Iran khai hỏa: Sự khởi đầu hay kết thúc?

(Baonghean) - Đúng như những gì Iran đã cảnh báo, sau khi việc chôn cất Tướng Qasem Soleimani hoàn tất, Iran lập tức khai hỏa 12 quả tên lửa nhằm thẳng vào 2 căn cứ quân sự Ain Al-Asad và Erbil của Mỹ tại Iraq.

Đòn tấn công chớp nhoáng của Iran khiến nhiều người lo ngại về khả năng đối đầu quân sự toàn diện giữa Mỹ và Iran, đẩy khu vực Trung Đông vào “chảo lửa” được cho là còn nóng bỏng hơn cả thời kỳ chiến tranh Iraq. Nhưng với những người am hiểu tình hình địa chính trị khu vực, vẫn có nhiều ngã rẽ cho những diễn biến tiếp theo sau vụ tấn công này: có thể là khởi đầu một chu kỳ leo thang mới, nhưng cũng có thể là tháo gỡ quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Mỹ và Iran.

Nước cờ nhiều ẩn ý của Iran

Hình ảnh Iran phóng tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Ảnh: CNN
Hình ảnh Iran phóng tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Ảnh: CNN

Chắc chắn cả thế giới không bất ngờ về việc Iran dội tên lửa vào căn cứ Mỹ rạng sáng 8/1. Đó là một phản ứng không thể khác của Iran sau khi tuyên bố Mỹ sẽ phải trả giá và “chuẩn bị hứng chịu hậu quả khủng khiếp” khi sát hại Tướng Qasem Soleimani trong một cuộc không kích tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq. Không chỉ giữ thể diện về mặt ngoại giao, hành động đáp trả của Iran còn giải tỏa cơn giận dữ lên đến đỉnh điểm của người dân Iran, cơn giận dữ của đám đông hàng triệu người tham dự đám tang của Tướng Soleimani và giẫm đạp lên nhau khiến 56 người thiệt mạng.

Iran đã lựa chọn đòn đánh trực diện hơn, dứt khoát hơn  khi tấn công thẳng vào mục tiêu của Mỹ.

Tuy nhiên, thế giới lại khá bất ngờ với cách lựa chọn phương thức trả đũa của Iran. Trong khi cả thế giới “nín thở chờ đợi” trong quãng thời gian Iran “án binh bất động” để tổ chức tang lễ cho Tướng Soleimani, đã có rất nhiều đồn đoán về những lựa chọn hành động của Iran. Trong đó, nhiều ý kiến đồng thuận rằng Iran sẽ sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để “đánh” vào lợi ích của Mỹ trong khu vực như thường thấy. Nhưng Iran đã lựa chọn đòn đánh trực diện hơn, dứt khoát hơn, lần đầu tiên trực tiếp sử dụng quân đội của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran tấn công thẳng vào mục tiêu của Mỹ.

Bên cạnh đó, Iran còn cảnh báo Mỹ và các đồng minh trong khu vực phải hết sức thận trọng trước khi tiến hành các bước trả đũa. Theo đó, Iran tuyên bố sẽ tấn công vào các mục tiêu ở Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Haifa của Israel, thậm chí là tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ nếu Mỹ và các đồng minh tiến hành các vụ trả đũa nhằm vào lãnh thổ Iran. Xét về mặt hình thức, đây xứng đáng là đòn trả đũa “khủng khiếp” như Iran đã cảnh báo, thể hiện tinh thần sẵn sàng đối đầu về mặt quân sự với Mỹ.

Cuộc tấn công của Iran được cho là nhằm giải tỏa cơn giận dữ trong nước sau cái chết của tướng Soleimani. Ảnh: AP
Cuộc tấn công của Iran được cho là nhằm giải tỏa cơn giận dữ trong nước sau cái chết của tướng Soleimani. Ảnh: AP

Tuy nhiên, giới phân tích lại “đọc” được những ẩn ý mà Iran muốn gửi gắm sau vụ không kích ồ ạt vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, trong đó có tuyên bố của Ngoại trưởng Javad Zarif rằng sẽ tự vệ trước bất kỳ hành động gây hấn nào, nhưng Iran không tìm cách leo thang căng thẳng hay chiến tranh. Và trong khi dư luận vẫn còn hồi hộp chờ đợi những thống kê thiệt hại chính thức từ phía Mỹ, nhiều chuyên gia quân sự đã phát hiện ra 2 căn cứ quân sự mà Iran nhắm đến nằm ở khu vực khá biệt lập và có ít binh lính Mỹ đồn trú hơn so với các căn cứ khác kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq.

Đặc biệt, căn cứ không quân Ain Al-Asad mà Iran lựa chọn được cho là mang tính biểu trưng nhiều hơn, bởi đó là căn cứ duy nhất mà Tổng thống Donald Trump tới thăm trong chuyến công du duy nhất tới Iraq hồi tháng 12/2018.

Chính vì vậy, xét về mức độ nghiêm trọng, cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào căn cứ quân sự Mỹ được cho là không tương xứng với việc Mỹ tiêu diệt nhân vật thế lực số 2 của Iran là Tướng Soleimani. Đó là căn cứ để giới phân tích cho rằng, dù tuyên bố sẵn sàng ứng phó với khả năng bùng nổ chiến tranh, song Iran thực chất vẫn để ngỏ cánh cửa nhằm tạm khép lại giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm thời gian qua giữa Mỹ và Iran. Điều đó phần nào thể hiện khi sau cuộc không kích vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, Iran đã không tiến hành thêm bất kỳ bước đi nguy hiểm nào nữa.

Hai căn cứ quân sự Mỹ tại nước này bị tên lửa của Iran tấn công vào rạng sáng ngày 8/1. Ảnh: AP
Hai căn cứ quân sự Mỹ tại nước này bị tên lửa của Iran tấn công vào rạng sáng ngày 8/1. Ảnh: AP

Trump cân nhắc tiến - lùi

Iran có thể muốn để ngỏ lối thoát cho tình hình căng thẳng thời gian qua với Mỹ, nhưng mọi việc liệu có diễn tiến theo chiều hướng đó hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của Tổng thống Donald Trump. Khi tuyên bố không muốn leo thang căng thẳng, không muốn leo thang chiến tranh, Iran cũng đang “đánh cược” vào việc bản thân ông Donald Trump không muốn sa lầy vào màn đối đầu không biết hồi kết với Iran.

Cách tấn công trực diện của Iran khiến thế giới bất ngờ, thì phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khiến thế giới bất ngờ không kém. Thay vì lập tức có bài phát biểu trên truyền hình như thông lệ của các Tổng thống Mỹ trong những thời điểm khủng hoảng chính sách ngoại giao, hay chí ít là đăng tải dòng trạng thái Twitter mà mọi người đã quen thuộc, ông Donald Trump chỉ thông báo “tất cả đều ổn” và mọi việc “để đến ngày mai”.

Các quan chức cấp cao của chính phủ cũng rời Nhà Trắng ngay trong buổi tối sau cuộc tham vấn với Tổng thống mà không đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào. Với phản ứng này, nhiều người cho rằng có thể cuộc tấn công của Iran đã không gây thiệt hại ở mức độ nghiêm trọng khiến Mỹ ngay lập tức phải có bước đi đáp trả. Bởi vì, không ai nghi ngờ về việc toàn bộ lực lượng của Mỹ đều đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào như tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Phản ứng điềm tĩnh hiếm có của ông Donald Trump sau vụ tấn công của Iran. Ảnh: The Nation
Phản ứng điềm tĩnh hiếm có của ông Donald Trump sau vụ tấn công của Iran. Ảnh: The Nation

Khi Iran tấn công căn cứ quân sự của Mỹ, dư luận thế giới đã dự liệu sự việc sẽ diễn tiến theo hai chiều hướng trái ngược nhau: hoặc kích hoạt một cuộc đối đầu quân sự toàn diện Mỹ - Iran, hoặc là hóa giải tạm thời tình hình “căng như dây đàn” giữa hai bên hiện nay. Hai kịch bản này sẽ phụ thuộc vào những tính toán của Tổng thống Donald Trump: leo thang căng thẳng hay lùi một bước. Iran được cho là đang “chơi một canh bạc lớn” bằng việc gây sức ép chính trị với ông Donald Trump.

Với tuyên bố của ông Donald Trump về việc giảm can dự của Mỹ tại nước ngoài, Iran cho rằng vị Tổng thống của nước Mỹ không muốn ghi danh vào lịch sử với tư cách người kích hoạt cuộc chiến quy mô lớn ở Trung Đông sau khi đã rút quân khỏi Iraq, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới đang tới rất gần. Cách tiếp cận này cũng được nhiều nghị sĩ Mỹ ủng hộ khi kêu gọi chính quyền “chấm dứt những hành động khiêu khích không cần thiết” song song với việc yêu cầu Iran chấm dứt bạo lực.

Lính nhảy dù của Quân đội Mỹ rời Fort Bragg, North Carolina, tới Trung Đông, ngày 5/1. Ảnh: Reuters
Lính nhảy dù của Quân đội Mỹ rời Fort Bragg, North Carolina, tới Trung Đông, ngày 5/1. Ảnh: Reuters

Việc lùi thời điểm đưa ra tuyên bố chính thức được cho là để Tổng thống Donald Trump cân nhắc giữa 2 sự lựa chọn - tiến hay lùi. Chỉ cần ông Donald Trump lùi một bước, nguy cơ bùng nổ chiến tranh quy mô lớn sẽ được hóa giải, trong khi Iran vẫn giữ được thể diện. Tất nhiên, cuộc đối đầu nhiều duyên nợ giữa Mỹ - Iran sẽ chưa thể chấm dứt, Iran sẽ vẫn tìm cách làm xói mòn vị thế của Mỹ ở khu vực, Mỹ cũng sẽ vẫn tìm cách gia tăng áp lực kinh tế và ngoại giao lên Iran. Nhưng ít nhất, cuộc chiến có thể nhấn chìm cả Trung Đông sẽ không bị kích hoạt, nhất là khi lãnh đạo cả hai bên đều tuyên bố đó là kịch bản mà họ không mong muốn.

Tin mới