Huy động '3 nhà' trừ rệp xơ bông trắng hại mía

(Baonghean.vn) - Nhiều diện tích mía ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị bệnh rệp xơ bông trắng gây hại với tỷ lệ cao. Để phòng trừ hiệu quả, cả "3 nhà": Nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp đã vào cuộc.

Ở Tân Kỳ có gần 200 ha mía bị rệp xơ bông trắng. Ảnh: Phương Thảo
Ở Tân Kỳ có gần 200 ha mía bị rệp xơ bông trắng. Ảnh: Phương Thảo

Xã Nghĩa Đồng có 227 ha mía nhưng đã có 80 ha mía bị nhiễm bệnh rệp xơ bông trắng. Gia đình ông Lê Văn Kim ở xóm 6B xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ có hơn 1 mẫu mía nhưng đều bị nhiễm bệnh rệp xơ bông trắng gây hại với tỷ lệ 30%.

Những ngày này, ngoài biện pháp phun thuốc phòng trừ gia đình ông Kim kết hợp với biện  pháp cắt tỉa thủ công những cây mía, những khóm mía bị bệnh để đốt nhằm đảm bảo phòng trừ sâu bệnh một cách triệt để.

Nếu không dập dịch kịp thời thì diện tích mía bị rệp gây hại sẽ tăng lên nhanh chóng và nguy cơ giảm về năng suất, sản lượng là rất cao. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc thu nhập sẽ bị giảm trong vụ thu hoạch mía vào cuối năm nay.

Theo báo cáo của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ năm nay rệp xơ bông trắng phát sinh sớm và gây hại với tỷ lệ cao hơn so với năm trước. Tổng diện tích mía  bị nhiễm của toàn huyện lên tới 197,3 ha với tỷ lệ nhiễm rệp xơ bông trắng từ 10-15%. Tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Hành, Nghĩa Đồng, Nghĩa Dũng.

Phòng trừ bệnh rệp xơ bông trắng ở huyện Tân Kỳ có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả thể hiện rõ được sự gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà nhà nước và bà con nông dân. 

Hiện nay Công ty cổ phần mía đường Sông Con đã cung cấp cho người trồng mía 1.500 lít thuốc, 550 chiếc bình bơm để phục vụ công tác phòng trừ rệp xơ bông trắng. Ngoài cung ứng thuốc đặc hiệu, Công ty còn cử các cán bộ nông vụ trực tiếp về hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân để dập dịch kịp thời, hiệu quả.

Phun thuốc phòng trừ và chặt đốt những tán mía bị rệp là cách làm hiện nay ở Tân Kỳ. Ảnh: Phương Thảo
Phun thuốc phòng trừ và chặt đốt những tán mía bị rệp là cách làm hiện nay ở Tân Kỳ. Ảnh: Phương Thảo

Trước sự nguy hiểm của đối tượng rệp xơ bông trắng, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ chỉ đạo nông dân không những tập trung phòng trừ ở những diện tích mía đã bị nhiễm rệp mà còn thường xuyên theo dõi, kiểm tra chặt chẽ để kịp thời phát hiện những diện tích bị nhiễm mới. 

Đặc biệt bà con không được bón thêm phận đạm nên tăng lượng phân bón Kaly để mía cứng cây, tăng đề kháng; Vệ sinh ruộng mía, bóc lá khô già, tạo thông thoáng trong ruộng mía. Đến nay bà con nông dân đã phun thuốc phòng trừ được 147,4 ha mía.

Ông Nguyễn Văn Trình – Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị các xã, đơn vị sản xuất thông báo cho bà con biết bởi trong giai đoạn này dân đang lo làm mùa nên cần phải thông tin cho bà con biết tình hình của rệp đồng thời cử cán bộ chuyên môn kiểm tra hướng dẫn cách phòng trừ cho bà con. Đề nghị công ty mía đường phối hợp với các chủ trồng mía hướng dẫn cho người dân xử lý kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ vật tư để bà con có xử lý ngay”.

                      Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới