Hướng tới xây dựng tòa án điện tử tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đồng chí Trần Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An.

P.V: Thưa đồng chí, được biết trong năm 2022, hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh đạt những kết quả, tạo điểm mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện cải cách hành chính, từng bước chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử... Đồng chí có thể cho biết rõ hơn?

Đồng chí Trần Ngọc Sơn: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định và đưa nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030).

Theo đó, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; Đây cũng là thực hiện cam kết của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử).

Một phiên tòa trực tuyến vào đầu tháng 12.2022. Ảnh: Trần Vũ

Một phiên tòa trực tuyến vào đầu tháng 12.2022. Ảnh: Trần Vũ

P.V: Đồng chí có thể khái quát về kết quả triển khai tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An?

Đồng chí Trần Ngọc Sơn: Đối với Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An, trên cơ sở chỉ đạo chung của Tòa án nhân dân tối cao, cũng như thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 12/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính trong các cơ quan cấp tỉnh; Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu về con người, thiếu về nền tảng công nghệ, nhất là đối với Tòa án nhân dân cấp huyện, tuy nhiên, Tòa án nhân dân hai cấp đã triển khai mạnh mẽ để bắt kịp các chủ trương chung.

Hiện nay, các phần mềm ứng dụng của Tòa án nhân dân tối cao triển khai đều được ứng dụng hiệu quả tại Tòa án nhân dân hai cấp, tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian của đội ngũ làm công tác báo cáo, thống kê, theo dõi, quản lý vụ việc. Tòa án nhân dân hai cấp đã công khai được 34.125 bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử; tổ chức hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối Tòa án nhân dân; thực hiện nhập các vụ việc trên phần mềm quản lý nghiệp vụ giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc của lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp.

Trong công tác tống đạt, Tòa án nhân dân tỉnh đã chủ trương triển khai đẩy mạnh việc tống đạt cho các đương sự thông qua các nền tảng mạng xã hội (nếu được sự đồng ý của đương sự), việc này đã giúp tiết kiệm được 60.000 đồng 1 lượt tống đạt trong địa bàn thành phố/1 trường hợp và 130.000 đồng 1 lượt tống đạt ngoài thành phố/1 trường hợp so với tống đạt qua Thừa phát lại (các đơn vị TAND cấp huyện cũng tương tự). 6 tháng đầu năm tống đạt hơn 3.000 giấy triệu tập bằng hình thức qua Zalo, mạng xã hội, tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng; thực hiện việc cấp sao bản án, quyết định cho đương sự trên hệ thống trực tuyến dịch vụ công Tòa án nhân dân; cung cấp các bản án, quyết định cho phần mềm Trợ lý ảo Tòa án nhân dân.

Các cán bộ hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo về đường truyền tín hiệu cho phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu TAND tỉnh. Ảnh: Hoài Thu

Các cán bộ hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo về đường truyền tín hiệu cho phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu TAND tỉnh. Ảnh: Hoài Thu

Đối với việc xét xử trực tuyến, hiện nay đã có Tòa án nhân dân tỉnh và 19/21 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện lắp đặt hệ thống trực tuyến (2 đơn vị do đang sửa chữa trụ sở) đã tổ chức xét xử trực tuyến được 240 phiên tòa hình sự và hành chính (trong đó có vụ án hành chính đến điểm cầu cấp xã) và 4 phiên làm việc vụ án hành chính trực tuyến, là một đơn vị đi đầu trong hệ thống Tòa án về việc tổ chức xét xử trực tuyến tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù là tỉnh có số đơn vị tòa án cấp huyện tương đối lớn.

P.V: Xin đồng chí cho biết về các giải pháp để Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An thực hiện đạt được kết quả nói trên?

Đồng chí Trần Ngọc Sơn: Để đạt được kết quả đó, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Tòa án nhân dân tỉnh đã quán triệt và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số là giải pháp then chốt để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác tòa án, thay đổi tư duy về việc ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, hỗ trợ các thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về cơ sở vật chất, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đã chỉ đạo các đơn vị vận dụng các trang thiết bị sẵn có, đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ thêm để đầu tư đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng việc xét xử trực tuyến.

Về nhân sự, hiện nay Tòa án nhân dân hai cấp chưa có cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách, các cán bộ thực hiện công việc này hầu hết là thư ký. Tòa án nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ để thực hiện nhiệm vụ này, tổ chức tập huấn việc sử dụng các phần mềm cũng như vận hành hệ thống.

Trong công tác phối hợp, Tòa án nhân dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh thực hiện các hoạt động tố tụng trực tuyến, hiện ở trại tạm giam đã được lắp đặt một phòng xử trực tuyến.

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi viết bản án và biên bản phiên tòa. Ảnh: TAND tỉnh

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi viết bản án và biên bản phiên tòa. Ảnh: TAND tỉnh

P.V: Trên cơ sở kết quả đạt được, đồng chí có thể cho biết về kế hoạch trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cải cách hành chính, từng bước chuyển đổi số tại Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Trần Ngọc Sơn: Từ chỗ xác định, tất cả các ứng dụng chuyển đổi số sẽ đem lại lợi ích cho hoạt động tòa án vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tòa án được quán triệt quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và là mục tiêu; lấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả. Bởi vậy, trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới Tòa án nhân dân tỉnh chủ trương đẩy mạnh triển khai phần mềm quản lý nghiệp vụ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh có thể xem xét số liệu thụ lý, giải quyết các vụ việc, tiến độ giải quyết các vụ việc theo thời gian từng ngày, phân công thẩm phán giải quyết vụ việc trực tuyến trên nguyên tắc “ngẫu nhiên, khách quan”.

Tiếp tục bổ sung, đảm bảo 100% vụ án đủ điều kiện sẽ được xét xử bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời khi hệ thống trực tuyến của tòa án ổn định sẽ đề xuất kết nối với hệ thống trực tuyến của UBND các cấp để thực hiện hoạt động tố tụng các vụ án dân sự, hành chính…

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Tin mới