cách lồng ghép nhiều chương trình, dự án như chương trình 30a, chương trình Nông thôn mới,... diện tích nuôi trồng thủy sản tại vùng lòng hồ, đặc biệt từ khi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ tích nước không ngừng được mở rộng. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Tương Dương hiện có 21.450 m3 tổng thể tích nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện, với trên 429 lồng cá, riêng khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ có trên 300 lồng. Trong 9 tháng đầu năm đạt sản lượng 490 tấn, bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25-30 triệu đồng/1 năm.

Đáng nói, cùng với hỗ trợ tích cực người dân vùng lòng hồ và những hộ nuôi cá lồng, hàng năm Công ty thủy điện Bản Vẽ đều thả xuống lòng hồ bản vẽ trên 1 tấn cá giống, gồm: cá trắm, cá chép, cá rô phi, cá lăng... Đây là hoạt động thường niên của công ty nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt, góp phần cân bằng hệ sinh thái, nâng cao sinh kế cho người dân trong khu vực.
anh
3 năm trở lại đây, người nuôi dần tiếp cận với các lồng nuôi công nghệ mới (lồng cải tiến) và lồng công nghệ cao. Ảnh: Đ.C

Nếu những năm trước đây, hệ thống lồng nuôi trên địa bàn chủ yếu là lồng truyền thống, tận dụng các nguyên liệu sẵn có như tre, gỗ, để thiết kế làm lồng thì khoảng 3 năm trở lại đây, người nuôi dần tiếp cận với các lồng nuôi công nghệ mới (lồng cải tiến) và lồng công nghệ cao. Đối với lồng cải tiến, khung lồng bằng sắt, nhựa tiền phong và lưới nên đã tăng được tuổi thọ lồng nuôi. Với lồng công nghệ cao, khung lồng và lưới lồng được làm bằng nhựa HDPE là chất liệu bền vững mà các nước trên thế giới đã áp dụng. Chất liệu này đã được Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích và chứng nhận có độ bền hơn 50 năm, thân thiện với môi trường.

Công ty thủy điện Bản Vẽ thả cá giống. Ảnh tư liệu
Cán bộ Công ty thủy điện Bản Vẽ thả cá giống xuống lòng hồ. Ảnh tư liệu

Ngoài các giống cá truyền thống như trắm cỏ, rô phi đơn tính, cá chép, cá trê...; các giống cá mới có giá trị kinh tế và được thị trường ưa chuộng hiện nay như cá lăng, cá leo, cá trắm đen,... đang được nuôi phổ biến ở các lồng bè, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

anh
Việc nuôi cá không tốn kém nhiều công sức, thức ăn cho cá chủ yếu là rau, cỏ... Ảnh: Đ.C

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, theo Đề án Phát triển thủy sản trên địa bàn huyện Tương Dương, giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Quy hoạch Phát triển thủy sản tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, riêng nuôi lồng trên lòng hồ thủy điện khoảng 578 lồng (80% lồng công nghệ cao, 20% lồng truyền thống ), sản lượng đạt 168 tấn.

Tập trung phát triển ở địa bàn 9 xã, thị trấn như Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Xá Lượng, Lượng Minh, Yên Na, Yên Thắng, Hữu Khuông và thị trấn Thạch Giám. Đối tượng nuôi, ngoài các loại cá truyền thống, sẽ tập trung vào các loại cá có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước… như cá lăng, cá leo, cá chình, cá trắm đen, cá ghé...

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương

Cũng theo ông Lô Khăm Kha, trên cơ sở mục tiêu chung của đề án, huyện sẽ đầu tư hạ tầng và kỹ thuật để cung cấp đủ giống cho nhu cầu người nuôi trong huyện, tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm tạo giống sạch bệnh, tiến tới chủ động sản xuất các giống cá truyền thống để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, không ngừng đổi mới công nghệ khai thác, nuôi tiên tiến, tăng năng suất, sản lượng, đóng góp khoảng 8-10% trong cơ cấu sản lượng của ngành nuôi trồng thủy sản. Phát triển nuôi trồng thủy sản trong mối quan hệ kết hợp hài hòa lợi ích khác, gắn với các ngành kinh tế như du lịch sinh thái, chăn nuôi tổng hợp,... góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, tạo điều kiện, cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia liên kết vào chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản thông qua các khâu: Nuôi trồng - chế biến, bảo quản tươi sống - thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiến tới thiết kế bộ nhận diện thương hiệu như cá lăng, cá chình (Tương Dương). Trước mắt, là xây dựng thương hiệu và tập trung quảng bá sản phẩm. Trong chương trình quảng bá, xây dựng lòng tin, tạo hứng thú tiêu dùng đối với nhân dân trong huyện và các địa phương phụ cận. Khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư kinh doanh vào chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản của huyện, gắn kết nuôi cá lồng với du lịch lòng hồ thủy điện.

Tin mới